Bén ngót lưỡi cưa Sáu Đình

Cập nhật, 10:47, Chủ Nhật, 13/03/2016 (GMT+7)

Từ một thợ mộc, ông Trần Thế Đình (SN 1955 ở ấp Long Hiệp, xã Long An- Long Hồ) đã nghiên cứu làm cưa cầm tay tỉa nhánh cây nổi tiếng ở Vĩnh Long.

Rồi tiếng lành đồn xa, “lưỡi cưa Sáu Đình” lại vang danh ngoài tỉnh, lên TP Hồ Chí Minh... rồi đến tận Tây Nguyên.

Ông Sáu Đình đang làm cưa mới. Phía sau là khách hàng đang chờ lấy lưỡi cưa.
Ông Sáu Đình đang làm cưa mới. Phía sau là khách hàng đang chờ lấy lưỡi cưa.

Tình cờ ghé thăm một người quen chuyên làm kiểng, thấy ông bạn cầm cây cưa nhỏ kéo nhẹ xìu, chỉ nghe xẹt xẹt 2- 3 cái là nhánh cây cỡ ngón chân cái đã đứt ngọt. Tôi lấy lưỡi cưa làm thử, cũng kéo vài cái là đứt ngọt như ai. Hỏi thăm, ông ấy cho biết chuyên mua cưa của ông Sáu Đình để tỉa nhánh cây kiểng và cũng dùng để tỉa nhánh vườn cây ăn trái.

Tìm đến nhà ông Sáu, đã thấy có 2- 3 người ngồi đợi ông mài lưỡi cưa. Nhà ông Sáu nằm trong hẻm nhỏ, nhưng người vô ra thường xuyên. Cứ khoảng 10 phút lại có người đến nhờ mài lưỡi cưa hoặc mua cưa. Vì vậy mà cả buổi, nhà ông Sáu cứ không ngớt âm thanh rèn rẹt vang lên từ máy cưa gỗ và máy mài lưỡi cưa.

Khi chúng tôi đến, ông Sáu đang miệt mài làm lưỡi cưa cho khách, cực chẳng đã mới dừng tay tiếp chuyện. Ông Sáu cho biết: Trước kia, ông chuyên làm nghề mộc, ai đặt gì làm nấy. Dần dần, hàng công nghiệp thay thế mặt hàng thủ công.

Chất liệu gỗ cũng ngày càng khan hiếm, chất liệu nhựa, thép, inox, ván ép... dần thay thế gỗ. Người tiêu dùng cũng chuyển sang xài bàn inox, bàn ván ép, sa lon bọc nệm... được sử dụng phổ biến trong nội thất của nhà tường và có giá rẻ hơn bàn ghế gỗ, từ đó nghề của ông cũng dần mai một.

Với lợi thế là một thợ mộc, đã biết cách làm răng, giũa lưỡi cưa, ông Sáu chuyển sang nghề làm lưỡi cưa để mưu sinh. Lúc đầu chỉ mài, giũa ăn công, dần dần ông nghiên cứu làm cưa cầm tay bán lẻ.

Trong thời điểm cách đây hơn chục năm, thị trường xuất hiện cưa nhập từ Nhật, Đài Loan rất bén, xài được lâu, tuy nhiên giá thị trường rất cao, ít người dám mua xài. Từ đó, ông mua cây cưa nhập ngoại về nghiên cứu cách làm lưỡi và chất liệu của họ để sản xuất với giá thành thấp, giá bán phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Vừa kể, ông Sáu vừa lấy cây cưa cán nhựa ông mua cách đây hơn 10 năm để nghiên cứu. “Cây cưa này của Nhật sản xuất, thời điểm mua hơn cả chỉ vàng đó, nhưng vì muốn nghiên cứu nên phải bỏ vốn tìm nguồn chứ sao. Xem cách họ làm răng thế nào mà bén, lại lâu lục. Xem tới xem lui, rồi làm thử.

Cuối cùng cũng tìm ra được nguyên lý, từ đó cứ làm, từ vài cây bán lẻ rồi đến vài chục cây dần dần có người mua số lượng nhiều để bán lại.

Do tận dụng gỗ nhỏ, tuy là loại tốt nên giá cũng thấp, rồi thép không gỉ sản xuất trong nước, vì vậy giá thành không cao rồi giá bán tương đối thấp, người sử dụng cũng chấp nhận được. Từ đó, thu nhập ngày càng khá, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định”- ông Sáu chia sẻ.

Anh Tuấn là thợ chính chuyên làm cán cưa.
Anh Tuấn là thợ chính chuyên làm cán cưa.

Ông Sáu cho biết thêm, mỗi ngày ông sản xuất khoảng 30 cây lớn nhỏ từ 1,3 đến 1,5 tấc; giá bán lẻ cũng từ 60.000- 200.000 đ/cây, so với cưa nhập chỉ bằng 1/3. Lúc đầu bán lẻ cho người làm kiểng, dần dần nhiều người biết đến mua về tỉa nhánh cây ăn trái.

Hiện cưa của ông Sáu đã tiêu thụ đến tận TP Hồ Chí Minh, rồi đến cả Tây Nguyên. Hàng năm, ông Sáu bán cho người trồng cà phê ở Đăk Lăk cả ngàn cây cưa các loại. Ngoài ra, ông Sáu còn thu nhập thêm từ làm công mài giũa lưỡi cưa cho khách hàng gần xa, cứ một cây giá 10.000đ, mỗi ngày làm cũng có vài chục cây cưa.

Với số lượng tiêu thụ ngày càng nhiều, ông Sáu phải cần thợ phụ giúp. Hiện có 2 thợ là anh Trần Công Tuấn chuyên làm cán cưa, tiền công mỗi tuần cũng được 1,5 triệu và em Lê Anh Chương chuyên mài lưỡi cũng được 1,2 triệu đồng/tuần.

Ông Lại Văn Mễnh (ấp An Lương B, xã Long An) đem cưa đến mài lại lưỡi, vừa ngồi chờ vừa uống nước trà trò chuyện. Ông cho biết: Ông mua 2 cây cưa của ông Sáu dùng để cưa cây, cũng lâu lắm rồi mới đem mài giũa lại. “Trước giờ xài cũng nhiều loại, nhưng cưa của anh Sáu là bén ngót à, cưa củi ngọt xớt”.

Ông Hồ Bình Tùng (Năm Tùng, ở xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết, ông mua 2 cái cưa để cắt củi, một cái là cưa nhập của Đài Loan, một cái là hàng trôi nổi. Vì vậy, cứ lâu lâu đem đến cho ông Sáu làm lưỡi lại một lần. “Ông Sáu có tay nghề làm lưỡi cưa hết ý. Thiệt là bén ngót!”- ông nói.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU