Nhà nông tìm hiểu

Phòng trừ bệnh lúa bị lép vàng do vi khuẩn

Cập nhật, 13:26, Thứ Ba, 18/08/2020 (GMT+7)

Vụ Hè Thu vừa qua, bà con trồng một số giống lúa thơm cho năng suất không cao, do điều kiện mùa vụ canh tác nên lúa vụ này xuất hiện nhiều bệnh, trong đó đáng kể là bệnh lép vàng. Nhờ Bạn Nhà nông tư vấn cách hạn chế bệnh này?

Nguyễn Minh Luân (Song Phú- Tam Bình)

Anh Luân mến! Có nhiều nguyên nhân làm giảm năng suất lúa như nhện gié, đạo ôn cổ bông, rầy phấn trắng,… trong đó bệnh lép vàng do vi khuẩn gây hại nặng do thời tiết diễn biến bất thường, ban ngày nắng nóng và mưa rải rác vào ban đêm trên trà lúa giai đoạn chuẩn bị có đòng và lúc trổ đều.

Tác nhân do vi khuẩn (Pseudomonas glumae) gây hại trên ruộng bón thừa đạm và ẩm độ không khí cao, mầm bệnh tìm thấy trong không khí, đất và nước thường gây bệnh nhiều trong vụ Hè Thu do mưa bão nhiều.

Bệnh gây hại lúc lúa từ giai đoạn ngậm sữa đến cong trái me, trên bông lúa có nhánh gié đứng thẳng mang nhiều hạt lép nhưng vỏ trấu vẫn giữ màu sắc bình thường không bị lem, trong khi các nhánh gié khác vào gạo thì cong xuống.

Trường hợp bệnh gây hại sớm làm hoa lúa không thụ phấn và vỏ trấu trở nên vàng sậm. Bệnh gây hại muộn thì khi tách vỏ trấu thấy hạt gạo lững, biến dạng có vết nâu nhũn nước. Theo các nghiên cứu, bệnh này có thể làm giảm năng suất lúa trên 50%.

Để phòng trừ bệnh lép vàng, anh cần chọn giống chống chịu với bệnh. Bón phân cân đối, hạn chế rải thừa đạm và phun phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao, tăng cường bón phân kali giai đoạn đòng trổ. Sạ thưa, sạ hàng từ 80- 120 kg/ha để tán lá thông thoáng. Thăm đồng thường xuyên theo dõi bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời.

Khi lúa có dấu hiệu của bệnh này, anh có thể sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn như Saipan 2SL, Alpine 80WG phun luân phiên giai đoạn lúa trổ thoát vài bông và sau trổ đều hoặc có thể phối Trizole 400SC, Pylacol 700WP để phòng ngừa bệnh đạo ôn và lem lép hạt.

BẠN NHÀ NÔNG