"Đêm chong đèn ngồi nhớ lại..."

Cập nhật, 04:54, Thứ Bảy, 17/12/2016 (GMT+7)

Những vườn thanh long xanh, đỏ ngút ngàn của huyện Mang Thít đón chúng tôi như những câu chuyện dài về những người lính và người mẹ.

Chúng tôi tìm về đây để “chắt chiu” từng câu chuyện ngày xưa. Mỗi câu chuyện là nỗi đau chiến tranh khác nhau, nhưng cùng một nỗi lòng của người mẹ, người vợ làm chúng tôi thêm thắm thía, trân trọng giá trị hòa bình hôm nay.

Ra về, những vườn thanh long đã ấm lên dưới ánh đèn, tin rằng lòng mẹ cũng ấm hơn vì “ơn người, chúng con xin nhớ mãi!”

Bà Nguyễn Thị Thu- vợ liệt sĩ Châu Văn Quận- trông chồng từng ngày nhưng đến giải phóng mới hay chồng đã hy sinh 5 năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thu- vợ liệt sĩ Châu Văn Quận- trông chồng từng ngày nhưng đến giải phóng mới hay chồng đã hy sinh 5 năm trước.

“... Từng câu chuyện ngày xưa”

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Minh, con trai Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dần nằm sâu trong con đường nhỏ vây quanh là những đám lá dừa nước xanh um ở ấp Tân Thiềng (xã Tân An Hội- Mang Thít).

Đã ba lần dời đổi vì nhà sập, nay đã là căn nhà cấp 4 khá tươm tất, cũng nhờ tiền gom góp từ mấy đứa cháu. Ông Minh bồi hồi: “Thương cho má tôi ngày còn sống, lúc nào cũng ở nhà lá rách nát, còn lúc chiến tranh toàn ở đậu nhà người ta”.

 

Nhắc đến má, ông Minh nhớ về những tháng ngày đắng cay, cơ cực có đầy máu và nước mắt vây quanh những phận đời côi cút. Mồ côi cha từ rất nhỏ, nhỏ đến mức ông không nhớ năm nào: “Chỉ nhớ lúc đó đứa em út, kế tui còn nằm trong bụng má”.

Chồng mất sớm, một mình mẹ Dần tần tảo, gieo neo với bầy con thơ dại. Rồi anh Hai- Nguyễn Văn Hai (biệt danh Hai Cò Đẹt) lớn lên đi theo tiếng gọi non sông, làm nhân viên an ninh huyện Mang Thít.

“Anh Hai đi được ít năm thì hy sinh, năm đó, anh còn chưa có vợ”- ông Minh nhớ lại. Nghe bác tôi kể, hôm đó là mùng 5 tháng 5, má đang đổ bánh xèo dưới bếp thì bác tới nói nhỏ: “Thằng Hai Cò Đẹt nó hy sinh rồi chị ơi”, má chới với quăng luôn thau bột đang bưng vô mình bác.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh- con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dần.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh- con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dần.

“Chúng tôi ở nhờ bên chái nhà hàng xóm, gần bên vựa củi. Má đi ruộng về trễ, nấu cơm trễ cũng bị la, bị chửi, nhiều lần bị chủ nhà đem quần áo quăng hết ra sân. Má nách em út bên hông cùng mấy anh em tôi đã đứng ngoài mưa chỉ biết khóc, nhưng má cũng cố ôm đồ vô...”- giọng ông Minh như nghẹn lại.

Cực khổ vậy, phần đau đớn khi người anh lớn hy sinh, vậy mà khi những người anh của ông Minh sau này xin theo cách mạng, má Dần cũng bằng lòng. Anh Tư là thương binh Nguyễn Văn Cao cũng xin mẹ ra chiến trường. Ông Minh nói: “Anh Tư tui lúc đó mới 15 tuổi và một năm sau thì anh thứ ba là liệt sĩ Nguyễn Văn Núi cũng tham gia chiến đấu”.

Nhìn lên bàn thờ- vật có giá trị và đẹp nhất trong ngôi nhà, ông Minh nói: “Má và anh Núi của tôi đó, 2 người chết cùng một ngày, một tháng nhưng cách nhau 2 năm, đó là ngày 20/3 âm lịch”. Má Dần mất năm 1973 vì bị thương hàn, lúc đó ông Minh mới lên 10. Biến cố lần nữa lại đến với gia đình, các anh em ông Minh mồ côi cả cha, lẫn mẹ.

“Chúng tôi dắt díu nhau ở căn chòi rách. Anh Hai đã hy sinh, anh Tư đi kháng chiến. Anh Núi lúc này còn ở nhà đi làm mướn nuôi em, khi thì đi giữ vịt mướn cho người ta. Có bữa anh về tối mịt, người run bần bật vì đói...”- ông Minh lặng đi và bật khóc khi nhớ về những câu chuyện ngày xưa.

“Anh Núi hy sinh tối 29 rạng sáng 30/4/1975, lúc đó anh đang ăn cơm ở nhà dì tôi. Nghe dì kể, anh nghe thấy tiếng súng, liền bỏ chén cơm, xách súng đi. Dì ngăn lại kêu anh ăn hết bữa cơm, anh không chịu, nói “con chạy ra phụ anh em, không thể bỏ anh em được”.

Cầm trên tay thư mời “Dự lễ truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ông Minh nhớ mẹ, rơi nước mắt: “Tôi chỉ mong có ngày này, ước gì má tôi còn sống!”

Những hy sinh thầm lặng của các mẹ

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Của (ấp Phú Hoà, xã An Phước) có 2 người con hy sinh là liệt sĩ Châu Văn Quận và liệt sĩ Châu Văn Châu.

Bà Nguyễn Thị Thu (bà Tư, 76 tuổi) là vợ của liệt sĩ Châu Văn Quận kể: “Tui với ổng lấy nhau có bao lâu đâu thì ổng đi miết, rồi ổng cho hay ổng vào bộ đội. Hồi đầu còn đóng quân gần gần, sau thì di chuyển liên tục ở những căn cứ xa xôi”.

Từ đó, bà Tư nuôi con và chờ chồng thỉnh thoảng về thăm. Đến khi ông không về thăm được nữa, bà chèo ghe chở con vào vùng kháng chiến thăm chồng. “Khi thì xuống Bến Tre, khi thì Quới An,… tui bỏ mấy đứa nhỏ lên ghe, chèo đi thăm ổng”.

Rồi giọng bà nghẹn ngào hơn: “Mấy năm trời không thấy ổng nhắn đi thăm, tui đâu ngờ ổng hy sinh mà mình hổng hay”. Bà Tư còn nhớ cái ngày hòa bình mà vợ chồng bà luôn ao ước và lời ông hứa: “Ráng đi, hòa bình rồi tôi về phụ bà nuôi con!” Hòa bình! Bà Tư trông chồng từng ngày, từng giờ, từng phút.

Đôi mắt nhăn nheo vẫn in nỗi đau thời gian: “Một tháng sau hòa bình, mới có người báo cho tôi biết chồng tôi hy sinh năm 1970!” Bà Tư nhìn lên chân dung chồng: “Mỗi lần gặp, ổng hỏi tui bộ làm cực lắm sao tay chai vậy; tui nói một mình nuôi 4 đứa con với ba mẹ chồng, hỏi có cực hông?”

Con đường lầy lội ở ấp Tân Qui 1 dẫn chúng tôi vào ngôi nhà của bà Võ Thị Rỉ- vợ của liệt sĩ Lê Văn Em. Đây là người con duy nhất của Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Thỏ. Bà Rỉ tuổi đã ngoài 80, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng hình ảnh người chồng thì bà không thể nào quên. Bà Rỉ nói: “Lúc ổng đi theo cách mạng, làm luôn tờ giấy ly khai rồi nhờ tui chăm sóc cha mẹ dùm”.

Bà Võ Thị Rỉ- vợ liệt sĩ Lê Văn Em- từng làm ngày làm đêm để lo cho các con, cho cha mẹ chồng.
Bà Võ Thị Rỉ- vợ liệt sĩ Lê Văn Em- từng làm ngày làm đêm để lo cho các con, cho cha mẹ chồng.

 

Ngày được tin ông Lê Văn Em hy sinh được anh em chở xác về ngọn Ông Tấm (xã Hậu Lộc- Tam Bình), bà Rỉ và mẹ chồng Phan Thị Thỏ sụp xuống bò đến bên xác chồng, xác con. Không thể mang xác về nhà cúng tang, đồng đội chôn ông ở giữa đồng.

Bà Rỉ nói như khóc: “Mọi người định ghép ván chôn chồng tui, nhưng tôi không chịu, may mà đi mượn được cái áo quan dưỡng già của người ta chôn ổng cho tử tế”.

Chồng chết khi 2 con còn quá nhỏ- đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ chưa giáp thôi nôi, bà Rỉ chỉ biết làm ngày làm đêm để lo cho con, cho cha mẹ chồng, “cực khổ biết bao nhiêu mà kể!”

Phía sau từng câu chuyện của những liệt sĩ đã dâng hiến đời mình cho Tổ quốc, là bóng dáng, là tấm lòng của những người mẹ, những người vợ hơn cả “hòn vọng phu”, các mẹ đã hóa thân vào nước non này làm nên hình tượng chung cao quý của người Mẹ Việt Nam anh hùng!

 

 

Bà Trần Thị Kim Châm, con gái thứ 5 của Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba ở ấp Phú An (xã An Phước) nhớ lại: “Ngày xưa, má và tôi thân sơ thất sở lắm. Mấy ông anh thì đi theo cách mạng hết. Anh lớn là liệt sĩ Nguyễn Văn Cu hy sinh năm 1965, em trai là liệt sĩ Trần Kim Khôi hy sinh năm 1968. Ông già tui là Trần Văn Hiếu (Bảy Hiếu) cũng là quân y ở Tiểu đoàn 307. Lúc còn sống, mẹ tôi không dám mong danh hiệu cao quý gì, chỉ mong tìm được mộ anh tôi. Vì mẹ chỉ biết hài cốt quy tập về nghĩa trang của huyện, nhưng là mộ vô danh!”

 Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN