Cơ hội nào cho hạt gạo đồng bằng?

Cập nhật, 06:13, Thứ Sáu, 20/12/2019 (GMT+7)

Hạt gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có mặt trên các thị trường lớn và những thị trường khó tính. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế, hạt gạo xuất khẩu chưa thâm nhập được nhiều vào các thị trường cao cấp.

Theo các chuyên gia, hiện hạt gạo đồng bằng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, gạo ĐBSCL nói riêng, gạo Việt Nam nói chung cần chú trọng giá cả và chất lượng.

 Ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội, cũng lắm thách thức.
Ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội, cũng lắm thách thức.

Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Son- Khoa Kinh tế (ĐH Cần Thơ), ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL đang có được 4 cơ hội: Sau gần 10 năm đeo đuổi, Việt Nam đã ký được Hiệp định Thương mại tự do với 28 nước thành viên Châu Âu, tạo cơ hội cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ.

Philippines thông qua chính sách tự do hóa ngành gạo, việc loại bỏ cơ chế hạn ngạch thay bằng thuế nhập khẩu cũng sẽ làm tăng lượng gạo nhập khẩu vào Philippines với giá thấp hơn trước.

Đồng thời, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gạo của Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, trước mắt là thách thức đối với những nhà xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và của ngành hàng gạo nói riêng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong dài hạn đây là cơ hội đánh thức tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam cần phải sản xuất và kinh doanh định hướng đến chất lượng sản phẩm và minh bạch trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ cho ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL, tạo cơ hội cho ngành hàng này nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho đầu ra sản phẩm lúa gạo.

Không chỉ vậy, ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL còn có nhiều lợi thế, điểm mạnh. Cụ thể như, gạo ST25 được vinh danh là ngon nhất thế giới đã trở thành điểm mạnh rất đáng được trân trọng vì nó đã củng cố và tạo dựng thêm thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.

ĐBSCL cũng đã xây dựng được một số cánh đồng lúa lớn ở các tỉnh trong khu vực. Một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã chủ động xây dựng được vùng lúa nguyên liệu, tạo điều kiện chủ động trong kinh doanh lúa gạo,...

“Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội này, thách thức lớn đặt ra cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam là cần cho các tác giả một hành lang pháp lý công bằng, minh bạch và sòng phẳng để tiếp tục duy trì và khai mở nhiều tác giả khác tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm những giống lúa gạo tốt cho quốc gia.

Nói cách khác, cần có cơ chế chế tài thật nghiêm minh đối với những cơ sở sản xuất “giống giả” và “gạo giả”. Có như thế mới tạo thêm động lực cho những nhà khoa học đeo đuổi sự nghiệp của mình!”- PGS.TS. Nguyễn Phú Son nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS. Võ Thành Danh (ĐH Cần Thơ) cũng chỉ ra các thách thức và điểm yếu mà ngành lúa gạo gặp phải, đó là: Các nước nhập khẩu gạo đòi hỏi chất lượng cao hơn, trong khi chất lượng lúa gạo của Việt Nam chưa đồng nhất, nhận thức sản xuất của nông dân theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn tồn tại, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế,...

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nhận định về tình hình phát triển ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: Lúa gạo là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia; là một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Trong đó, có tỉnh Vĩnh Long, nơi hàng năm cung cấp gần 1 triệu tấn lúa cho vùng. Sản xuất lúa gạo vừa là sinh kế của hàng triệu người dân đồng bằng vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phần vào an ninh lương thực thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sự đóng góp của ngành vào sự phát triển chung về kinh tế- xã hội của vùng còn khá khiêm tốn, cuộc sống của người trồng lúa còn nhiều khó khăn. Vậy làm sao để người trồng lúa làm giàu bền vững từ chính mảnh đất quê hương bằng cây lúa- hạt gạo và công sức lao động của mình?

Đây là trăn trở từ bấy lâu nay, nhằm làm thế nào để giúp kinh tế nông nghiệp phát triển, người trồng lúa ngày càng khá hơn.

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 PGS.TS. Võ Thành Danh đề xuất: Các chiến lược cần có sự đầu tư đồng bộ, tập trung như phát triển thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo, phát triển cánh đồng lúa lớn sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm gạo (lúa giống chất lượng). Đồng thời, cần có đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và cắt giảm chi phí sản xuất, chế biến.

Phát triển mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo. Trong đó, đặc biệt là vai trò của thương lái, cần có những giải pháp phù hợp, nếu không người dân sẽ bị thua lỗ do phần lớn là nông dân tự tìm thương lái, thỏa thuận và bị ép giá.

Tại hội thảo hỗ trợ người trồng lúa làm giàu bền vững, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là nông dân, doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng, cần hướng tới việc sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ.

Để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, PGS.TS. Dương Văn Chính- Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời)- cho rằng: Nhất thiết phải phát huy mô hình cánh đồng lớn, tạo ra chuỗi giá trị mà trong đó doanh nghiệp với nông dân phải liên kết với nhau.

Việc này bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, chế biến xuất khẩu cho doanh nghiệp với chất lượng được kiểm soát, còn nông dân thì không lo gặp khó đầu ra.

TS. Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT)

Thành tựu nổi bật ngành lúa gạo ở ĐBSCL là diện tích, năng suất và sản lượng liên tục tăng từ năm 1990, lúa gạo đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của vùng và cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu, bộ giống lúa đã được cải thiện theo hướng chất lượng cao, đa dạng, các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được nông dân triển khai áp dụng rộng rãi.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước vươn ra thị trường thế giới. Từ đó, bắt đầu hình thành một số thương hiệu gạo Việt Nam, chất lượng hạt gạo Việt Nam đang được khẳng định.

Bài, ảnh: TRÀ MY