Nắm chắc, làm chắc để phát triển bền vững

Cập nhật, 16:46, Thứ Tư, 20/05/2015 (GMT+7)

Trong những năm qua, huyện Mang Thít đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mở nhiều hướng đi mới để phát triển bền vững. Đây cũng là những mô hình tái cơ cấu nông nghiệp của nhiều hộ nông dân…

Nhiều vườn thanh long xuất hiện bên cạnh các lò gạch gốm.
Nhiều vườn thanh long xuất hiện bên cạnh các lò gạch gốm.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, hiện huyện đang triển khai nhiều dự án, mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, được bà con nông dân hưởng ứng, tạo điều kiện nhân rộng ở các địa phương.

Hiện xã Long Mỹ đang triển khai mô hình “Luân canh dưa hấu trên đất lúa” thuộc dự án “Nhân rộng mô hình khuyến nông có hiệu quả trong tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013- 2015”. Đánh giá kết quả thực hiện, giống dưa hấu Sao đỏ cho năng suất cao, chất lượng, lợi nhuận đạt trung bình trên 41 triệu đồng/ha, cao gấp 3- 4 lần lúa. Còn mô hình “Nuôi bò theo hướng an toàn sinh học” đã cho thấy hiệu quả bền vững. Đóng góp vai trò lớn trong giảm tỷ lệ hộ nghèo và thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Hiện có 12 mô hình với 12 con bò ở xã Chánh Hội. Sau một năm nuôi, mỗi hộ dân sẽ có lãi khoảng 13 triệu đồng.

Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, có đóng góp đáng kể. Hiện nay, tận dụng những điều kiện có sẵn, các hộ nuôi gà gia công vẫn duy trì và phát triển với 79 trại nuôi ở 48 hộ, tổng đàn trên 866.000 con (tăng 2 trại với 38.000 con so cùng kỳ). Có 10 trại nuôi heo gia công với số lượng gần 9.800 con, tăng hơn 1.000 con so cùng kỳ.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp- PTNT còn triển khai nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế, phù hợp với đặc tính canh tác và sản xuất tại địa phương như: Dự án phát triển khí sinh học, nuôi lươn trong bể lót bạt, trồng bưởi da xanh, cánh đồng mẫu của huyện,…

Diện tích thanh long tăng mạnh

Công nhân đang đổ trụ thanh long trên cánh đồng với khoảng 1.500 trụ ở xã An Phước.
Công nhân đang đổ trụ thanh long trên cánh đồng với khoảng 1.500 trụ ở xã An Phước.

Về Mang Thít hiện nay, không khó để bắt gặp những vườn thanh long rộng lớn, có những vườn đã cho trái và những vườn mới đặt những chiếc trụ đầu tiên. Nhiều nhất là các khu vực dọc Đường tỉnh 902, thuộc địa bàn các xã An Phước, Chánh An.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mang Thít, huyện có gần 34ha trồng thanh long. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã An Phước với gần 25ha, Chánh An với 4,3ha, Long Mỹ gần 2ha. Phong trào trồng thanh long cũng lan rộng ở tất cả các địa phương còn lại. Ông Nguyễn Văn Gõ- Trưởng trạm cho biết, phong trào trồng thanh long trên địa bàn huyện khởi phát cách đây khoảng 2 năm. Hầu hết người dân trồng thanh long ruột đỏ. Theo ông, cây thanh long dễ trồng, cho trái và thu hồi vốn nhanh.

Chúng tôi tìm đến anh Mười Dũ (xã An Phước)- người vừa trồng trên 500 trụ thanh long khoảng 2 tháng nay. Anh Dũ cho biết, hiện cũng chưa nói trước là hiệu quả ra sao khi còn vài tháng nữa mới thu hoạch lứa trái chiếng. Tuy nhiên, hy vọng giá sẽ bình ổn để nông dân có lợi nhuận. Theo anh, hiện giá bán tại vườn ở mức 25.000- 28.000 đ/kg. Trong khi đó, theo anh Phạm Hoàng Minh (xã Chánh An) thì hiện nay, nhiều nông dân mạnh dạn thay thế cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp, thậm chí là ruộng lúa để trồng thanh long. Hiện anh đang trồng khoảng trên 1.500 trụ thanh long cho một hộ dân ở xã An Phước. Theo anh, hiện nay hầu hết bà con trồng giống thanh long ruột đỏ dòng H14. Đây là giống tốt, cho trái chất lượng và năng suất cao.

Ông Lê Hùng Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết, cây thanh long có hiệu quả kinh tế tương đối cao nên bà con trồng nhiều trong khoảng 1 năm trở lại đây. Theo ông, nếu tính mức bình quân hiện giờ là 25.000 đ/kg, mỗi hecta thu hoạch khoảng 250 tấn, hiệu quả kinh tế sẽ khá cao. Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay xã đã có 1 kho lạnh chuyên thu mua thanh long của nông dân. Ngoài ra, hiện An Phước còn đang đề nghị thành lập hợp tác xã thanh long, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, góp phần sản xuất và phát triển bền vững cho người dân…

Cây thanh long khá dễ trồng, dễ bán. Tuy nhiên, nhiều nơi đang trồng ồ ạt. Một số tỉnh như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh,… cũng trồng nhiều. Do đó, ngành chức năng cần có những nghiên cứu đánh giá việc nhân rộng diện tích thanh long sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Khi đó, việc sản xuất, tiêu thụ, giá cả mới ổn định và bền vững…

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY