Những lỗi người điều khiển xe môtô, xe máy thường vi phạm

Cập nhật, 16:06, Thứ Tư, 26/09/2012 (GMT+7)

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông quốc gia, số đông người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện xe môtô, xe máy tham gia giao thông không tuân thủ đúng pháp luật về trật tự an toàn giao thông như đi không đúng làn đường, đè vạch liền, sai làn khi rẽ trái, không bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng, đậu xe không đúng nơi quy định… ngay cả những người luôn cố gắng tuân thủ luật giao thông thi thoảng vẫn mắc những lỗi thông thường.

Những lỗi trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, xin chia sẻ một số lỗi mà người tham gia giao thông hay mắc phải để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nón bảo hiểm

Việc đội nón bảo hiểm khi điều khiển phương tiện xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông đã được mọi người chấp hành. Tuy nhiên rất nhiều người đội nón bảo hiểm chỉ để đối phó, chưa nghĩ đến chức năng bảo vệ mình nên đội nón không hợp quy, cài quai nón không đúng cách hoặc có khi quên cài quai. Hành vi này vừa không bảo vệ được chính mình vừa vi phạm pháp luật.

Đội nón bảo hiểm hợp quy và đúng cách để bảo vệ chính mình.

Theo những nhà chuyên môn, NBH có chức năng phòng tránh chấn thương sọ não, vì thế phải đội đúng cách. Trước tiên bạn mở dây quai nón sang hai bên cho thẳng và đội nón lên đầu sao cho vành dưới nón song song với chân mày, tiếp đến cài quai và chỉnh sửa khóa dây quai đeo sao cho dây nón nằm khít dưới cằm, không lỏng lẻo để đảm bảo độ an toàn cao nhất.

Người điều khiển, người ngồi trên xe, chở người ngồi trên xe không đội NBH hoặc đội NBH không cài quai đúng cách khi tham gia giao thông trên đường bộ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe

Khi ra đường chúng ta sẽ bắt gặp cảnh nhiều người vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, hành vi này sẽ làm ta mất tập trung khi điều khiển xe dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là trên đường phố, nơi khu dân cư… Khi đang điều khiển phương tiện, có điện thoại chúng ta nên cẩn thận cho xe vào sát lề đường (ở những nơi không có biển cấm dừng, cấm đổ, trạm xe buýt, trên cầu, khúc cua bị che khuất tầm nhìn) sau đó mới lấy điện thoại nghe, như vậy vừa đảm bảo an toàn, vừa tránh bị xử phạt vi phạm hành chính.

Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), người ngồi trên xe sử dụng ô bị phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 đồng (từ ngày 10/11 phạt tiền từ 60.000- 80.000 đồng); gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng thì bị tước GPLX 60 ngày; gây tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên thì bị tước GPLX không thời hạn.

Điều khiển xe quá tốc độ

Điều khiển xe chạy quá tốc độ rất thường gặp, nhất là trong khu vực đô thị, khu đông dân cư có người cố ý và cũng có người không biết quy định tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư nên khi bị Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính thì cho rằng CSGT “bắt ép”. Theo CSGT, có nhiều trường hợp chặn xe trong khu vực thành phố vì chạy quá tốc độ, người vi phạm cãi lại và bảo “công tơ mét xe tôi chỉ có… 50km”.

Cảnh sát Giao thông TP Vĩnh Long thường xuyên đo tốc độ và đo nồng độ cồn của người điều khiển xe cơ giới trong khu vực thành phố. Ảnh: HÙNG HẬU


Theo quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT quy định về khoảng cách và tốc độ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: trong khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép đối với xe môtô, xe máy là 40km/h; trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư 60km/h đối với xe môtô, 50km/h đối với xe
gắn máy.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10km/h bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng; chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng (từ 10/11 bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng); trên 20km/h bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (từ 10/11 bị phạt tiền từ 2.000 đến 3.000.000 đồng.

Điều khiển xe có nồng độ cồn

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền từ 200.000- đến 400.000 đồng (từ ngày 10/11 phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng); vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (từ ngày 10/11 bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng) và bị tước GPLX 30 ngày.

HẠNH UYÊN