Tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi

Cập nhật, 05:23, Thứ Tư, 02/08/2017 (GMT+7)

Tội phạm mua bán người đang làm đau đầu cơ quan chức năng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Thực tế qua điều tra của công an trong thời gian gần đây, hầu hết nạn nhân của loại tội phạm này là phụ nữ nhẹ dạ, không có việc làm ổn định và muốn đổi đời nên bị lừa bán.

Phụ nữ hoạt động trong môi trường nhạy cảm cũng là đối tượng dễ bị cám dỗ và lọt vào tay tội phạm buôn người. Ảnh minh họa (tư liệu).
Phụ nữ hoạt động trong môi trường nhạy cảm cũng là đối tượng dễ bị cám dỗ và lọt vào tay tội phạm buôn người. Ảnh minh họa (tư liệu).

Sụp bẫy bọn buôn người vì ham chồng ngoại

Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2011 đến nay, cả nước có hơn 81.000 người Việt Nam (92% là nữ) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (giảm hơn 40.000 người so với giai đoạn 2005- 2010).

Trung bình mỗi năm có khoảng trên 13.500 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là công dân các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, các quốc gia Châu Âu,…

Cũng trong giai đoạn này, xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến 4.110 đối tượng, với 5.984 nạn nhân; trong đó có 447 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân, với 927 đối tượng, lừa bán 1.140 nạn nhân.

Riêng TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh- thành khu vực Tây Nam Bộ phát hiện 265 vụ, 700 đối tượng, 1.395 nạn nhân. Trong đó, có 147 vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 437 đối tượng tham gia, 1.294 nạn nhân.

Trên 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Nhiều nạn nhân- chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở vùng nông thôn- có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế nên bị dụ dỗ, lừa gạt, bị bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp, hoặc bị bán vào các tụ điểm mại dâm, trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động.

Thậm chí, có nhiều phụ nữ còn trở thành nạn nhân của chính người thân trong gia đình. Nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người sau đó lại đi lừa bán những người phụ nữ khác.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi.

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết, phân công chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,… với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ bán ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.

Để qua mặt các cơ quan chức năng, các đối tượng không tổ chức đưa đàn ông về Việt Nam mà thông qua mạng xã hội để xem mặt chọn vợ. Khi ngã giá thành công, chúng sẽ tổ chức đưa những phụ nữ này xuất cảnh ra nước ngoài để bán.

Cảnh giác với tội phạm mua bán người

Gần đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều đường dây của tội phạm mua bán người lợi dụng địa bàn nước ta làm điểm “trung chuyển” nạn nhân từ Campuchia để bán sang Trung Quốc.

Tình trạng mua bán trẻ em cũng diễn biến phức tạp, tội phạm lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, thông qua mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê đi du lịch hoặc làm thuê với mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, khi đến được “miền đất hứa”, những nạn nhân này mới vỡ lẽ vì đã bị bán cho các nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp,… ép buộc bán dâm, cưỡng bức lao động, phải vay nặng lãi hoặc bán sang Trung Quốc.

Điều tra của công an cũng cho thấy, khi đưa được nạn nhân sang nước khác, bọn buôn người đều giữ giấy tờ, cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương, khống chế đòi tiền chuộc sau đó báo cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ và trục xuất về nước.

Nhiều đối tượng lợi dụng quy định về hiến tạng để lừa những nạn nhân khó khăn bán thận với giá rẻ, sau đó làm giả giấy tờ, con dấu của ngành chức năng để bán lại cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao.

Tại Vĩnh Long, theo báo cáo của BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua điều tra cơ bản chưa phát hiện nghi vấn có liên quan đến loại tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn hết sức cảnh giác trong hoạt động kết hôn, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; bởi, tội phạm mua bán người có thể lợi dụng kẽ hở để hoạt động.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, tỉnh đã tổ chức phổ biến phương thức, thủ đoạn của chúng để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật về hôn nhân, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt địa phương, đoàn thể,…

Sở Tư pháp cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương kiểm tra chặt chẽ hồ sơ kết hôn, ghi chú kết hôn có yếu tố nước ngoài và kiểm soát nghiêm ngặt việc cho, nhận con nuôi để ngăn chặn tội phạm mua bán người lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi phạm tội.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo cho rằng, giải pháp trước mắt là các cơ quan cần nhanh chóng thiết lập đường dây nóng để kịp thời nắm bắt và xử lý các thông tin về tội phạm mua bán người. Bên cạnh, tăng cường quản lý cư trú với người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, cũng như liên kết chặt chẽ giữa các ban ngành có liên quan trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm này.

6 tháng đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 3 trường hợp cho, nhận con nuôi, 130 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, 9 trường hợp ghi chú kết hôn, 10 trường hợp ghi chú ly hôn. Tỉnh cũng chưa phát hiện hoạt động của tội phạm mua bán người thông qua hoạt động cho, nhận con nuôi và kết hôn có yếu tố nước ngoài.


TRUNG HƯNG