Phát triển kinh tế tập thể- đưa nông dân vào sản xuất lớn

Kỳ 2: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế nông thôn

Cập nhật, 10:43, Thứ Tư, 30/08/2017 (GMT+7)

Nhiều hợp tác xã (HTX) không chấp nhận theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, mà từ nền tảng sẵn có họ đã mạnh dạn đổi mới, không ngừng sáng tạo trong cách nghĩ và… dám làm, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Kinh tế hợp tác còn là “đòn bẩy” góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

 

Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, HTX Tân Tiến cũng đang xây dựng mô hình trồng thanh long sạch trên địa bàn xã Mỹ Hòa.
Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, HTX Tân Tiến cũng đang xây dựng mô hình trồng thanh long sạch trên địa bàn xã Mỹ Lộc.

Hợp sức đồng lòng- việc khó mấy làm cũng xong

HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) có thể coi là hình mẫu mới, bởi “không chỉ liên kết trong sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mà còn gắn với bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Hữu Phước (Ba Phước)- giám sát viên HTX, nói với chúng tôi về hoạt động HTX mà “trong đó luôn có… cái khó”.

Chẳng hạn, thời gian này gần 60ha đất của HTX đã được xả lũ tràn đồng. Bà con bỡ ngỡ vì trước nay làm lúa 3 vụ/năm, giờ “cắt” còn 2 vụ “tui lấy tiền đâu đóng hụi”, “lúa đâu tui ăn”… Rất khó. Theo ông Ba Phước, nông dân nhà nào cũng “chơi hụi mùa”, quen tính 3 mùa/năm, giờ làm 2 mùa không biết xoay xở thế nào. Nên có tổ 100% đồng ý, có tổ bà con chưa thoải mái, phải nói riết xả lũ lấy phù sa, đất tốt năng suất cao, giảm nhiều chi phí… có lý, họ mới nghe và làm theo.

Hay như việc làm lúa dùng phân hữu cơ “trần thân lắm”. Nông dân quen lối cũ, phân vô cơ quăng xuống 3 ngày lúa xanh um, thuốc hóa học xịt xong sâu chết ngay. Vận động sử dụng phân hữu cơ, dùng thuốc vi sinh bà con sợ lúa thất, sâu bệnh không hết. “Ruộng lúa là nồi cơm gia đình mà, nên có hộ nửa đêm lén ra ruộng rải phân, xịt thuốc hóa học”- ông Ba Phước kể, nhưng “chỉ nhìn trà lúa biết liền. Tụi tui tâm tình cho bà con cái lợi, cái hại. Lúa thu hoạch tất cả đều được lấy mẫu kiểm tra, bị phát hiện dư lượng bảo vệ thực vật doanh nghiệp không mua lúa, bà con chịu thiệt còn ảnh hưởng uy tín tập thể”- ông Ba Phước nói theo quy định HTX có biện pháp chế tài, nhưng vẫn luôn nhẹ nhàng nhắc nhở để bà con hiểu.

“Khó ăn” như vậy, nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tâm huyết của Ban giám đốc xây dựng vùng lúa sạch và vận động “mưa dầm thấm lâu”: “Giải thích làm lúa hữu cơ năng suất thấp hơn, nhưng doanh nghiệp bao tiêu hết, giá lúa cao gấp đôi lúa thường. Lợi ích này các thành viên đã thấy trong 4 vụ lúa rồi. Còn bảo vệ sức khỏe người sản xuất, nguồn thủy sản cá, tôm, cua, ốc… trên đồng ruộng dần hồi phục cho thấy môi trường sống ngày càng được cải thiện, đó là lợi ích lâu dài”- ông Ba Phước nói chuyện buồn lan sang chuyện vui- “Vụ đầu bà con chưa tin còn “lén” bỏ phân hóa học, nhưng các vụ sau kiểm tra mẫu đã đạt 100%”.

Hiện Siêu thị Co.opmart đã bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa hữu cơ của HTX, mà nhiều công ty, doanh nghiệp cũng “đòi” đăng ký lo đầu vào lẫn đầu ra. Trong khi đó, sự quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh, các viện, trường, đặc biệt sự tư vấn trực tiếp của GS. Võ Tòng Xuân, như là một sự “bảo lãnh” cho chất lượng. Lợi nhuận hàng năm từ các dịch vụ của HTX cũng được chia cho thành viên. Rõ ràng, chỉ có liên kết sản xuất mới nâng được giá trị hàng hóa nông sản, giúp người dân sản xuất ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên khá, giàu.

 

Bí thư xã Mỹ Lộc Võ Văn Liền: Mô hình có khả năng nhân rộng

 

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Nông nghiệp Tân Tiến có khả năng nhân rộng cao. Qua 4 mùa làm lúa hữu cơ, mô hình này được đánh giá có hiệu quả, người dân rất đồng tình. Do đó, trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, xã có kế hoạch nhân rộng làm lúa hữu cơ ra 100% diện tích Ấp 9 và Ấp 11 và thí điểm ở các ấp còn lại.

 

Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã chủ trương chuyển dịch cơ cấu mùa vụ gắn với sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ cho HTX trong công tác tuyên truyền, kiến nghị hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX hoạt động. Bởi HTX hoạt động hiệu quả còn góp phần tăng trưởng kinh tế của xã.

 

Hiện chúng tôi đang xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương, để khi nói đến gạo hữu cơ người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến gạo Mỹ Lộc.

Liên kết sản xuất theo nhu cầu thị trường

Cùng với chuyển biến tích cực trong canh tác của thành viên HTX Tân Tiến, xã Mỹ Lộc có kế hoạch tăng lên 100ha và tiến tới mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ra toàn xã, cho thấy đây là mô hình rất nhiều triển vọng phát triển. Mà quan trọng là “làm HTX bà con tin tưởng mới phát triển được.

Kế hoạch gì cũng phải đưa ra bàn bạc lợi, hại trước mắt và lâu dài, tạo sự thống nhất. Để bà con tin và nghe theo, Ban giám đốc phải giữ chữ tín, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”- ông Ba Phước đúc kết từ thực tiễn.

Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến.
Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến.

Ông Nguyễn Thanh Long- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh- cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập thêm 28 HTX, nâng số HTX toàn tỉnh lên 130 HTX và 1 liên hiệp HTX. Đây là số HTX được thành lập nhiều nhất trong vòng 6 tháng từ trước đến nay và là tín hiệu đáng mừng.

“HTX thành lập do nhu cầu thị trường, đối tác yêu cầu phải có tổ chức đại diện liên kết từng hộ sản xuất riêng lẻ”- ông Long cho biết. Cùng với đó, thu nhập bình quân của thành viên “năm sau cao hơn năm trước”, hiện đã tăng 7,3% so với cuối năm 2016.

Trong khi đó, giá trị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tập thể những năm qua liên tục tăng trưởng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn, thiếu việc làm ở nông thôn.

Nhiều HTX phát triển bền vững qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chẳng hạn, HTX Rau an toàn Phước Hậu là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái, doanh nghiệp, siêu thị… tìm kiếm nguồn hàng sạch. Trong khi HTX Tiểu thủ công nghiệp An Phú, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động nông thôn và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến quy trình nhằm đạt hiệu quả sản xuất tối ưu.

Bên cạnh, còn chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho người lao động để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng thu nhập.

 

Từ năm 2016, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã có Nghị quyết 04-NQ/TU về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết này giai đoạn 2016- 2020 với yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp trong thực hiện chức năng quản lý, hỗ trợ kinh tế tập thể…

 

Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX đối với phát triển kinh tế- xã hội, từ đó tự nguyện tham gia HTX và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

(Còn tiếp)

 Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY