Vụ bán nền nhà tái định cư khống ở KCN Hòa Phú

Kỳ cuối: Ông Nguyễn Phước Thành có phạm tội lừa đảo?

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 15/09/2017 (GMT+7)

Sau vụ việc ông Nguyễn Phước Thành- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa (Long Hồ)- bán nền tái định cư không thuộc quyền sở hữu của mình vỡ lở, người mua gửi đơn tố cáo ông Thành nhưng cơ quan chức năng bảo chỉ là tranh chấp dân sự dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Cuối năm 2014, chuyện ông Nguyễn Phước Thành bán nhiều nền nhà không thuộc quyền sở hữu của mình ở Khu tái định cư Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú giai đoạn 2 gây xôn xao dư luận.

Quyết định giao đất là điều người mua cần biết rõ khi mua nền tái định cư.
Quyết định giao đất là điều người mua cần biết rõ khi mua nền tái định cư.

Nhiều người đặt dấu hỏi tại sao khi bỏ ra số tiền lớn mua nền tái định cư nhưng người mua không đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn thủ tục mua bán hợp lệ và kiểm tra tính chính xác của thửa đất đó mà chỉ tin vào lời nói của ông Thành thì ông Nguyễn Trung Đoàn (ở ấp Phước Yên A, xã Phú Quới- Long Hồ) và ông Thái Minh Long (ở ấp Long Hòa, xã Lộc Hòa) đều thừa nhận do ông Thành lúc đó là bí thư xã và hợp đồng chuyển nhượng được lãnh đạo UBND xã xác nhận nên không nghĩ có chuyện gian dối.

Trả lời vì sao UBND xã Lộc Hòa lại xác nhận vào 2 bản hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông Đoàn và ông Long khi thực tế các nền tái định cư đó không thuộc quyền sở hữu của ông Thành; bà Cao Thị Hồng Nga- Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa- cho biết:

“Do thời điểm đó, ông Thành là Bí thư Đảng ủy xã nên lãnh đạo UBND xã Lộc Hòa có chút nể nang dẫn đến việc xác nhận hợp đồng chuyển nhượng nền tái định cư không thông qua bộ phận chuyên môn. Mặt khác, người dân khi nhận chuyển nhượng cũng bỏ qua khâu rất quan trọng đó là không xem giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền dẫn đến chuyện đáng tiếc như trường hợp của ông Đoàn và ông Long”.

Được biết, sau khi ông Đoàn và ông Long gửi đơn tố cáo, Công an huyện Long Hồ đã mời ông Thành đến làm việc và ông Thành có hứa sẽ hoàn trả số tiền đã chiếm dụng cho các bị hại.

Ngày 28/8/2015, ông Thành cùng bà Nguyễn Hồng Cẩm Tú (vợ ông Đoàn) đã đến văn phòng công chứng ở TP Vĩnh Long lập tờ xác nhận nợ và cam kết nghĩa vụ trả nợ.

Nội dung xác nhận số nợ ông Thành thiếu gồm tiền vay 24 triệu đồng (lãi suất 3%/tháng) và tiền đặt cọc mua nền tái định cư 64 triệu đồng (lãi suất 2%/tháng) tổng cộng gốc và lãi 120 triệu đồng.

Ông Thành cam kết sẽ trả đủ số tiền này khi nhận được tiền nghỉ việc một lần do cơ quan BHXH chi trả. Tuy nhiên, ông Thành không thể thực hiện lời hứa do tiền nghỉ việc được cấn trừ vào các khoản nợ thời ông Thành còn làm Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa.

Điều đáng lưu ý là tờ xác nhận nợ và cam kết nghĩa vụ trả nợ nói trên đã đưa cả khoản tiền ông Đoàn đặt cọc vào thành nợ chung nhưng không có sự đồng ý của ông Đoàn. Cụ thể, ông Đoàn không ký xác nhận cho thiếu nợ và cũng không ủy quyền cho vợ giải quyết thay số tiền đặt cọc.

Do đó, theo quy định pháp luật thì tờ xác nhận trên chỉ có giá trị pháp lý đối với phần tiền bà Tú cho ông Thành vay. Riêng số tiền đặt cọc 64 triệu đồng, ông Đoàn vẫn giữ nguyên yêu cầu ông Thành phải trả một lần và đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý ông Thành về hành vi lừa đảo.

“Nhiều lần gửi đơn nhưng Công an huyện Long Hồ đều trả lời do vụ việc có dấu hiệu tranh chấp hợp đồng dân sự nên kêu tôi và ông Long liên hệ tòa án để được giải quyết.

Các cơ quan chức năng ở Long Hồ căn cứ vào tờ xác nhận nợ do ông Thành và vợ tôi lập ở phòng công chứng rồi cho rằng có dấu hiệu tranh chấp dân sự là không đúng, vì tôi không hề ủy quyền cho vợ giải quyết số tiền cọc ông Thành đã nhận.

Cũng từ cách giải quyết này mà nhiều năm nay, ông Thành không có thiện chí trả tiền cho tôi và ông Long mà còn có lời lẽ thách thức”- ông Đoàn bức xúc.

Theo Công an huyện Long Hồ, cơ sở xác định ông Thành không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ ở tờ xác nhận nợ mà quá trình điều tra vụ việc, ông Đoàn cũng đồng ý chuyển số tiền đặt cọc 64 triệu đồng thành nợ trả dần và điều này đã được ghi rõ trong lời khai.

Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được xem lời khai ấy thì cán bộ điều tra cho biết “để tìm rồi trả lời sau”. Khi thực hiện bài viết này, phóng viên gọi điện thoại xác nhận thông tin trên một lần nữa nhưng cán bộ điều tra đó vẫn bảo “bận quá chưa có thời gian tìm, khi nào tìm được sẽ cho hay”.

Thiết nghĩ, việc ông Thành bán nền tái định cư không thuộc quyền sở hữu của mình có phạm tội lừa đảo hay không cần được các cơ quan thực thi pháp luật ở Long Hồ giải quyết rõ ràng, dứt điểm tránh để người dân bức xúc khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi gây tai tiếng không hay trong dư luận.

 

Luật sư Trần Văn Sỹ: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

 

Để xác định một người có phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cần phải có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

- Về khách thể: Có hành vi xâm phạm đến quan hệ sở hữu về tài sản.

- Chủ thể: Là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Về khách quan: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm hữu tài sản của người khác. Đó là, dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã giao tài sản cho người phạm tội.

- Về chủ quan: Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lỗi cố ý trực tiếp, với mục đích vụ lợi. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Vụ việc này cho thấy ông Nguyễn Phước Thành có dấu hiệu:

Về khách thể, ông Thành đã nhận tiền cọc của ông Đoàn một thời gian, biết hợp đồng không thể thực hiện nên ông Đoàn đã nhiều lần đòi tiền lại nhưng ông Thành vẫn không trả.

Về chủ thể, ông Thành là người đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Về khách quan, ông Thành dù biết mình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao cấp đất vẫn cố tình lập hợp đồng sang nhượng, có chứng thực của UBND xã nhằm tạo niềm tin đối với ông Đoàn để lấy trước của ông Đoàn 1 khoản tiền không nhỏ.

Việc làm trên của ông Thành đã thực hiện bằng ý muốn chủ quan, biết mình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn lập hợp đồng sang nhượng có chứng thực của UBND xã một cách dễ dàng nhằm mục đích nhiều lần lấy của ông Đoàn một khoản tiền. Khi biết rõ hợp đồng không thực hiện được, nhiều lần ông Đoàn đòi tiền lại, ông Thành vẫn không chịu trả.

Từ các dấu hiệu nêu trên, nếu cơ quan chức năng xét thấy ông Thành đã thỏa các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”! 

 

 

 

Bài, ảnh: NHÓM PV