Từ "góc khuất" tiêu thụ lúa gạo- nóng rẫy bài toán liên kết

Kỳ 2: Tạm trữ chưa phát huy hiệu quả

Cập nhật, 18:16, Thứ Sáu, 20/03/2015 (GMT+7)

Nhiều nông dân kỳ vọng vào chính sách tạm trữ lúa gạo đợt này sẽ đẩy giá lúa tăng lên, nhưng thực tế đang diễn ra không như mong muốn…

Trên khắp các cánh đồng, nhiều nông dân cho biết lúa năm nay trúng mùa, với năng suất đạt 8- 9 tấn, cá biệt có hộ thu hoạch đạt 10 tấn/ha. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn không vui vì giá lúa giảm mạnh mà chẳng ai mua.

Trúng mùa nhưng kém vui

Mặc dù đã thu hoạch lúa được gần một tuần với năng suất gần 1 tấn/công, nhưng anh Nguyễn Văn Nguyện (xã Tân Phú- Tam Bình) vẫn không vui vì giá lúa còn quá thấp. Anh quyết định giữ lại hơn 10 tấn lúa để chờ giá khi nghe thông tin triển khai thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, nhiều ngày qua giá lúa tăng không đáng kể. Theo anh Nguyện, giá lúa có nhích lên 200- 300 đ/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng vẫn còn quá thấp so với mọi năm. “Thời điểm này năm trước tôi bán 106.000 đ/giạ nhưng năm nay lái cho giá chỉ 94.000 đ/giạ, trừ chi phí mức lời chỉ còn phân nửa năm ngoái. Rất khó khăn vì còn thanh toán tiền công, phân, giống cho đại lý và chuẩn bị chi phí cho vụ mùa tới”- anh Nguyện lo lắng.

Trong khi đó, tại xã Song Phú (Tam Bình) đang xảy ra những nghịch lý. Những giống lúa thơm như OM 4900, OM 6976 những năm trước được thương lái săn đón tìm mua ráo riết thì năm nay trái ngược: giá mua lúa thơm rất thấp, thậm chí thương lái còn không mua. Ông Lê Văn Lâm- Chủ tịch UBND xã cho biết, năm nay hệ thống thương lái khá ít, lác đác vài bạn hàng chứ không giống những năm trước. Tại địa phương hiện lúa OM 5451 được thương lái mua với giá 95.000 đ/giạ, trong khi các giống lúa thơm như OM 6976 chỉ 85.000 đ/giạ, một số nông dân thu hoạch trễ thì thậm chí thương lái không mua.

Chính sách thu mua tạm trữ chưa kích thích giá lúa tăng mạnh.
Chính sách thu mua tạm trữ chưa kích thích giá lúa tăng mạnh.

Còn tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình), theo ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư kiêm Trưởng Ấp 9, hiện toàn xã đã có 80% diện tích lúa trên địa bàn đã thu hoạch. Toàn xã thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 1.000ha. Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đến thỏa thuận thu mua lúa đưa ra giá thấp hơn giá thị trường nên dân không chịu. Sau đó, nông dân hợp đồng với thương lái bên ngoài để bán lúa, nhưng không ngờ đến nay thương lái cũng “ra chiêu” bẻ kèo, ép giá nông dân.

Bà Lê Thị Bé Ba (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) cho biết, do không có điều kiện phơi sấy, kho bãi tạm trữ chờ giá nên phải “bấm bụng” bán hơn hàng tấn lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng. “Giá thành sản xuất lúa khoảng 3.700 đ/kg. Với mức giá mua 4.700 đ/kg, trung bình 1ha lúa lời chỉ khoảng 14 triệu đồng. Chia cho 4 nhân khẩu trong gia đình, mỗi người chỉ có hơn 3 triệu đồng để chi tiêu trong 3 tháng sắp tới”- bà Bé chia sẻ.

Bộ Tài chính vừa công bố giá thành sản xuất lúa bình quân vụ Đông Xuân 2014- 2015 tại các tỉnh ĐBSCL là 3.417 đ/kg. Để đảm bảo có lời với mức giá này, theo nhiều nông dân đòi hỏi giá lúa thị trường phải đạt mức trên 5.000 đ/kg và việc mua bán phải diễn ra thuận lợi, không có chuyện kỳ kèo kéo dài thời gian thu mua như vụ Đông Xuân này.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết ngày 9/3, các tỉnh ĐBSCL mới thực hiện thu mua khoảng 80.000 tấn lúa, tức chỉ gần 8% so chỉ tiêu mua gạo tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Riêng tại Vĩnh Long, đến ngày 16/3, 5 doanh nghiệp được phân bổ đã thu mua kể cả trong và ngoài tỉnh được hơn 7.000 tấn quy gạo, đạt khoảng 15% so chỉ tiêu được giao là 28.000 tấn. Tiến độ thu mua khá chậm. Nguyên nhân, theo VFA là do các doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại gặp khó do một số ngân hàng còn dè dặt trong việc cho vay. Từ nguồn vốn vay ít, các doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc quay nhanh đồng vốn để thực hiện tạm trữ và đến nay khó khăn trên vẫn chưa có hướng giải quyết.

Ông Trần Thanh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long thì cho rằng, 2 năm vừa qua, tình hình tài chính của các doanh nghiệp lương thực đều gặp khó, do giá cả biến động bất thường, phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh đều lỗ. Khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thì ngân hàng rất thận trọng. “Nếu các ngân hàng không cho vay, chúng tôi rất khó khăn việc mua tạm trữ đúng chỉ tiêu được”- ông Trần Thanh Hùng nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long giải thích, việc các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay, do trong năm 2014, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đều bị thua lỗ. Vì vậy, trong vụ Đông Xuân này, các doanh nghiệp bị hạ điểm và siết chặt tín dụng cho vay. Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, hiện chưa mua tạm trữ ồ ạt, một phần do nhu cầu gạo của thị trường thế giới rất lớn, doanh nghiệp phải thật bình tĩnh trước khi quyết định. Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực khi chỉ quanh quẩn ở các thị trường truyền thống. 

Trong khi đó, qua tìm hiểu hàng năm, đầu quý II mới là thời điểm sôi động của thị trường lúa gạo khi nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippines, Malaysia được ký kết. Vì vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, doanh nghiệp đang kỳ kèo việc chậm mua tạm trữ, thậm chí “làm giá” mua lúa cho nông dân.

Ông Đặng Văn Hồng- thương lái ở Cần Thơ đang neo ghe mua lúa tại xã Phú Lộc (Tam Bình) cho biết, thấy lúa nông dân chất đầy đồng mừng khấp khởi, tuy nhiên, khi mới bắt đầu mua thì doanh nghiệp báo giá lúa giảm, doanh nghiệp ngưng ăn hàng. Vậy là ông Hồng đành neo ghe lại chờ doanh nghiệp cho giá mới. “Lúa vụ này diện tích và sản lượng lớn nên doanh nghiệp không vội, giá cả cũng biến động hàng ngày. Cánh thương lái tụi tui cũng mua cầm chừng, chớ ôm đồm mua nhiều tuột giá có nước mang nợ”- ông Hồng chia sẻ.

Phó Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng, cũng cho hay, năm 2014 còn tồn kho 700.000 tấn gạo hàng hóa, vụ Đông Xuân này có khoảng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa nữa là 5 triệu tấn, nhưng khả năng đến hết quý II/2015 chỉ bán được 3 triệu tấn. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Năng khẳng định, “trong thời gian 45 ngày sẽ tổ chức tốt việc mua lúa tạm trữ để kích giá tăng lên, bởi việc này không thể kéo dài lâu được”.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, đang đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua, phấn đấu đến cuối tháng 3/2015, mỗi doanh nghiệp được phân bổ mua đạt 7.000 tấn lúa quy gạo và sản lượng còn lại sẽ tập trung thu mua và hoàn thành chỉ tiêu vào đầu tháng 4/2015

 

                                                                                                                                                                (Còn tiếp)

                                                                                                                                    Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG