Điều kiện di chúc miệng được xem là hợp pháp

Cập nhật, 19:04, Thứ Năm, 02/07/2020 (GMT+7)

Mẹ tôi mất đã trên 10 năm. Cách đây 3 hôm, ba tôi đột ngột trở bệnh do di chứng của khối u ác tính. Vì không nghĩ mình sẽ mất sớm, nên ba tôi chưa viết di chúc.

Do đó, lúc bệnh nặng, ba tôi kêu anh em chúng tôi lại trăn trối và dặn dò anh em tôi rất kỹ về việc chia tài sản ra riêng cho từng anh em sau khi ba mất. Điều này, ba tôi có kêu chú và cô ruột tôi chứng kiến. Mặc dù hiện nay ba tôi vẫn còn sống nhưng chúng tôi chưa biết xử lý thế nào về lời trăn trối đó. Nếu ba tôi không qua khỏi bệnh thì lời di chúc của ba tôi có giá trị không?

L.V.C. (TX Bình Minh)

Trả lời:

Khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự quy định: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự: Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Trường hợp này, ba anh có kêu chú và cô ruột anh chứng kiến về việc ba anh di chúc bằng miệng chia tài sản cho anh em anh, là điều thuận lợi cho việc lập giấy tờ về di chúc miệng của ba anh. Để di chúc này được xem là hợp pháp, anh nên nhờ chú và cô của anh thực hiện theo quy định trên.

Xin lưu ý với anh, theo khoản 2 Điều 629 nói trên: Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ