Doanh nghiệp với cuộc đua khuyến mãi cuối năm

Cập nhật, 06:15, Thứ Sáu, 04/12/2020 (GMT+7)

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp (DN) tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều DN năm nay thị trường gần như bão hòa, các DN phải có các chương trình khuyến mãi khác biệt, “chiêu riêng” để thu hút khách hàng.

Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm.
Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm.

Theo nhiều DN, trong bối cảnh kinh tế khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, các DN đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm, rất dễ bắt gặp thông tin “sale off”, “giảm giá”, siêu khuyến mãi, giá sốc, đại sale cuối năm,… Không chỉ các cửa hàng offline mà các shop online cũng nhập cuộc sôi động không kém.

Đặc biệt là tại các DN kinh doanh lĩnh vực điện máy, hàng tiêu dùng, du lịch... thì hình thức này được áp dụng ngày càng thường xuyên và “nóng” hơn. 

Trong đó, thời điểm này, có rất nhiều mặt hàng điện máy được giảm giá “sốc”, từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, hàng gia dụng,... Các sản phẩm được giảm giá hầu hết là hàng mới, hoặc hàng trưng bày.

Cụ thể, Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim- Vĩnh Long có chương trình Đại tiệc sale cuối năm siêu giảm giá lên đến 50%, trả góp lãi suất 0%, 0 đồng phí; Trung tâm Thương mại Khai Trí có chương trình siêu giảm giá “sale khủng nhất năm”,…

Ông Văn Cấp Trí- Giám đốc Trung tâm Thương mại Khai Trí (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: Đây là thời điểm phù hợp để người dân mua sắm đồ điện máy cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, vì các mặt hàng đều được giảm giá mạnh, đa dạng mẫu mã để lựa chọn mà lại tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, theo một số DN, để thu hút khách hàng dịp cuối năm, không để đối thủ cạnh tranh qua mặt, khiến DN cũng bị cuốn theo cuộc chạy đua khuyến mãi.

Trên thực tế, cuộc chạy đua khuyến mãi kéo dài khiến một số không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Bởi theo đánh giá của một số cửa hàng, DN thì thị trường năm nay gặp rất nhiều khó khăn, phần do thị trường gần như bão hòa (nhất là trong lĩnh vực điện máy), phần do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Người tiêu dùng cần “bình tĩnh” trước những chiêu khuyến mãi.
Người tiêu dùng cần “bình tĩnh” trước những chiêu khuyến mãi.

Song, “dừng cũng dở mà tiếp cũng không xong” bởi nếu tiếp tục đua khuyến mãi thì việc kinh doanh sẽ có thể thua lỗ tiếp, nhất là các cửa hàng, DN nhỏ, nhưng nếu dừng lại, DN khó có thể cạnh tranh nổi với các đối thủ để giữ được thị phần và khách hàng cho mình.

Do đó, việc giải quyết bài toán cạnh tranh thời điểm cuối năm luôn khiến không ít DN vào vòng lẩn quẩn: khuyến mãi hay không, khuyến mãi như thế nào, cách khuyến mãi ra sao,...

Bên cạnh đó, cũng có một số DN sử dụng chiêu trò, lợi dụng danh nghĩa khuyến mãi để “nâng lên rồi hạ xuống”: xé mác rồi thổi giá hay chỉ giảm giá hàng lỗi, hàng tồn,...

Đó là chưa kể, một số cửa hàng vì lợi nhuận mà nhập hàng kém chất lượng, loại 2, loại 3 về trộn vào với hàng chính hãng, nhằm qua mắt người tiêu dùng.

Ham rẻ, thích khuyến mãi mà đã có nhiều người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng và còn bị nâng giá, khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào một số chương trình khuyến mãi.

Đó là lý do giải thích vì sao nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhưng lượng khách đến mua sắm chỉ nhiều hơn ngày thường đôi chút hoặc có người đến nhìn rồi về chứ không mua.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thư (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho hay: “Cuối năm, tôi định sắm một số đồ gia dụng, cửa hàng thông báo khuyến mãi đến 70% nhưng khi hỏi thì nhân viên lại nói chỉ sale 50- 70% một số mặt hàng tồn, hàng mẫu cũ, còn mẫu mới chỉ được sale 10- 20% hoặc thậm chí không giảm giá”.

Theo các chuyên gia kinh tế, khuyến mãi là một hình thức xúc tiến thương mại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, tận dụng khuyến mãi như thế nào cho đúng, cho sâu giúp quảng bá hình ảnh sản phẩm của DN đến người tiêu dùng không phải DN nào cũng làm được.

Do đó, để khuyến mãi trúng mục tiêu đề ra, bên cạnh việc chọn thời gian khuyến mãi đúng đắn, DN cần có cách thức khuyến mãi phù hợp, không khuyến mãi tràn lan, ồ ạt khiến người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán, “ngợp” với khuyến mãi mà gây tác dụng ngược hay chương trình khuyến mãi kéo dài quá lâu cũng làm khách hàng không còn hứng thú với việc mua hàng.

Đồng thời, đối với người tiêu dùng, để không lún sâu vào ma trận khuyến mãi, khi mua hàng, người tiêu dùng cần tham khảo giá ở một số nơi khác nhau, so sánh giá của sản phẩm đang giảm giá của cửa hàng này với giá của cửa hàng khác để xác định đó là khuyến mãi thật hay ảo.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lưu ý đến chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm định mua, cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa giảm giá, khuyến mãi. Đồng thời, chỉ mua theo đúng nhu cầu chứ không nên mua quá nhiều, mua theo phong trào.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- Lê Thanh Phong

Để góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả và đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý đối với các hành vi như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi vi phạm về thương mại điện tử; hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Bài, ảnh: TRÀ MY