Sẽ không còn nước ngọt quanh năm?

Cập nhật, 05:28, Chủ Nhật, 20/03/2016 (GMT+7)

Vĩnh Long vốn tự hào là một trong những tỉnh ở giữa ĐBSCL, nước ngọt quanh năm, phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Kiên cố hóa kinh mương, cống đập cần tính đến 2 công năng: ngăn nước khi mùa lũ và trữ được nước ngọt cho mùa nắng hạn.
Kiên cố hóa kinh mương, cống đập cần tính đến 2 công năng: ngăn nước khi mùa lũ và trữ được nước ngọt cho mùa nắng hạn.

Thế nhưng, trong những năm gần đây dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mùa khô năm 2016, Vĩnh Long cũng phải hứng chịu sự khô hạn và xâm nhập mặn sâu với độ mặn cao chưa từng có trong lịch sử. Liệu đây có phải là sự bắt đầu, dự báo thiên tai này sẽ tiếp tục còn gây hậu quả nặng nề hơn.

Hơn một tháng qua, cùng với các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng, Vĩnh Long đã có các huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn bị nước mặn tấn công làm cho hàng trăm hecta lúa, cây ăn trái và hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng.

Một phần do bị vỡ bờ bao thủy lợi, mặt khác do thiếu thông tin dự báo về nước mặn có thể xâm nhập sâu, một phần do cống đập chưa kiên cố hoặc đóng nắp ngăn mặn chưa kịp thời. Sự cố nước mặn xâm nhập đã làm nhiều diện tích cây trồng bị nhiễm mặn và chết hàng loạt. Đặc biệt, nước mặn xâm nhập không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt mà ngay cả nước dùng cho đời sống của người dân cũng hết sức khó khăn.

Theo các chuyên gia khoa học cảnh báo, tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập có thể kéo dài đến cuối tháng 6 năm nay, khi mùa mưa bắt đầu trở lại.

Như vậy, việc sản xuất nông nghiệp nói chung và của Vĩnh Long nói riêng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, thời vụ có thể bắt đầu muộn hơn, đời sống của người dân nơi khô hạn và nhiễm mặn còn có thể rất vất vả, phải sử dụng nước thật tiết kiệm.

Hơn nữa, trước sự tác động của ElNino, tình trạng khô hạn và nước biển dâng cao trong những năm tới khiến khả năng bị nhiễm mặn còn khốc liệt hơn.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải tìm cách ứng phó thích hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại do tác động từ sự giận dữ của thiên nhiên. Giải pháp lớn cấp quốc gia, cấp vùng thì Chính phủ đã có phương án. Giải pháp vừa thì lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu những phương án khả thi; từng địa phương bị hạn, mặn cũng có cách đối phó sao cho thích hợp…

Trong đó có những dự án như xây hồ trữ nước ngọt khu vực rừng U Minh; đắp đê kè, xây cống ngăn mặn ven biển, ven sông, gia cố đê, nạo vét kinh mương trữ ngọt ở nhiều khu vực trọng điểm sản xuất lúa và cây ăn trái với số vốn hàng ngàn tỷ đồng; hỗ trợ thiệt hại giúp ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng với số kinh phí mà Nhà nước chi ra không hề nhỏ.

Con số ấy cũng chưa dừng lại, bởi mỗi ngày danh sách các tỉnh- thành ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên công bố tình trạng thiên tai do khô hạn và xâm nhập mặn thêm dài ra. Do đó, cũng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư cho chống hạn, mặn của các địa phương. Vì vậy, nguồn lực tham gia mạnh mẽ cho thời khắc cấp thiết đối phó thiên tai lúc này không đâu khác hơn, mà đó chính là nguồn lực huy động từ sức dân có ý nghĩa rất quan trọng.

Ngoài việc tập trung chỉ đạo chuyển đổi mùa vụ, cây, con thích ứng với hạn, mặn. Trước mắt, tranh thủ lúc nước mặn rút, nước ngọt thượng nguồn đổ về (nước kém- mùng 10 và 25 âm lịch) và qua khuyến cáo độ mặn của ngành chức năng để dẫn hoặc bơm vào chứa trữ tại ao mương trong vườn và kinh nội đồng để có nước ngọt tưới cây, cứu lúa. Nơi chưa xuống giống thì vận động nông dân chậm lại, đồng thời nạo vét kinh mương, đào ao dẫn và trữ nước ngọt đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Vận động người dân xây hồ, mua bồn chứa nước mưa dùng mùa nắng, nhất là đối với vùng nông thôn.

Về lâu dài, nếu như kịch bản nước biển dâng quá cao, toàn tỉnh Vĩnh Long đều bị nước mặn tấn công sẽ ứng phó ra sao? Bởi nếu lượng nước thượng nguồn sông Mekong đổ về tới đây tiếp tục sụt giảm và nước mặn tấn công sâu hơn thì bài toán nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của hàng triệu con người sẽ cực kỳ khó khăn.

Có lẽ cũng cần có những phương án dài hơi, kiến nghị Chính phủ lo nước ngọt tầm khu vực và toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, một số tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp tập trung nâng cấp đê bao, kiên cố hóa cống đập ở các cánh đồng lớn nhằm khai thác được 2 công năng sử dụng ngăn lũ giữ khô cho sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc trong năm chuyển làm 1 hoặc 2 vụ, đồng thời để trữ nước ngọt nhằm đủ nước cung cấp cho các tỉnh đồng bằng mùa khô.

Qua rồi, lượng lớn nước lũ đổ về, chúng ta vẫn lãng phí xả hết về đại dương để rồi khan hiếm nước ngọt vào mùa hạ. Cũng nên tính đến phương án làm sao dẫn được nguồn nước ngọt từ biển Hồ trên nước bạn Campuchia về để “ngọt hóa” đồng bằng.

Song song, cũng cần tính đến những dự án đầu tư xử lý nước thải tại những nơi nguy cơ cao làm ô nhiễm nguồn nước trên các sông; mở nhiều chiến dịch làm sạch môi trường nước; sửa đổi, bổ sung và quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sông, rạch, nước ngầm phải được xử lý nghiêm.

Làm việc với các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kể cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại, giảm tới mức thấp nhất khó khăn của người dân, dứt khoát không để hộ dân nào bị đói do thiên tai; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung, quan tâm chỉ đạo.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT