Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị dưa hấu bệnh thán thư

Cập nhật, 06:59, Thứ Ba, 25/08/2020 (GMT+7)

Ruộng dưa hấu của tôi có dấu hiệu của bệnh thán thư. Nhờ Bạn Nhà nông chỉ giúp tôi cách để phòng trị bệnh này?

Phạm Văn Phú

(Thạnh Quới- Long Hồ)

Anh Phú mến! Thán thư là bệnh hại phổ biến và nguy hiểm làm giảm năng suất và chất lượng, tăng chi phí sản xuất dưa hấu. Bệnh có thể gây hại trên tất cả các bộ phận bên trên mặt đất của dưa hấu. Khi vết bệnh phát triển rộng thì toàn lá sẽ thối đen và rụng.

Bệnh cũng có thể lan sang cả thân và trái dưa. Trên thân, bệnh gây những tổn thương trên dây. Ở trái non thì trái có thể bị rụng, trên trái lớn thì bệnh gây ra những vết hơi lõm vào và trên đó có thể xuất hiện những vòng tròn đồng tâm. Bệnh còn tiếp tục gây hại trái trong quá trình vận chuyển và cất trữ, làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm.

Bệnh do nấm Colletotrichum spp gây ra. Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh là do không vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước hoặc cỏ dại quanh vườn khi trồng. Trồng bằng giống nhiễm, với mật độ dày, bón phân không cân đối và bị dư đạm, thiếu vi lượng, để vườn dưa quá rậm rạp. Lên luống thấp, thoát nước không tốt sau khi mưa hay tưới. Trong mùa mưa, thời tiết nóng và ẩm độ cao, ít nắng, nhiều mây là điều kiện để bệnh phát triển.

Để phòng trừ hiệu quả cao, anh cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp như vệ sinh ruộng vườn, tiêu hủy tàn dư cây trồng vụ trước, sử dụng giống kháng bệnh. Trồng với mật độ thích hợp và xử lý cỏ dại để ruộng dưa được thông thoáng. Tưới tiêu nước hợp lý, không tưới thường xuyên để ruộng không bị ẩm thấp. Bón phân cân đối hợp lý, đầy đủ trung- vi lượng và không được dư đạm. Tăng cường phân hữu cơ hoai mục hoặc vi sinh. Khi điều kiện thời tiết phù hợp cho bệnh phát triển và thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì anh cần dùng Clearner 75WP hoặc Pylacol 700WP để phòng trừ. Khi ruộng dưa bị bệnh nặng thì anh nên luân canh với cây trồng khác để cắt đứt nguồn bệnh. Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, cần hạn chế tạo vết thương cơ giới trên trái để tránh bệnh tiếp tục lây lan gây hại.

BẠN NHÀ NÔNG