Rau nhút mùa cạn

Cập nhật, 10:28, Thứ Ba, 08/03/2016 (GMT+7)

Đảo quanh nhiều vùng cù lao, miệt cồn ven sông Tiền và sông Hậu sẽ thấy rau nhút trồng trên bãi bồi, khu vực đất trầm thủy.

Trên kênh, rạch Tứ giác Long Xuyên, loài thủy sinh này cũng xuất hiện rải rác, giúp nhiều gia đình nông dân có thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Chuẩn bị đưa về chợ
Chuẩn bị đưa về chợ

Khai thác lợi thế

Từ cách làm của bà con ở các cù lao, nông dân ven kênh Vĩnh Tế, Trà Sư, Tha La… cũng “thả rau nhút trên mặt nước” mùa cạn.

“Tốc độ dòng chảy ổn định, lưu lượng triều cường chênh lệch không nhiều so với mùa nước nổi, nên rau nhút vẫn phát triển tốt” – ông Trần Văn Năm (kênh Vĩnh Tế) cho hay.

Tuy mùa cạn, việc chăm sóc cần quan tâm, nhưng rau nhút bán được giá và tiêu thụ mạnh. Nhờ vậy, đoạn kênh cầu Trà Sư, nhiều bà con tiếp tục duy trì mô hình “rau nhút mùa cạn”, trở thành nguồn cung cấp cho chợ Châu Đốc và khu vực lân cận.

Mô hình xuất phát từ Đề án Mùa nước nổi, nhiều bà con trở nên quen thuộc với kỹ thuật canh tác. Mọi người biết tận dụng mặt nước kênh, dòng chảy ổn định để trồng loài thủy sinh, phát huy hiệu quả, cải thiện kinh tế gia đình.

“Người ta có ruộng nương nhiều, trồng lúa, trồng rẫy, còn mình đất ít thì tận dụng mặt kênh trồng rau nhút kiếm sống qua ngày, coi vậy mà cũng đỡ lắm” – ông Lê Văn Đông (kênh Trà Sư) nói.

Vì rau nhút là hàng bông, giá cả luôn dao động theo buổi chợ, nhưng trừ chi phí vẫn kiếm ăn được, chủ yếu là gia đình có việc làm và sinh hoạt giảm bớt khó khăn.

Mùa cạn, nước kênh Trà Sư trong vắt, rau nhút thả theo bờ kênh, có giăng dây bò theo luống, đọt phượt trên mặt nước. Đứng trên cầu Trà Sư phóng tầm nhìn sẽ cảm nhận ngay sức sống miền quê, sự chí thú làm ăn của nông dân.

“Đất đai ở đây sản xuất được 2 vụ, việc thả rau nhút cũng theo đó mà mần. Như vậy, rau nhút thu hoạch được từ tháng Giêng đến hết tháng năm, tháng sáu và ráng lắm cũng hết tháng bảy âm lịch” – ông Nguyễn Thanh Hùng (tuyến dân cư Trung Bắc Hưng) lý giải.

Do ở phía hạ lưu dòng kênh Trà Sư dòng chảy dao động không lớn nên bà con tận dụng triệt để mùa khô để trồng rau nhút.

Thực phẩm dân dã

Vì là loài hương đồng cỏ nội, pha chế món ăn cũng dân dã nên rau nhút thích hợp khẩu vị nhiều người, được bạn hàng đưa về các chợ đô thị, thành phố lớn. Đối với khu vực Châu Đốc, rau nhút còn lên xe sang Campuchia, bạn hàng chuyển về Phnom Penh qua Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình – Chray Thum.

“Rau nhút tiêu thụ các chợ lớn và buôn bán 1 – 2 ngày, chứ không đi xa về quê. Do là loại rau xanh nên không thể để lâu ngày” – ông Nguyễn Thành Điệp, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Phát, bảo. Rau nhút về chợ, phần lớn của kênh Vĩnh Tế, Trà Sư, Vĩnh Nguơn, Mỹ Đức…

Bạn hàng chợ Kim Phát cho biết, tiêu thụ rau nhút không còn theo mùa, gần như ngày nào cũng cần, nhất là mùa cạn (mùa khô) trở nên hút hàng và nhu cầu càng tăng. “Mùa này, chỉ còn lại mấy người trồng trên vùng kênh, rạch.

Hiện nay, ít gặp rau nhút xứ cồn, có lẽ chưa tới mùa nước nổi” – chị Đào Hồng Thu (bạn hàng chợ Kim Phát) xởi lởi. Rau nhút tiêu thụ mạnh, bạn hàng có nguồn đa dạng nông sản miệt vườn, người trồng phấn chấn hơn với công việc làm ăn. Đặc biệt, luân chuyển mùa nước nổi đến mùa cạn, lúc nào cũng thấy rau nhút. 

Trước đây, rau nhút ít người dùng, bây giờ trở nên phổ biến. Hầu hết, bữa cơm gia đình hay các nhà hàng cũng sử dụng rau nhút làm nguyên liệu chế biến món ăn hoặc dùng để chấm cá kho, mắm kho, xào, ăn sống…, ngay cả hàng bún cá cũng dùng tới rau nhút.

“Nhờ ngày càng thông dụng, tui trồng rau nhút kiếm sống mới được. Có nơi tiêu thụ, nông dân mới hăng hái trồng rau nhút” – anh Lê Văn Phúc (ấp Hòa Tây A, xã Phú Thuận) cười tươi.

Cách nay 3 năm, mạnh dạn đưa loài cây thủy sinh vào ao vườn, mở ra mô hình làm ăn mới, anh trở thành người tiên phong ở đây.

Mùa cạn, vùng cù lao, bãi bồi ven cồn gặp thủy triều, rau nhút ảnh hưởng nên kém phát triển, việc chăm sóc công phu hơn. Lúc này, nông dân nhiều nơi ở Tứ giác Long Xuyên khai thác mặt nước kênh, rạch (ổn định dòng chảy) để trồng rau nhút, tạo ra nguồn thu nhập phụ với cây lúa.

 

Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Rau-nhut-mua-can-1.html