Chợ truyền thống: hướng đến văn minh, an toàn

Cập nhật, 05:39, Thứ Tư, 27/11/2019 (GMT+7)

“Mặc dù trong thời gian qua, mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại đã hình thành và phát triển nhưng chợ vẫn là nơi tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của các doanh nghiệp cũng như là nơi mua sắm chủ yếu của người dân và có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy vậy, để tồn tại và phát triển bền vững hơn, đòi hòi chợ truyền thống phải thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”- đó là đánh giá của Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Còn về tình hình phát triển chợ truyền thống hiệu nay.

Tiểu thương cần thay đổi để nâng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.
Tiểu thương cần thay đổi để nâng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.

Chợ vẫn giữ vai trò quan trọng

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hiện có 115 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 17 chợ hạng II, 97 chợ hạng III và chợ tạm, được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Phương thức giao dịch chủ yếu là bán lẻ, đối với các chợ hạng I, hạng II có quy mô lớn, còn là nơi cung ứng lại hàng hóa cho các huyện, xã trên địa bàn theo hình thức bán buôn. Theo đó, lượng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm trên 80% ở khu vực nông thôn.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nhìn chung, mạng lưới chợ của tỉnh phát triển khá nhanh, thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đến việc đầu tư xây dựng chợ, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của người dân.

Tuy nhiên, xu hướng sắp tới sẽ phát triển thương mại theo hướng hiện đại, do đó, chợ truyền thống phải chuyển biến theo hướng văn minh, an toàn thực phẩm.

Là mô hình chợ an toàn thực phẩm đầu tiên trên địa bàn tỉnh, chợ an toàn thực phẩm Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) ngày càng được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Theo đó, nhận thức của tiểu thương cũng được nâng lên, trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.

Theo Sở Công thương, xây dựng mô hình lý thuyết chợ truyền thống theo hướng văn minh, an toàn thực phẩm là cơ sở để xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở chợ, tạo sự văn minh trong hoạt động thương mại, mua bán trung thực, cân, đo chuẩn xác, thái độ lịch sự hòa nhã, chấp hành tốt pháp luật, qua đó khắc phục những hạn chế trong mua bán như hàng gian hàng giả, lừa đảo, không niêm yết giá,… Đồng thời, mô hình chợ sẽ quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Cô Nguyễn Thị Mai- tiểu thương chợ Phước Thọ- cho hay: Ở đây, tiểu thương thường xuyên được ban quản lý chợ nhắc nhở phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải lấy hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, niêm yết giá đàng hoàng. 

Chỗ bán phải sạch sẽ, thoáng mát, đồng thời, phải có thái độ bán hàng văn minh, lịch sự. Giờ xu hướng tiêu dùng thay đổi rồi, mình phải thay đổi theo mới tồn tại được vì người tiêu dùng không còn ham rẻ như trước mà chuộng chất lượng và cung cách phục vụ văn minh”.

Chị Lê Mai Phương Ngân- Phó Ban Quản lý chợ Phước Thọ- cho biết: “Từ khi đưa vào hoạt động, mô hình chợ an toàn thực phẩm hoạt động đạt hiệu quả cao, tiểu thương rất mừng. Các mặt hàng được tiểu thương lựa chọn đưa vào chợ đều có nguồn gốc, nơi sản xuất uy tín phục vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, sức mua tại chợ cũng tăng hơn”.

Trong khi đó, chợ thị trấn Tam Bình cũng đang từng bước xây dựng mô hình thí điểm chợ văn minh, an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hoàn Thiện cũng đã chú ý thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong khu chợ, vận động các hộ tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt bò, thịt heo, cá tham gia thực hiện xây dựng quầy kệ cao theo đúng tiêu chuẩn quy định,…

“Sau khi thực hiện, khu vực mua bán thịt, cá đã khang trang hơn, nước không còn đọng vũng, lối đi sạch sẽ hơn, người tiêu dùng đi mua sắm cũng thuận lợi hơn, thoải mái hơn”- nhiều tiểu thương phấn khởi nói.

Chợ: phải văn minh, hiện đại, an toàn

Dù đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên, chợ truyền thống còn một số hạn chế như: hầu hết các chợ được xây dựng trước đây đã quá tải, đa số các chợ trên địa bàn tỉnh là chợ hạng III, tuy có đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng các tiểu chuẩn theo quy định.

Một số hộ tiểu thương trong chợ chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh, chưa thật sự quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho khu vực chợ đa phần chưa xác định rõ nguồn gốc, hàng hóa được cung ứng từ nhiều nơi, chưa hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để cung ứng. Ở nhiều chợ nông thôn vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh tự giết mổ gia súc gia cầm rồi đem ra chợ bán,…

Nói về sự cần thiết đổi mới của chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Còn cho rằng: “Trong điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, sẽ tạo nên sự cạnh tranh, sự phát triển các hình thức kinh doanh tương tự phát triển hơn, văn minh hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường như sự phát triển của trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhưng không vì thế mà chợ mất đi vai trò của mình”.

Chính sự phát triển này lại góp phần điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ truyền thống, thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, theo ông Nguyễn Văn Còn, tiểu thương cần chủ động nâng cấp, làm mới mình cho hợp với xu hướng tiêu dùng mới, nâng chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn, tin dùng hàng hóa của mình. Đồng thời, phải thay đổi cách ứng xử, văn hóa bán hàng.

Qua thực tế 2 mô hình chợ kinh doanh thực phẩm an toàn là chợ Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) và chợ Cái Ngang (Tam Bình) đã được triển khai, tiêu chí được đề xuất đối với chợ an toàn thực phẩm như: mặt hàng rau, củ, quả, thủy sản phải tươi sống, không sử dụng chất bảo quản thuộc danh mục cấm, nơi bày bán sản phẩm phải bằng vật liệu không rỉ, không gây ô nhiễm, dễ vệ sinh, cách mặt đất tối thiểu 0,6- 1m; người kinh doanh thực phẩm chế biến dịch vụ ăn uống phải có tập huấn kiến thức về kinh doanh thực phẩm, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, không hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su khi chế biến thức ăn, sử dụng bao tay, đeo tạp dề khi chế biến thức ăn,…

Bài, ảnh: TRÀ MY