Hai loại hoa ngày Tết

Cập nhật, 17:32, Thứ Ba, 03/01/2017 (GMT+7)

Nhất định nở nụ khoe duyên ngay từ những ngày cuối đông, bước qua đầu xuân, hoa đào hoa mai nở rộ đầy trời, người ta chỉ việc mang về chưng Tết. Rất ấm lòng. Bởi mai và đào là hai loại hoa tượng trưng cho sức sống, vừa thanh khiết nhẹ nhàng, vừa rạo rực xôn xao. Một không khí chỉ có trong ngày Tết.

Cành đào Nguyễn Huệ

Về tên gọi, đào là điều, là đỏ. Hoa đào là hoa màu đỏ.
Về tên gọi, đào là điều, là đỏ. Hoa đào là hoa màu đỏ.

Nói đến hoa đào, lại nhớ một truyền thuyết đẹp, rằng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789), sau khi đại chiến quân Thanh, tiến quân vào Ngọc Hồi, Vua Quang Trung cho người mang cành hoa bích đào vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Cành bích đào đó được trồng trên đất Nhật Tân.

Sách sử không hề có ghi chép nào về "cành đào Nguyễn Huệ". Đó chỉ là trí tưởng tượng của kịch tác gia Trúc Đường (1911-1983), tên thật Nguyễn Mạnh Phác, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính. Ông quê ở thôn Thiện Vinh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Ông chuyên viết kịch bản về đề tài lịch sử, và chi tiết cành đào kia là trong vở chèo "Quang Trung", sáng tác năm 1964. Ngoài ra còn có truyện ngắn Cành đào Nguyễn Huệ của Tiến Thảo (trích): "Mấy năm nay ở Phú Xuân, Tết đến chỉ có hoa mai.

Chắc là nàng mong hoa đào lắm mà không dám đòi hỏi; mà ở trong ấy thì lấy đâu ra hoa đào? Nay ta đang ở đất Bắc chắc nàng càng nghĩ về hoa đào nhiều hơn nữa".

Và tờ mờ sáng, giữa tiết trời đầu xuân lành lạnh lấm tấm mưa, Nguyễn Huệ khoác áo dạ, chậm rãi dạo qua các lối trong hoàng cung để nhìn ngắm những khóm đóa nở đầy hoa, rồi bỗng nhiên dừng lại thật lâu trước Điện Kính Thiên, ở đó có một cội hoa đào tuyệt mỹ.

Nguyễn Huệ chọn một cành ưng ý – một cành đào nở muộn còn nhiều nụ búp, rồi sai quân cấp tốc lên đường mang về Phú Xuân".

Thơ Chế Lan Viên, cũng có bài tựa "Cành đào Nguyễn Huệ":

"Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào?
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu?
Đào phi theo ngựa về cung nhé!
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào".

(Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002 – Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn)

Đề cập vấn đề này, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có lần phát biểu rằng, chi tiết cành hoa đào bích xuân Kỷ Dậu 1789 là chuyện không thể. Thế nhưng, người dân Việt Nam hầu như ai cũng biết câu chuyện đẹp đó và xem như biểu tượng của một tình yêu sáng trong.

Tên gọi hoa mai

Tên gọi hoa mai được xem như tượng trưng cho ban mai- thời điểm bắt đầu của một ngày mới. Mai với đặc tính trổ hoa vào giữa đông, cho dù tiết trời đang lạnh giá, nên mới được công nhận là hoa nở trước nhất.

Hoa mai được cấu tạo bởi năm cánh đều nhau, hoặc nhiều hơn, có khi hàng chục, kết dính vào tâm điểm, tạo thành một hình tròn thanh nhã, y như hình ảnh của mặt trời mọc với những tia nắng ấm chiếu tỏa lúc sáng sớm. Mai nở vào thời điểm ấy như vầng dương ló dạng lúc bình minh ngày xuân, cũng là buổi ban mai của năm mới.

Ngoài ra, sách "Kiến văn tiểu lục" có ghi lại một sự tích trích từ tập "Biên biều". Từ sự tích này, có thể suy luận tên gọi của hai loại mai là chi mai, tức mai ngự sử và nhất chi mai.

Sách chép rằng thời vào Vua họ Trần nước Giao Chỉ, có Lê Quý Ly, quê quán tỉnh Giang Tây qua nước đó buôn bán. Khi thuyền cập bến, y bước lên, bỗng thấy trên bãi cát có câu rằng: "Quảng Hàn cung lý nhất chi mai" (Một cành mai trong cung Quảng Hàn).

Về sau Quý Ly di duyên được chức quan nước ấy. Một hôm, Vua Trần nghỉ mát ở điện Thanh Thử, trước sân điện có hàng ngàn cây quế, vua Trần ra cho quần thần một câu đối rằng: "Thanh Thử điện tiền thiên phụ quốc" (Ngàn cây quế trước điện Thanh Thử).

Quý Ly chợt nhớ câu thơ đã thấy trên bãi cát hồi xưa, liền đem đối ngay. Vua nghe câu đối của Quý Ly, rất đỗi kinh ngạc, phán rằng: "Sao ngươi lại biết việc riêng trong cung trẫm?".

Số là vua có công chúa tên Nhất Chi Mai, Vua dựng riêng một cung cho cô, đặt tên là cung Quảng Hàn. Quý Ly được hỏi, bèn đem sự thật tâu lên. Vua gả Nhất Chi Mai cho Quý Ly.

Từ sự tích này và phối kiểm với sử cũ, Quý Ly sau là Ngự sử. Có thể người thời ấy thấy công chúa có nét đẹp đài các, tên nàng lại có chữ Mai, nên đã mượn tên ấy đặt cho một loài hoa đẹp là Nhất Chi Mai.

Một loài hoa khác không kém vẻ kiêu sa, người ta cũng mượn tên nàng để đặt, gọi Chi Mai (không có chữ "Nhất" để phân biệt với Nhất Chi Mai), hoặc gọi gộp luôn cả tên nàng và chức của chồng (cho có đôi) là Mai Ngự Sử.

Bên cạnh đó, nhiều điển tích văn học còn có truyền thuyết về hoa Trường An- loài hoa hầu hết những sách sưu tập thơ văn xưa đều ghi ở phần chú thích "không rõ hoa gì".

Nhưng qua nội dung và điển tích trong bài thơ của Nguyễn Trãi, cũng như điển tích "tin mai" cho thấy hoa Trường An là loài hoa mà chúng ta thường gọi là mai tứ quý, cũng gọi là hồng mai, vì đế hoa màu vàng, khi cánh hoa đã rụng thì biến sang sắc đỏ, ôm lấy hạt màu đen. Bài thơ của Nguyễn Trãi như sau:

"Ấy chẳng Tây Thi thì Thái Chân,
Trời cho tốt lạ mười phần.
Ngày chầy điểm đã phong trần đó,
Rỡ tư mùa một thức xuân".

Về tên gọi hoa Trường An, sách "Kinh Châu ký" có chép, Lục Khải ở Giang Nam, gặp lính trạm bèn bẻ một cành mai, gửi đem về cho Phạm Việp là bạn thơ còn đang ở Trường An và kèm theo một bài thơ:

"Chiết mai phùng dịch sứ,
Ký dữ Lũng Đầu nhân.
Giang Nam vô sở hữu,
Liễu tặng nhất chi xuân".
(Bẻ cành mai nhờ lính trạm đưa,
Gửi cho người bạn ở Lũng Đầu.
Giang Nam không có đồ gì lạ,
Mới tặng một cành xuân gọi là).

Điển tích này cho phép chúng ta suy luận, nhân đón mừng xuân mới, từ Giang Nam, Lục Khải gửi một cành mai về tặng Phạm Việp ở Trường An.

Nhận được cành mai do lính trạm đưa, cảm động, và do thấy đây là giống mai lạ (vì ở Giang Nam không có vật gì lạ hơn giống mai này), Phạm Việp đem trồng, bốn mùa đều trổ hoa rất đẹp, tưởng chừng như lúc nào cũng mùa xuân (nên cành mai ấy cũng được gọi cành xuân).

Từ Trường An, loại mai này được nhân giống rất nhanh vì dễ trồng, nhờ có nhiều hạt. Do vậy, loại mai tứ quý còn có tên hoa (mai) Trường An.

Tản mạn về hoa mai trong thi ca

Do trổ ngay trong tiết đông đầy sương giá ("Mai sinh phái tuyết lạnh chẳng hiềm" – Nguyễn Trãi) nên người đời tôn tụng mai là "Hoàng hậu của các loài hoa".

Hoa mai chẳng những đẹp mà màu sắc lại luôn luôn tươi thắm, không phai nhạt, héo úa. Đến thời kỳ rơi rụng, mai vẫn có sức cuốn hút kỳ diệu.

Nguyễn Trãi ví những cánh hoa rơi như ngọc rụng ("Ngắm hoa tàn xem ngọc rụng" – Tự thán) nên với vẻ đẹp và tinh thần trong trắng ấy, mai dễ chiếm được tình người.

Hoa mai nở trước mọi loài, đứng đầu bảng các hoa mùa xuân ("Tiên hưởng bách hoa đầu thượng khai"), nên không thể không trở thành đề tài cuốn hút các nghệ sĩ cổ kim. Với các thi nhân, mai được xem như người bạn đời, thậm chí còn bày tỏ thái độ mến kính.

Nguyễn Du: "Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen". Nếu mai là bạn chí cốt của đại thi hào thì thi bá Cao Bá Quát thừa nhận "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai). Mai đã trở thành hình tượng để biểu trưng cho những gì cao đẹp nhất, tuỵệt vời nhất:

"Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai".

(Mãn Giác thiền sư)
Đáng nói là ngay cả thân và cành của mai cũng được xem như có phong cách riêng:

"Càng thuở già càng cốt cách,
Một phen giá một tinh thần".

(Nguyễn Trãi – Thơ mai)

***

Sắc hồng thắm của hoa đào, màu vàng tươi tắn của hoa mai đâu chỉ làm rực rỡ cửa nhà, đường phố trong những ngày xuân sang, mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị để tao nhân mặc khách đổi trao ngày Tết.

Theo Cần Thơ Online