Về Ngũ Lạc nghe huyền thoại vách đôi

Cập nhật, 19:32, Thứ Bảy, 05/03/2016 (GMT+7)

 

 Đường vào sóc nhỏ ấp Thốt Lốt (xã Ngũ Lạc)- quê hương anh hùng liệt nữ Thạch Thị Phinh.
Đường vào sóc nhỏ ấp Thốt Lốt (xã Ngũ Lạc)- quê hương anh hùng liệt nữ Thạch Thị Phinh.

Tôi hỏi cô chủ tiệm tạp hóa đường vào ấp Thốt Lốt (xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải- Trà Vinh). Thấy tôi không phải người vùng này, cô chủ tiệm nhìn dò xét rồi nói như thanh minh:

- Ngũ Lạc bây giờ ấp nào cũng có đường nhựa, đường đan hết rồi, mà chú đi Thốt Lốt tìm nhà ai vậy?

Không biết tôi trả lời vòng vo lý sự thế nào mà cô ta ngơ ngác nhìn tôi vừa cười vừa đáp:

- Chú vui tánh quá. Tôi nghe tiếng Việt không rành, cần không, tôi đưa chú đi cho tiện?

Trời nắng như đổ lửa. Mệt quá, đùa với cô chút cho vui chứ thực ra tôi đến ấp Thốt Lốt để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của vùng đất mà cách đây đúng 54 năm (năm 1962), có một người phụ nữ Khmer tên Thạch Thị Phinh ở ấp này đã làm nên kỳ tích anh hùng về những tấm vách đôi huyền thoại.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, cô chủ tiệm mới quen sốt sắng:

- Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó tôi biết. Chú ngồi uống nước cho mát đi, tôi kể chú nghe. Rồi cô kể rành rọt:

Lịch sử xã Ngũ Lạc kể rằng, sau phong trào Đồng khởi 14/9/1960 của cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm do đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam dựa vào viện trợ tài chính và vũ khí của Mỹ đã khôi phục lại thực lực… Nên đồn Tề xã Ngũ Lạc bị ta đánh tiêu diệt hồi Đồng khởi, nay địch chiếm lại. Bộ máy kìm kẹp của địch được củng cố tăng thêm bản chất ác ôn. “Ấp chiến lược” được địch ráo riết xây dựng. Bí thư Chi bộ Đảng xã Ngũ Lạc Nguyễn Văn Hân lãnh đạo Chi bộ xã rút vào rừng Lương Cầu (xã Long Toàn) xây dựng căn cứ, chỉnh huấn cán bộ, xây dựng kế hoạch phá ấp chiến lược của địch trên tinh thần 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh vận rồi đưa cán bộ trở lại các ấp chọn lọc cơ sở xây dựng hầm bí mật bám trụ lâu dài, lãnh đạo nhân dân đấu tranh vạch trần bộ mặt phản quốc của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Biết được hoạt động này của ta, Tề xã Ngũ Lạc ráo riết đưa quân đi lùng sục. Cuộc chiến gay go diễn ra giữa một bên là kẻ địch có thế lực vũ trang với một bên là cán bộ nằm vùng và nhân dân trong tay không có vũ khí. Nhiều trận vây ráp bắn giết đẫm máu liên tiếp xảy ra ở các ấp trong xã Ngũ Lạc.

Tháng 5/1962, địch phát hiện một hầm bí mật của cơ sở ta đào ngay trong nhà tại ấp Sóc Chuối. Tề xã Ngũ Lạc cho lính dân vệ đến khui hầm, hai cán bộ đang trú ẩn bên dưới xông lên tung lựu đạn và cả hai đều bị địch bắn hy sinh tại chỗ. Cả gia đình người có hầm bí mật che giấu cán bộ lâm vào cảnh tù đày. Thế là những căn hầm bí mật được cơ sở đào ngoài bờ tre rồi ngay dưới nền nhà mình để che giấu cán bộ nằm vùng những năm khó khăn đã bị địch phát hiện. Phong trào cách mạng đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Hí, đừng cười nghen, chắc chú biết chuyện này?

- Cô nói có ngần quá, tôi đang muốn nghe tiếp đây…

- Chú uống nước đi, tôi kể tiếp nha- Trước tình huống đó, cơ sở trong đồng bào Khmer Ngũ Lạc tự tháo nhà mình ra để sửa lại. Trong lúc sửa lại nhà, bà con ta bí mật dừng tấm vách nhà mình có 2 lớp lá cách nhau chừng non non 4 tấc cho vừa bề cạnh của một người đứng và được cập chắc chắn bằng nhiều nẹp tre. Người lạ nhìn vào nhà khó mà phát hiện ra tấm vách đôi bí ẩn này. Cán bộ nằm vùng của xã Ngũ Lạc ban đêm đi hoạt động vận động quần chúng, ban ngày về ở trong các nhà dân. Khi địch đến lùng sục tìm bắt thì họ lẻn vào tấm vách đôi bí ẩn đó, làm cho kẻ địch có mắt cũng như mù. Phần lớn đảng viên Chi bộ xã Ngũ Lạc thời đó bám trụ trong dân đều dựa vào những căn hầm, những tấm vách đôi huyền thoại này. Giữa nanh vuốt quân thù có trong tay lưỡi lê, máy chém và súng đạn Mỹ, với việc đào hầm bí mật hay làm vách đôi để chứa chấp cán bộ trong nhà, người dân Ngũ Lạc lúc bấy giờ thừa hiểu làm vậy là chấp nhận sự hy sinh tính mạng của cả gia đình để bảo vệ thực lực cho cách mạng.

Rồi chuyện gì đến nó cũng sẽ đến.

Vào khoảng 4 giờ sáng một ngày mùa mưa tháng 8/1962, Tề xã Ngũ Lạc cho một trung đội lính dân vệ theo dấu một nhóm cán bộ nằm vùng vừa hoạt động trong đêm và bất ngờ bao nhà chị Thạch Thị Giàu ở ấp Thốt Lốt để tìm bắt nhóm cán bộ này. Túng thế, đồng chí Kim Sane là Phó Bí thư Chi bộ xã Ngũ Lạc đang ẩn náu trong vách đôi nhà chị Thạch Thị Giàu dũng cảm xông ra đâm chết tên trung đội trưởng dân vệ. Địch bắn đồng chí Kim Sane bị thương. Lợi dụng lúc trời còn chưa sáng hẳn, đồng chí Kim Sane chạy thoát sang nhà chị Thạch Thị Phinh cách đó hơn trăm mét để ẩn náu trong vách đôi nhà chị. Nghe tiếng súng nổ, biết đồng đội bị địch bao vây, đồng chí Lâm Văn Nhung- Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang đang ở nhà chị Thạch Thị Phinh cũng vào tấm vách đôi kia trú ẩn. Trời sáng hẳn, bọn dân vệ xã Ngũ Lạc tiếp tục bao vây số nhà đồng bào chúng nghi có che giấu cán bộ ở ấp Thốt Lốt và tình cờ phát hiện vết máu của đồng chí Kim Sane đến nhà chị Thạch Thị Phinh. Bọn địch hậm hực. Tên xã trưởng ra lệnh lính dân vệ:

- Tụi bây xom (chĩa - NV) nát nền nhà con Phinh tìm hầm bí mật, bắt cho được thằng Việt cộng đó cho tao!

Xom nát nền nhà nhưng bọn địch vẫn không tìm được nơi đồng chí Kim Sane lẩn trốn. Không dừng tay tội ác, bọn chúng bắt chị Thạch Thị Phinh ở ấp Thốt Lốt là đảng viên công khai của Chi bộ xã Ngũ Lạc đánh đập dã man để tra tìm hầm trú bí mật giấu cán bộ. Mặc dù đang có hai cán bộ đang trú ẩn trong vách đôi nhà mình nhưng chị Thạch Thị Phinh vẫn kiên quyết không khai. Địch bắt chị Thạch Thị Phinh treo lên cây quách trước nhà lộn đầu xuống rồi thay phiên nhau đánh đập, buộc chị phải chỉ ra nơi trú ẩn của cán bộ. Thân thể người phụ nữ Khmer ấp Thốt Lốt giập bầm dưới đòn roi của bọn lính ác ôn, máu từ trong miệng, trong lỗ tai chị Phinh tuôn trào ra. Trong tột cùng của đớn đau và lòng căm thù khi đang bị treo ngược đầu trên cành quách, chị Thạch Thị Phinh anh dũng hét vào bọn lính đang tra tấn chị bằng tiếng Khmer: “Cán bộ nằm vùng chính là tao đây. Bọn bây khỏi phải tìm nữa”. Vẫn chưa chịu buông tha, bọn địch ra lệnh bọn phụ quân (lính bắt buộc) tháo dỡ vách lá nhà chị Phinh để tìm hầm bí mật. Đang dỡ vách lá, bọn địch hốt hoảng khi thấy có tấm vách đôi hiện ra!

Bọn địch chưa hết bàng hoàng trước tấm vách đầy bí ẩn kia thì từ trong tấm vách đôi xuất hiện tiếng hô như lời phán của một vị thần: “Phụ quân dạt ra. Ác ôn đền tội”.

Bọn địch chưa kịp xác định tiếng thét ấy phát ra từ đâu thì từ trong vách đôi nhà chị Thạch Thị Phinh, đồng chí Lâm Văn Nhung- Huyện ủy viên Cầu Ngang và đồng chí Kim Sane- Phó Bí thư Chi bộ xã Ngũ Lạc đang bị thương. 2 quả lựu đạn từ tay hai cán bộ loáng cái bay vào bọn lính ác ôn của Tề xã. 2 tiếng nổ “ầm… ầm…” vang lên. Hàng loạt súng xả vào hai cán bộ tay không. 2 anh đã dũng cảm hy sinh. Đất Thốt Lốt thắm đỏ máu người cách mạng. Lúc này, chị Thạch Thị Phinh vẫn bị địch treo trên cây tra tấn, nhưng vẫn không tìm được nửa lời khai từ chị. Cay cú, xã trưởng Ngũ Lạc ra lệnh đốt nhà chị Thạch Thị Phinh, ném chị vào lửa cùng với thi hài hai đồng đội vừa hy sinh. Nhờ lòng dũng cảm của người đảng viên, người phụ nữ Khmer 30 tuổi Thạch Thị Phinh mà số cơ sở đảng viên công khai và cán bộ nằm vùng còn lại ở ấp Thốt Lốt được bảo vệ an toàn.

- Qua những vụ vây ráp bắt bớ, bắn giết đẫm máu như vậy, cán bộ xã Ngũ Lạc chắc phải vào rừng cô ha?

- Không chú ạ- cô chủ tiệm kể tiếp- Vườn tre, nền nhà, vách nhà không còn là nơi an toàn để làm hầm bí mật che giấu cán bộ nằm vùng nữa thì lại đến lượt một số nhà chùa Khmer (xã Ngũ Lạc trong chiến tranh có hơn chục nhà chùa- NV) trong xã được nhà sư dành Chánh điện tôn nghiêm làm nơi trú ẩn tin cậy cho cán bộ. Nhờ đó mà trước họng súng khát máu của kẻ thù, cơ sở cách mạng trong dân, Chi bộ Đảng xã Ngũ Lạc vẫn tồn tại và phát triển…

Sự hy sinh kiên cường bất khuất của chị Thạch Thị Phinh ở ấp Thốt Lốt cùng với Đảng bộ và nhân dân xã Ngũ Lạc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”!

Xã Ngũ Lạc trong kháng chiến chống Mỹ bao gồm 2 xã Ngũ Lạc và Thạnh Hòa Sơn ngày nay. Sau khi chia thành 2 xã vào năm 1981, Ngũ Lạc còn lại 10 ấp với hơn 17.600 người dân, trong đó có gần 64% là người dân tộc Khmer và còn nằm trong diện xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Riêng ấp Thốt Lốt có hơn 90% dân số là người dân tộc Khmer.

- Nhưng sau cô lại tường tận chuyện này, có phải cô là…- tôi cắt ngang câu chuyện.

- Chuyện này thành sách rồi, ở Ngũ Lạc ai cũng biết hết chú ạ. Bây giờ tôi đưa chú đi cho biết ấp Thốt Lốt nha!

Tôi cảm ơn sự giúp đỡ chân thành của cô gái Khmer Ngũ Lạc mới quen.

Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN