Lớp dạy đờn đặc biệt cho người khiếm thị

Cập nhật, 07:22, Thứ Hai, 19/12/2016 (GMT+7)

Lớp học đờn dành cho người khiếm thị đầu tiên do Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức với 10 học viên khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, éo le.

Nghệ danh Thanh Giang (giữa) đang dạy cho các học viên khiếm thị tại trường.
Nghệ danh Thanh Giang (giữa) đang dạy cho các học viên khiếm thị tại trường.

Đến với lớp học, chúng ta mới thấy được sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của các học viên khiếm thị. Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có chung niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử.

Đối với họ, tuy cơ thể không có tròn vẹn như những người bình thường khác, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật này, họ sẽ được thêm hành trang trên đường mưu sinh và vơi bớt phần nào gánh nặng cho gia đình.

Em Trần Ngọc Tuyền (17 tuổi, ngụ xã Đồng Phú- Long Hồ) tâm sự: “Mới 1 tuổi là đôi mắt em đã không còn thấy nữa. Nhà em rất nghèo, cha mẹ sống bằng nghề kéo lưới đánh bắt cá trên sông, cuộc sống rất bấp bênh.

Tuy em bị mù, nhưng em rất thích đi làm. May nhờ các cô chú giới thiệu cho học lớp này, em rất thích. Hy vọng, sau này khi ra trường em sẽ đi đờn ca cho các đám tiệc ở quê mình kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình”.

Cùng hoàn cảnh với Tuyền, em Lê Thị Thanh Thảo (19 tuổi, ngụ Phường 3- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Nhà em thuộc dạng hộ nghèo, mẹ mất sớm, cha đi bán vé số nuôi em từ nhỏ. Tuy bị mù, nhưng em muốn có việc làm ổn định có thể phụ giúp cha em.

Được học lớp này, em hy vọng khi xong khóa học, em sẽ kiếm tiền phụ giúp cha bớt gánh nặng nuôi một người tật nguyền như em. Em cám ơn nhà trường đã tạo điều kiện dạy em biết đờn trong những ngày qua”.

Chú Cao Phú Lộc (54 tuổi, ngụ xã Mỹ Phước- Mang Thít) cũng bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Vợ làm nghề mua bán nhỏ. Vợ chồng tôi có 2 đứa con đều đang trong độ tuổi đi học, đứa học lớp 10, đứa học lớp 8.

Tôi học lóm được 1 vài bài bản cổ đờn chập chững để giải sầu. Nhờ mấy anh giới thiệu học lớp này, tôi rất mừng. Hy vọng, khi học được bài bản thì tôi sẽ đờn ca ở đám tiệc để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi 2 đứa con ăn học tiếp”.

Nói về lớp học đầu tiên dạy đờn ca cho người mù, nghệ danh Thanh Giang (người trực tiếp dạy đờn) chia sẻ:

“Dạy đờn cho người sáng mắt mà không có đam mê đã khó, dạy đờn cho người khiếm thị càng khó hơn. Bởi, họ không thể nhìn thấy được các phím, dây trên cây đàn nên phải vừa đàn, vừa cầm tay hướng dẫn rất nhiều lần.

Tuy vậy, nhờ sự đam mê và quyết tâm học nghề mà chỉ mới sau 2 tháng, tất cả các học viên đều đờn đạt yêu cầu. Ngay cả những học viên chưa biết gì cũng đã đờn trôi chảy những bài bản nền. Học xong 3 tháng, tất cả các học viên đều có thể đi đờn đám tiệc ở địa phương để kiếm tiền nuôi sống bản thân và bớt gánh nặng cho gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Khởi- Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật cho biết: Đây là lớp dạy đờn cho người khiếm thị đầu tiên do trường phối hợp với Hội Người mù tỉnh tổ chức theo chương trình đào tạo nghề nông thôn.

Các học viên đến đây học, trường sẽ lo tất cả các khoản chi phí như ăn, ở, nghỉ ngơi và dụng cụ học.

“Trong số 10 học viên thì có đến 7 học viên có hoàn cảnh khó khăn và éo le. Trong 3 tháng, trường dạy cho các học viên về các bài bản của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.

Sau khi ra trường, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, họ sẽ thuận lợi hơn trong việc đờn ca kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp dành cho người khuyết tật nếu họ có nhu cầu”.

  •  

    “Điều tôi trăn trở là 10 học viên khi ra trường cũng không có phương tiện hành nghề. Thế nên chúng tôi kêu gọi các Mạnh thường quân ủng hộ mỗi học viên 1 cây đờn guitar phím lõm (khoảng 1 triệu đồng/cây) để hành nghề.

    Tuy nhiên, đến nay, anh em của trường chỉ kêu gọi ủng hộ được 7 cây, còn lại 3 cây mong những ai có điều kiện có thể giúp đỡ để cho 10 học viên khi ra trường họ đều có cây đờn trên tay”- Nghệ danh Thanh Giang chia sẻ.

    ™Bài, ảnh: BÁ HÙNG