Cải thiện PCI- đồng hành doanh nghiệp phát triển

Cập nhật, 04:59, Thứ Bảy, 20/04/2019 (GMT+7)

Tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng tỉnh rất coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tỉnh Vĩnh Long luôn với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”.

Nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long đã được tạo thuận lợi và hỗ trợ tích cực trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Trong ảnh: Ban Quản lý Các khu công nghiệp trao giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, thư cảm ơn của lãnh đạo tỉnh cho nhà đầu tư mới.
Nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long đã được tạo thuận lợi và hỗ trợ tích cực trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Trong ảnh: Ban Quản lý Các khu công nghiệp trao giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, thư cảm ơn của lãnh đạo tỉnh cho nhà đầu tư mới.

Chỉ số chi phí không chính thức cải thiện rõ nét

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ- cho rằng: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm tích cực, nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trong việc tạo hình ảnh tốt đẹp, mong muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn”.

Kết quả PCI năm 2018, Vĩnh Long giảm nhẹ 2 hạng, đứng thứ 8 cả nước, thứ 4 trong 13 tỉnh- thành ĐBSCL và vẫn duy trì trong nhóm tốt thuộc top dẫn đầu.

“VCCI Cần Thơ cùng các tỉnh không chỉ đánh giá riêng chỉ số PCI được gì, bao nhiêu điểm, thứ hạng mấy… mà là trao đổi những vấn đề phát triển DN, kiến tạo môi trường kinh doanh một cách tốt nhất. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến Vĩnh Long ở yếu tố ổn định tích cực. Đó là sự nỗ lực rất tích cực”- ông Nguyễn Phương Lam phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2018, Vĩnh Long đã cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, sự kiến tạo của chính quyền địa phương. Trong bối cảnh các địa phương đang cải cách, Vĩnh Long vẫn duy trì vị trí thứ 8 là kết quả rất tích cực.

Trong đó, đáng chú ý, Vĩnh Long cải thiện chỉ số chi phí không chính thức rõ nét và đứng đầu cả nước về điểm, thứ hạng. UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động và triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Đây là cơ sở để tiếp tục cải cách hành chính một cách hiệu quả, đơn giản hóa quy trình, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và công sức thực hiện các thủ tục.

Lãnh đạo tỉnh năng động tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tổ chức đối thoại với DN nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của DN, cam kết thời hạn phản hồi… Các sở, ban ngành, địa phương đã quan tâm và kịp thời cập nhật, chuẩn hóa, công khai bộ thủ tục hành chính theo quy định.

Tiếp cận đất đai có sự cải thiện, hỗ trợ từng nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Công khai, minh bạch các quyết định về chính sách, trợ giúp thông tin đối với DN…

Kết quả PCI 2018 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh thể hiện qua chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho DNTN đang dần bình đẳng, thủ tục hành chính đang thay đổi theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, các chuyên gia VCCI cũng cho rằng, tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng lao động, cũng như các dịch vụ hỗ trợ DN, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký DN.

Cần nỗ lực nhiều hơn

Trên thực tế, phân tích PCI 2018 cho thấy, các DN dân doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các cơ quan nhà nước cần có những biện pháp chính sách hiệu quả và kịp thời, hướng tới một khu vực DNTN Việt Nam hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh mẽ và bền vững.

“Kết quả PCI 2018, một lần nữa ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước với 64,31 điểm, tăng 0,91 điểm. Trong đó, nổi bật có 3 tỉnh đứng trong nhóm dẫn đầu, 4 tỉnh trong top 10.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh cũng có xu hướng giảm, như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, thiết chế pháp lý. Bên cạnh đó, tỷ lệ mất cấp tài sản của DN rất cao, DN truy cập vào website của UBND địa phương thấp…”- ông Nguyễn Phương Lam cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhìn nhận: “Kết quả PCI 2018 cũng cho thấy DN cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt. Thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm như: gia nhập thị trường; tính minh bạch; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý- an ninh
trật tự”.

Để tiếp tục cải thiện PCI của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long, UBND tỉnh đã dự thảo chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao PCI của tỉnh.

Trong đó, tập trung những nội dung như: tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban ngành và các đơn vị được phân công chủ trì cải thiện chỉ số PCI và từng chỉ số thành phần. Công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN dễ tiếp cận và sử dụng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ phát triển DN...

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón: Coi sự phát triển của DN là phát triển của tỉnh nhà

Sau hội nghị này, từng ngành, từng đơn vị có liên quan phải nghiêm túc xem xét lại điểm mạnh, điểm yếu của mình để có kế hoạch triển khai thực hiện, hành động nhanh, bắt đầu ngay từ tháng 4 này để góp phần giúp cho tỉnh đạt kết quả tốt hơn trong năm 2019. Qua kết quả đánh giá PCI năm 2018, cần hết sức lưu ý đến 4 chỉ số bị giảm điểm.

Chúng ta cần quan tâm tạo sự thông thoáng, thuận lợi đem lại sự hài lòng cho các DN, để DN cảm nhận ngày càng tốt hơn về tính năng động của các cấp chính quyền ở Vĩnh Long. Phải coi sự phát triển của DN là phát triển của tỉnh nhà.

Tôi đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh ban hành (hoặc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành) chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI để các ngành, các địa phương có sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện tốt vấn đề này.


Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI

Trong thời gian qua, hạ tầng kinh tế kỹ thuật của vùng ĐBSCL đã có sự cải thiện nhất định, chất lượng hạ tầng internet, điện, nước... được DN đánh giá rất tốt. Tuy nhiên, sự thay đổi hạ tầng giao thông, logistics trong vùng còn rất khiêm tốn, dịch vụ hỗ trợ DN đứng thứ 3/6 vùng, đào tạo lao động đứng cuối trong các vùng, đây là những điểm mà các tỉnh- thành trong vùng cần lưu ý cải thiện.

 

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC