Hãy giữ lại "báu vật" của đồng bằng!

Kỳ cuối: Giữ lấy lớp đất phì nhiêu cho đồng bằng

Cập nhật, 05:35, Thứ Sáu, 19/04/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Ùn ùn lấy đi lớp đất mặt ruộng

>> Kỳ 2: Lấy đất mặt vì ruộng ngày càng gò?

>>  Kỳ 3: Bỏ lớp đất mặt- lợi bất cập hại

Lấy đất mặt đúng cách không khó khăn mà rất dễ dàng khi có sự hỗ trợ từ máy móc.
Lấy đất mặt đúng cách không khó khăn mà rất dễ dàng khi có sự hỗ trợ từ máy móc.

Trước việc cải tạo đất gò sai cách đang diễn ra rầm rộ trên các đồng lúa, nhà khoa học khuyến cáo các địa phương cần kịp thời định hướng nông dân cải tạo đất đúng phương pháp. Về lâu dài, cần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, làm nông nghiệp “thuận thiên”.

Cần cải tạo đất đúng phương pháp

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Lê Văn Chiến cho hay, đã có khuyến cáo cho nông dân cải tạo đất đúng phương pháp nhưng “khó ở chỗ người dân đưa ra nhiều nguyên nhân để… không làm theo”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có 3 lý do chính nông dân đưa ra gồm: khó thực hiện, chi phí đội lên cao và phải cào lớp trên mới loại bỏ hết lúa cỏ.

Bác nông dân Lương Văn Đức ở ấp Thông Quang (xã Phú Đức- Long Hồ) cho rằng: “Bán đất gạch thì mới lấy lớp dưới phả lại đất mặt, chớ hạ gò mà cào lớp đất mặt bỏ qua một bên rồi lấy dưới thì tốn công, tốn tiền lắm”. Trong khi đó, chú Nguyễn Văn Hiểu ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) nói: “Khó lắm, máy cuốc thì ngoéo đất vô đẩy lên xe luôn chứ kiểu phả qua, lấp lại phức tạp chủ máy chưa chắc chịu làm theo”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện máy móc đã “hỗ trợ hết sức”, nông dân muốn lấy đất đúng cách không khó.

Theo ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, nông dân cần tính toán, cân nhắc kỹ những lợi ích trước mắt và tác hại về lâu dài để cải tạo đất đúng phương pháp. Nếu lỡ làm sai thì cần bồi dưỡng, trả lại chất hữu cơ cho đất để tiếp tục canh tác.

Về việc có thể tự phục hồi hình thành lại tầng đất mặt? TS Dương Minh Viễn- Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- ĐH Cần Thơ) cho biết, hiện “về chuyên môn sâu thì chúng tôi vẫn đang nghiên cứu nhưng chưa có kết quả. Theo tôi thì sẽ lâu bởi đất hình thành cả hàng triệu, hàng triệu, cả tỷ năm sao mà phục hồi được trong vòng mấy năm?”

Do đó, TS Dương Minh Viễn lưu ý, nếu nông dân muốn hạ thấp ruộng gò thì nên làm đúng phương pháp. Theo đó, cần cào hết lớp đất mặt để qua một bên, sau đó lấy lớp dưới tùy theo độ sâu cần cải tạo, cuối cùng phả trả lại lớp mặt.

Sau khi cải tạo gò, cần “bồi bổ” cho đất. Ông cho biết thêm, cách đơn giản nhất là nông dân lấy rơm sau thu hoạch ủ hoai mục và bón lại ruộng mình theo kiểu “rơm vụ này bón cho vụ sau”. Đó là cách rẻ tiền nhất và quan trọng để phục hồi lại chất hữu cơ cho đất nhưng không nhìn vào ngay lập tức hay đơn giản 5- 6 năm mà cần thời gian rất dài.

Làm nông nghiệp “thuận thiên”

PGS. TS Lê Anh Tuấn phân tích: Làm lúa cần lượng nước tưới nhiều nên nếu làm 3 vụ chắc chắn sẽ thiếu nước. Chưa kể, làm 3 vụ thì lúc nào cũng “bắt đất làm việc” không nghỉ, không có thời gian phục hồi tự nhiên, nông dân muốn kiểm soát sâu bệnh, cải tạo đất thì phải sử dụng phân thuốc ngày càng nhiều- ô nhiễm ngày càng tăng.

Trong những vùng ô nhiễm như vậy thì khó có được những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch được… Từ đó, không chỉ riêng gạo mà các nông sản khác cũng phải bán giá rẻ. Mặt khác, đê bao khép kín làm lúa sẽ gây ra những hệ lụy khác như ngập trong đô thị, hư hỏng đường sá, trì trệ làm ăn… Như vậy, tăng lúa chưa chắc bù cho thiệt hại khác của toàn xã hội mà trong khi người trồng lúa càng ngày càng khó khăn hơn.

Do đó, về lâu dài, nên giảm diện tích 3 vụ (không giảm được thì ít ra đừng tăng), chuyển đổi 2 vụ lúa- 1 vụ màu, khôi phục lại những vùng trũng trữ nước tự nhiên…

Cần phải biết hệ sinh thái cây nào phù hợp với điều kiện đất đó mình phải nương theo cái đó mà làm- đó cũng chính là “thuận thiên” theo Nghị quyết 120 của Chính phủ. Ông cũng cho hay, thực tế, nhiều tỉnh thành ĐBSCL đã áp dụng những mô hình nông nghiệp “thuận thiên một cách thông minh” cho hiệu quả cao.

Tại Vĩnh Long, ThS. Nguyễn Văn Liêm cho biết, từ năm 2000 trở đi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra rất mạnh mẽ sau khi hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi. Theo đó, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, hoặc luân canh cây màu có khả năng chống chịu khô hạn trên đất lúa trong mùa khô.

Trong đó, chuyển đổi mạnh mẽ là ở các huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình. Diện tích màu tăng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000 có khoảng 30.000ha màu thì đến năm 2018 đã tăng gần 60.000ha...

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm, việc mở rộng chuyển đổi phải theo đúng quy hoạch và quy hoạch này dựa trên nhiều yếu tố như sinh thái, khoa học- kỹ thuật, mô hình và giá cả, thị trường.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc luân canh cây màu có khả năng chống chịu khô hạn trên đất lúa trong mùa khô theo đúng quy hoạch.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc luân canh cây màu có khả năng chống chịu khô hạn trên đất lúa trong mùa khô theo đúng quy hoạch.

Thời gian qua, nhiều nông dân chuyên trồng lúa ở các địa phương đã giảm một vụ lúa, đề xuất nuôi cá trên ruộng...

“Chúng tôi khuyến cáo người dân làm lúa 2 vụ. Hiện đang thực hiện thí điểm được khoảng 500ha cho 3 ấp gồm: Ấp 8, Ấp 9 và Mỹ Phú. Vừa sạ đợt mùng 10/3 âl vụ Hè Thu. Sau đó sẽ bỏ lấp vụ, thả nước khoảng 3 tháng, đến mùng 10/10 âl sạ vụ Đông Xuân”- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Lê Văn Chiến vui vẻ cho biết vậy và nói thêm-

“Năm nay, giá lúa tuột, thương lái không đặt cọc, năng suất đi xuống, chi phí cao, không lời bao nhiêu nên từ chỗ đó chúng tôi lấy ý kiến bỏ bớt vụ để phơi đất. Huyện ủy, Đảng ủy xã chỉ đạo sát sao, chúng tôi cũng thành lập các tổ lấy ý kiến dân”.

Thực tế cho thấy, nông dân luôn cần cù bám đất, luôn muốn cải tạo, tăng năng suất, tăng thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Tuy nhiên, với cách làm sai lại càng thêm sai, khiến việc cải tạo đã đi quá xa, đồng thời với việc canh tác liên tục khiến đất đai không được nghỉ ngơi, bồi bổ tự nhiên. Thiết nghĩ, các địa phương ĐBSCL cần kịp thời định hướng nông dân cải tạo đất đúng cách, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho hợp lý. 

Hơn ai hết, nông dân cần xem xét, điều chỉnh lại cách cải tạo, canh tác của mình sao cho vừa hiệu quả, tăng thu nhập mà còn góp phần giữ gìn độ phì nhiêu cho đất- giữ lấy “báu vật” của đồng bằng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

PGS. TS Lê Anh Tuấn-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu:

Trước các thập niên 1970- 1980, vùng ĐBSCL chủ yếu là đất trồng lúa 2 vụ: vụ lúa Hè Thu (tập trung vào mùa mưa, khoảng từ tháng 4- 7) và vụ Đông Xuân (thông thường trong mùa khô từ tháng 12- 2). Thời gian còn lại trong năm là thời kỳ ngập lũ (từ tháng 8- 11) hoặc bị nhiễm mặn sâu (tháng 3, tháng 4). Muốn tăng vụ, tăng sản lượng lúa các địa phương thường phải làm đê bao triệt để khép kín để trồng mùa lũ cho vụ Thu Đông. Còn nếu canh tác vụ Xuân Hè thì lượng nước tưới phải rất lớn vì đây là thời điểm khô hạn cao và xâm nhập mặn lớn ở ĐBSCL. Phương thức canh tác vụ 3 đã hình thành giữa thập niên 1980. Niên vụ 2009- 2010, diện tích canh tác lúa vụ 3 ở ĐBSCL đạt 3,8 triệu hecta. Thực tế sau hơn 10 năm, ở những vùng canh tác lúa 3 vụ càng dài thì chất lượng tài nguyên càng suy giảm, vùng đê bao do không nhận được phù sa khiến năng suất cây lúa ngày càng giảm...


TS Dương Minh Viễn- Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- ĐH Cần Thơ):

Để cải tạo gò đúng cách, nông dân lấy cuốc, xẻng... đào xuống làm “mặt cắt” sẽ thấy dưới đất có nhiều tầng phân biệt nhau qua màu sắc, cấu trúc của đất. Trong đó, tầng mặt thường sẫm màu hơn các tầng khác cấu trúc xốp. Xem tầng đó sâu đến đâu thì dỡ lấy tới đó để qua một bên rồi đào xuống lấy lớp dưới, sau đó phả trả lại tầng mặt. Từng khu vực, địa phương sẽ có tầng đất canh tác khác nhau. Xác định theo chuyên môn về thổ nhưỡng phân loại đất thường ĐBSCL thì 0- 25- 30cm.


ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long:

Mặc dù sản xuất lúa vụ 3 không hiệu quả nhưng trước mắt bà con một số nơi trong tỉnh vẫn muốn duy trì vì họ sống nhờ cây lúa, muốn bỏ công làm lời. Do vậy, định hướng giảm lúa vụ 3 tùy vào thực tế từng địa phương, song song đó phải tạo công ăn việc làm cho người dân gia tăng thu nhập...


Luật sư Nguyễn Thị Thùy Châu (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long): Theo Luật Khoáng sản năm 2010, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Như vậy, đất có thể coi là một loại khoáng sản. Theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/3/2013, khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN