Khi nào không được tiếp tục khai thác tài sản thế chấp?

Cập nhật, 06:24, Thứ Tư, 15/07/2020 (GMT+7)

Tôi đang giữ và được khai thác tài sản của ba tôi. Vì thiếu tiền làm ăn nên ba tôi đã đem giấy tờ tài sản đó thế chấp vay vốn. Ban đầu, bên nhận thế chấp đồng ý cho tôi tiếp tục sử dụng tài sản đến khi hợp đồng thế chấp vay hết hạn (3 năm). Nhưng chỉ mới được 1 năm thì bên nhận thế chấp đề nghị tôi ngưng hoạt động vì cho rằng nếu tôi tiếp tục hoạt động, giá trị tài sản sẽ bị giảm sút. Trường hợp này, tôi có phải ngưng hoạt động theo đề nghị của họ không? Tôi có được khắc phục thiếu sót không?

L.V.T. (TX Bình Minh)

Trả lời: Trường hợp này, anh được xem là người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Khoản 2 Điều 324 Bộ luật Dân sự quy định người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;

b) Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;

c) Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu thực tế quá trình sử dụng tài sản thế chấp của anh có làm giảm sút giá trị tài sản, đề nghị của bên nhận thế chấp là đúng quy định nêu trên, anh không được tiếp tục hoạt động. Còn những gì có thể khắc phục được thì anh nên thỏa thuận với bên nhận thế chấp tài sản của ba anh.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ