Mua "hàng la" coi chừng đồ dỏm

Cập nhật, 09:05, Thứ Năm, 21/04/2016 (GMT+7)

Giao thông nông thôn phát triển tới đâu, đội quân bán hàng dạo đi tới đó. Xe máy bán dạo rao phát qua loa chứ không phải rao bằng miệng như ngày xưa, nên hình thức mua bán này được nhiều người gọi là “hàng la”.

Họ bán đủ loại hàng hóa thông dụng trong gia đình. Tuy khá tiện lợi cho người nông thôn nhưng cũng có không ít người bán lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân nông thôn để bán hàng hóa quá đát, không rõ nguồn gốc. Đến khi người dân sử dụng mới phát hiện ra đó là đồ dỏm.

Đội quân “hàng la” đi bằng xe máy, chở hàng hóa cồng kềnh len lỏi vào tận ngõ ngách các làng quê. Họ thường bán đồ gia dụng như bếp gas, nồi niêu, vải bạt che mưa nắng, võng,…

Chạy xe chầm chậm vào các con đường nông thôn, hễ thấy có người trong nhà là họ dừng xe, vào mời chào.

Họ chào bán rất chuyên nghiệp, nói chuyện rất dễ nghe, thường tự xưng người của công ty, bán hàng tồn kho giá rẻ cho người dân sử dụng và khi thấy “cá cắn câu”, họ liền hét giá trên trời, khiến người dân trả bao nhiêu cũng “sụp bẫy”.

Bà H. kể, hôm đó buổi trưa đang xem phim, một thanh niên dừng xe ngoài lộ và đi vào, cầm theo tấm vải bạt màu xanh.

Bà H. chưa kịp hỏi “người khách không mời mà ghé”, anh ta đã tự giới thiệu là nhân viên bán hàng của công ty, rồi lanh lẹ giải thích” “Tấm vải bạt này công ty tồn kho nên bán xả hàng. Hàng sản xuất ở Thái Lan nên tốt lắm, xài 10 năm cũng không hề gì, nhưng giá chỉ 500 ngàn đồng,…”

Tuy không có nhu cầu sử dụng nhưng vì người thanh niên cứ nài nỉ lại ăn nói dễ nghe nên bà H. ngã giá thử 100 ngàn đồng và bà nghĩ rằng anh ta không bao giờ bán.

Người thanh niên kèo nài thêm không được, nên: “Thôi con bán cho bà một tấm xài làm quen, thấy tốt thì mua thêm”. Lỡ trả giá rồi nên bà H. đành mở tủ lấy tiền ra mua. Sau đó, gia đình đem tấm vải bạt che làm căn chòi giữ vườn mới vài tháng thì… rệu rã.

Bà H. bảo: “Đây cũng là bài học mua hàng dạo. Ở xóm cũng còn nhiều người ham giá rẻ, mua tấm vải bạt để rồi “sụp bẫy” của chúng”.

Tương tự, chị N. cũng ham rẻ mua cái bếp gas đôi giá chỉ 300 ngàn đồng. Theo người bán hàng, đây là hàng bỏ mẫu nên công ty bán hạ giá, nhưng chất lượng đảm bảo.

Hàng được bảo hành 2 năm, khi bếp có vấn đề, người sử dụng gọi điện thoại sẽ có nhân viên đến nhà sửa chữa và nếu như hư nhiều sẽ đổi lại cái mới mà không bù thêm tiền, nên hãy yên tâm sử dụng…

Nhưng chị N. xài được gần 2 tháng thì cái bếp gas “trở chứng” đôi khi nó còn bị phựt lửa rất nguy hiểm. Chị N. gọi điện thoại cho người bán nhưng không liên hệ được, nên vì an toàn cho gia đình, chị N. đành bỏ cái bếp gas làm phế liệu. Chị N. tức giận: “Từ nay hàng bán dạo rẻ bao nhiêu tôi cũng không mua, tốn tiền còn mang thêm tức nữa…”

Chị C. cũng “sụp bẫy” của đội quân bán “hàng la”. “Hôm đó, có một thanh niên đi xe gắn máy ghé vào nhà gạ bán bộ nồi inox 3 cái, giá chỉ 100 ngàn đồng, ở thị trường 500 ngàn đồng cũng không mua được.

Nhà gần có đám giỗ, chị C. cũng có nhu cầu nên đồng ý mua. Nhưng, mới lấy ra nấu được vài lần là lớp inox tróc lở, chị không dám sử dụng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Mình cũng tự trách bản thân ham hàng giá rẻ…”- chị C. kể lại vụ việc.

Trên đây là một số chiêu của đội quân bán “hàng la” lợi dụng lòng tin, ham giá rẻ của người dân để trục lợi. Qua tìm hiểu, đa phần họ bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, quá đát, trôi nổi và có cả đồ trộm cắp. Người dân cả tin, vô tình tiếp tay bọn lừa đảo không những mất tiền mà còn mang nguy hiểm cho bản thân, gia đình.

Tất nhiên, trong số đội quân bán “hàng la” cũng có nhiều người bán hàng chân chính, đúng với nhãn mác. Song, để đảm bảo mua hàng hóa an toàn, chất lượng người dân nên xem kỹ nhãn mác trên các bao bì hay đến các cửa hàng có uy tín, tránh mua nhầm hàng dỏm.

HOÀI NAM