Kỳ cuối: Doanh nghiệp- nông dân cần "bắt tay" bền chặt

Cập nhật, 13:27, Thứ Hai, 23/03/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần nguồn hàng để xuất khẩu, còn nông dân, sau thu hoạch lúa dĩ nhiên cần sớm tiêu thụ để trang trải cuộc sống, chi phí sản xuất. Từ thực tế, có thể ngầm hiểu “hai bên cùng nhìn về một hướng”, nhưng đôi khi trong nội tại có rất nhiều mâu thuẫn cần giải quyết.

Doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu tạo hài hòa lợi ích giữa bên mua và bán.
Doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu tạo hài hòa lợi ích giữa bên mua và bán.

Giảm khâu trung gian

Qua những lần tạm trữ lúa gạo, nếu chỉ “tính trên giấy” có thể nói “thành công hơn cả mong đợi”, vì làm tốt khâu tiêu thụ khi bước vào thu hoạch rộ. Thế nhưng, nếu đi vào phân tích giá, để nông dân được hưởng lời 30% vẫn còn khá mơ hồ.

Theo Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa bình quân vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân này là 3.417 đ/kg. Như vậy, để bảo đảm cho nông dân có lời ít nhất 30%, giá lúa bình quân ít nhất phải đạt 4.600 đ/kg. Song, qua thực tế nông dân bán lúa và công bố giá của ngành chức năng từ thời điểm triển khai tạm trữ đến nay, bình quân giá lúa hạt dài mua tại đồng chỉ dao động 4.450- 4.550 đ/kg, lúa hạt tròn ổn định 4.300 đ/kg.

Đó là chưa tính quá trình tiêu thụ lúa còn quá nhiều bất cập, tầng nấc khâu trung gian. Từ “cò” lúa, thương lái đến nhà máy xay xát rồi mới đến tay doanh nghiệp. Thương lái khi chịu trả tiền cò thì sẽ tìm cách “bóp giá” thu mua lúa của nông dân, khiến chênh lệch giữa giá mua vào của doanh nghiệp với giá bán ra của nông dân khá lớn. Nói vậy không có nghĩa phủ nhận vai trò của cánh thương lái hay “cò” lúa. Nhưng chắc chắn giá thực của mỗi ký lúa sẽ cao hơn nếu nông dân trực tiếp ký hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp mà không phải qua những tay “cò” lúa “biến tướng” vừa “ăn hoa hồng từ thương lái vừa ăn chặn tiền bán lúa của nông dân”.

Bà Nguyễn Thị Thắm (xã Phú Lộc- Tam Bình) cho rằng, nông dân không quyết định được giá dù trực tiếp làm ra hột lúa. “Tới mùa, cò lúa đến cho giá, nếu đồng ý từ đầu thì giá cả còn đỡ, chứ nhùng nhằng thì chắc chắn sau đó bị ép giá, bởi số lượng ít”. Để “bẻ cò”, bà Thắm cho rằng: “Đầu vụ Nhà nước phải cho giá sàn mỗi ký lúa để thương lái căn cứ theo thu mua, còn nông dân cũng có cơ sở nói chuyện với cò lúa, nếu xảy ra ép giá”.

Ở khía cạnh khác, chính sách mua tạm trữ lúa gạo hiện được cho là “giải pháp hiệu quả nhất hiện nay”, nhưng cách làm xem ra chưa hợp lý. Sự lệch pha giữa thời gian thu hoạch lúa và mua tạm trữ, một bộ phận không nhỏ nông dân không được hưởng lợi từ chương trình này. Tại các tỉnh- thành ĐBSCL, thời điểm trước tết, có 15- 20% lúa Đông Xuân sớm đã thu hoạch, giá lúa thường thấp hơn thời gian mua tạm trữ. Như vậy sẽ có rất nhiều nông dân bị loại khỏi “cuộc chơi” này. Chính vì vậy mà nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL đề xuất Chính phủ nên chuyển cho các địa phương chủ động trong thu mua tạm trữ để tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp chủ động thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa.

Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu

Theo các chuyên gia, đến nay vẫn còn hơn 90% lượng lúa hàng hóa của nông dân do thương lái mua trực tiếp, sau đó xay xát bán lại cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ. Tuy các doanh nghiệp “hô hào” sẽ liên kết với thương lái mua lúa trực tiếp của nông dân nhưng đến nay chuyện này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, trong 11.000ha lúa trong cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, hiện chỉ 3 doanh nghiệp trực tiếp thu mua lúa cho nông dân. Song, thực tế cũng gặp không ít khó khăn bởi thiếu phương tiện vận chuyển lúa từ đồng tới kho, dù doanh nghiệp sẵn sàng trợ giá cao hơn thị trường.

Trong khi đó, anh Lê Văn Luận (ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú- Tam Bình) cho rằng, nông dân cũng không dễ dàng bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, dù có hợp đồng. “Ở địa phương trước đây cũng có doanh nghiệp đến hợp đồng mua lúa nhưng tới cân lúa họ đo độ ẩm tới lui, chê lên xuống rất phiền phức dù giá cả vẫn vậy nên nông dân chưa mê, trong khi bán cho thương lái dễ dàng hơn”- anh Luận lý giải.

Từ thực trạng “thiếu thốn” niềm tin, minh bạch thông tin, đến mối ràng buộc pháp lý đã khiến việc liên kết nông dân và doanh nghiệp vẫn… chỉ nằm trên giấy. Chuyện nông dân “bẻ kèo” với lý lẽ rất đơn giản: “Hễ lúa được giá thì bán, bất kể có hợp đồng hay không” diễn ra thời gian qua cũng không ít. Ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư kiêm Trưởng Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho biết, “chuyện này trước đây cũng thường xảy ra tại địa phương”. Từ đó, chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác sản xuất, mua bán phải có hợp đồng mà ban chủ nhiệm tổ hợp tác là người ký kết với doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Lâm- Chủ tịch UBND xã Song Phú cũng cho hay, rút kinh nghiệm chuyện “hợp đồng miệng”, dẫn đến việc chuyện kỳ kèo mua lúa vụ Đông Xuân này, sắp tới sẽ đề xuất nên thành lập tổ hợp tác. Tổ này sẽ đứng ra lấy tiền cọc, làm hợp đồng mua bán với thương lái hoặc doanh nghiệp… với sự chứng kiến của trưởng các ấp.

Tại nhiều tỉnh- thành ĐBSCL, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đang khởi xướng mô hình: “Đưa nông dân làm cổ đông của doanh nghiệp”. Đây được xem là một bước tiến mới, khẳng định nhu cầu, trách nhiệm, sự mong muốn liên kết của doanh nghiệp với nông dân.

Để giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, còn nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định, Bộ Công thương vừa ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu gạo. Theo đó, giai đoạn 2015- 2020, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều phải xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu riêng. Mục tiêu lộ trình mong muốn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.

GS- TS Võ Tòng Xuân từng cho rằng, nên vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã để trở thành “nông dân lớn” với sự hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật để họ cùng làm chung một loại giống lúa, làm theo quy trình chuẩn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn gạo bảo đảm chất lượng đồng nhất cho chế biến xuất khẩu, nông dân tiêu thụ lúa ổn định. Nếu làm được điều này thì không cần thiết phải thu mua tạm trữ như hiện nay.

Theo cách hợp đồng mua bán lúa giữa thương lái và nông dân hiện nay thì nông dân không chủ động. Nông dân quá dễ dãi trong hợp đồng nên bị thua thiệt. Thậm chí, có người không biết tới bản hợp đồng, mà thường là cò lúa ký kết với thương lái. 

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG