Nhà nông tìm hiểu

Sâu đầu đen hại dừa

Cập nhật, 11:59, Thứ Ba, 08/09/2020 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tôi nghe thông tin xuất hiện một loại sâu lạ hại dừa ở tỉnh Bến Tre, tôi băn khoăn không biết là sâu gì và cách phòng trừ như thế nào?

Lê Minh Cường (Trung Nghĩa- Vũng Liêm)

Anh Cường mến! Thông tin về loại sâu hại dừa xuất hiện ở Bến Tre gần đây có thể là sâu đầu đen (có tên là Opisina arenosella Walker).

Đây là loài sâu bản địa ở một số nước thuộc vùng Nam Á và Đông Nam Á. Cây ký chủ của sâu này là cây dừa, dầu cọ, chà là, cau, dừa kiểng, chuối.

Cách thức gây hại, trước hết, sâu đầu đen sẽ ăn bề mặt và phần mặt dưới của lá. Các mạng tơ được tạo ra bằng chất thải và mảnh vụn xuất hiện ở mặt dưới lá.

Đây cũng là nơi sâu ẩn mình để ăn chất diệp lục của lá làm cho lá bị cháy khô. Dừa có thể năng suất bị giảm đi một nửa do sự tụt giảm số lượng cụm hoa, rụng trái non, thân cây bị co thắt lại và chậm phát triển. Sâu đầu đen sẽ tấn công cả phần bề mặt xanh của trái và cây non thường chết khi bị sâu tấn công mạnh.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sâu đầu đen hại dừa nên trước mắt ngành chuyên môn khuyến cáo biện pháp phòng trừ là đốt, ngâm nước phần lá, trái bị sâu hại tấn công để tiêu diệt trứng, sâu, bẫy đèn ban đêm để thu hút ngài sâu đầu đen trưởng thành.

Với các biện pháp sử dụng thuốc, trước mắt ngành chuyên môn khuyến cáo sử dụng các chế phẩm sinh học như BT, nấm xanh, nấm trắng để tiêu diệt sâu bệnh.

Ngoài ra, phun Bacillus thuringiensis 80- 100ml hòa với 20 lít nước, phun đảm bảo ướt đều lá 3- 4 lít/cây, cần phun định kỳ 7- 10 ngày vào buổi trưa.

Thuốc Emamectin Benzoate 1.92% EC (30 ml/cây) được xem là hóa chất quản lý có hiệu quả đối tượng này. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất này được khuyến cáo là không sử dụng cho cây có chiều cao dưới 12m, cũng như không sử dụng trên cây mang trái giai đoạn gần thu hoạch để tránh sự lưu tồn của hóa chất.

LTL