Xiệc cá bằng xung điện- vi phạm pháp luật, nguy hiểm tính mạng

Cập nhật, 05:55, Thứ Sáu, 02/04/2021 (GMT+7)

 

Một bộ dụng cụ đánh bắt cá bằng xung điện bị công an thu giữ.
Một bộ dụng cụ đánh bắt cá bằng xung điện bị công an thu giữ.

(VLO) Xiệc cá bằng xung điện, ngoài tận diệt thủy sản, vi phạm pháp luật, còn nguy hiểm tính mạng người sử dụng. Dù vậy, không ít người vẫn chọn “nghề” này để mưu sinh.

Với chừng 1 triệu đồng sẽ mua được một bộ xung điện (bình ắc quy, cục biến thế, dây diện) dùng để xiệc cá. Do đó, loại “ngư cụ” này đang được sử dụng nhiều ở nông thôn, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và nguy cơ tổn hại sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Vào mùa khô, nước trên sông rạch, mương vườn xuống thấp nên nhiều người dùng dụng cụ xiệc điện đánh bắt thủy sản. Khi họ đi qua, phía sau tôm cá nổi trên mặt nước và cứ thế mà tha hồ… bắt.

Một bộ đồ nghề đánh bắt cá gồm bình ắc quy 12V, bộ phận kích điện, dây dẫn điện nối xuống 2 cần dài khoảng 2m có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt có giá khá “mềm”, chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Như bộ đồ nghề “kiếm cơm” của anh N.V.H. (Vũng Liêm) cũng khá đơn giản. Anh H. cho biết, đó là bình ắc quy 12V, bộ kích điện và 2 dây dẫn tự chế. Với loại “ngư cụ” này, người sử dụng chỉ cần khoác bình điện trên vai, nối dây dẫn nguồn điện xuống 2 mũi chích bằng kim loại nhọn, sau đó nhúng xuống nước là tôm cá “cứng đơ” và cứ thế mà… lượm bỏ vô thùng.

Anh H. còn thiệt tình “chia sẻ”, dùng loại “ngư cụ” này khi nước nội đồng xuống thấp thì “chích” cá sẽ hiệu quả hơn.

Thực tế, nhiều người cho rằng nếu dùng những phương pháp đánh bắt cá bình thường như chài, lưới, câu thì không bắt được nhiều cá. Còn khi sử dụng kích điện, trong bán kính từ 1- 2m, cá sẽ bị điện giật nổi lên nên thu được “thành quả” nhiều hơn.

Nhưng cách đánh bắt này mang tính hủy diệt, bởi không chỉ cá tôm trưởng thành mà toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du cũng bị tiêu diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo lại, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Theo Trung tá Lê Hữu Thọ- Trưởng Công an xã Hòa Tịnh (Mang Thít), từ năm 2020 đến nay, xã phát hiện 37 trường hợp bộ kích điện để đánh bắt cá trái phép. Căn cứ mức độ vi phạm, cơ quan chức năng đã tiến hành giáo dục và 32 trường hợp viết cam kết không tái phạm, xử phạt hành chính 5 trường hợp.

Bên cạnh việc hủy diệt nguồn lợi thủy sản, xiệc điện còn gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Cũng tại địa bàn xã Hòa Tịnh, trong năm 2020 đã xảy ra vụ chập điện do sử dụng bộ xiệc điện đánh bắt cá dẫn đến cái chết thương tâm của anh T.T.H. (ấp Bình Hòa 1).

Từ tình hình thực tế trên, Công an xã Hòa Tịnh đã tích cực đến từng hộ dân vận động 38 gia đình tự nguyện giao nộp dụng cụ kích điện. Đồng thời, khuyến cáo người dân địa phương tuân thủ quy định của pháp luật, không đánh bắt thủy sản bằng cách sử dụng bộ kích điện.

“Mong rằng mọi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không dùng điện để đánh bắt cá, vừa vi phạm pháp luật vừa nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.

Đồng thời, khi phát hiện trường hợp sử dụng điện để đánh bắt cá, người dân cần báo ngay với chính quyền gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”- Trung tá Lê Hữu Thọ đưa ra khuyến cáo.

Theo Nghị định 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng. Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng.

Bài, ảnh: QUỐC HƯNG