“Tấc đất”... dứt tình anh em ruột

Cập nhật, 07:00, Thứ Ba, 20/01/2015 (GMT+7)

Ông Trần Văn Ba và Trần Văn Mười (xã Tân Quới- Bình Tân) là 2 anh em ruột từng sống hòa thuận, thương yêu nhau, lớn lên lập gia đình được cha mẹ cho đất canh tác sinh sống. Tuy nhiên, khi tấc đất trở thành “tấc vàng”, họ lại dứt tình anh em, kiện nhau ra tòa tranh chấp phần đất của cha mẹ để lại.

Năm nay, ông Ba gần 70 tuổi, buồn bã nhắc đến chuyện xót lòng: “Hồi đó, anh em yêu thương, chia sẻ đùm bọc, không so đo, tính toán. Sau này, có lẽ do đất tăng giá, vì lợi ích riêng tư, anh em tranh chấp đất của cha mẹ để lại khiến cho tình cảm rạn nứt…”

Ông Ba gương mặt nhăn nheo, trình bày thêm: “Cha mẹ có đến 9 anh em và trước khi cha mẹ qua đời có cho 2 vợ chồng tôi khoảng 2.000m2 đất, tọa lạc tại ấp Tân Lợi và đến năm 1991 được UBND huyện Bình Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ đó canh tác đến nay.

Tuy nhiên, đứa em (Mười- PV) kiện ra tòa cho rằng tôi chiếm dụng đất, làm mất đi tình cảm anh em. Tôi cảm thấy rất buồn vì anh em phải ra tòa tranh giành đất, kẻ thắng, người thua đều không ai vui cả…”

Ông Mười thì khẳng định, phần đất tranh chấp trên cha mẹ cho từ những năm trước giải phóng. Ông canh tác phần đất này đến năm 1990, do hoàn cảnh khó khăn nên ông đi làm ăn xa và để lại phần đất trên cho anh, chị em canh tác, trong đó có anh Ba.

“Thời điểm đó, anh em tin tưởng nhau, chỉ nói bằng miệng chứ không có giấy tờ hay hợp đồng tặng cho. Sau này, anh Ba chiếm dụng rồi chiết thửa cho lại con gái canh tác và đã xây nhà ở trên phần đất này. Bây giờ, cuộc sống gia đình khó khăn, tôi muốn anh Ba và các cháu (con anh Ba) di dời nhà, trả lại đất cho tôi canh tác…”- ông Mười cho biết.

Vụ việc tranh chấp kéo dài nhiều năm và qua nhiều cuộc hòa giải ở địa phương nhưng không thành. Thời gian đó, 2 anh em sống trong cảnh đố nghịch, hiềm khích và họ đối xử nhau như người dưng kẻ lạ mà quên đi mình là anh em ruột từng yêu thương, đùm bọc nhau từ thuở nhỏ.

Ông Ba bảo: “Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, ăn uống được bao nhiêu năm nữa vậy mà anh em xảy ra tranh giành đất cảm thấy xấu hổ với bà con xóm giềng quá…”

Ông Ba cũng cương quyết không đồng ý yêu cầu của đứa em vì ông khẳng định không chiếm đất. Chứng kiến 2 anh em tóc đã ngả màu bạc mà đấu đá nhau giành đất, nhiều người cảm thấy xót xa. Phải chi họ kiềm chế, bình tĩnh giải quyết vấn đề trên tình thâm ruột thịt thì đâu phải ra tòa phân xử bằng pháp luật và nó còn để lại biết bao hờn giận, ganh ghét, hệ lụy sau này…

Qua chứng cứ, tài liệu tòa xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Ba và tòa bác đơn khởi kiện của ông Mười.

Trong cuộc sống, đất đai là tài sản quan trọng với người dân và thời gian qua cũng vì tranh chấp đất mà xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, tình nghĩa anh em thâm tình cũng bị rạn nứt, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp đất ngày có xu hướng tăng, thiết nghĩ trong thân tộc, gia đình cũng cần có sự chia sẻ, bao dung,… trong những vụ tranh chấp đất và giải quyết trên tinh thần thương yêu đùm bọc nhau. Bên cạnh, cần tăng cường tuyên truyền về Luật Đất đai để mọi người thông hiểu và tuân thủ.

HOÀI NAM