Chính phủ cần có giải pháp, kịch bản giúp người dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Cập nhật, 17:22, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

 

Ngày 25/5, các Đoàn đại biểu Quốc hội chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.  

“Thời gian qua mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ có nhiều cố gắng trong điều hành nền kinh tế vĩ mô. Kết quả đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, tôi đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để góp phần nâng cao hơn nữa đời sống người dân.

Thời gian qua, dù Chính phủ có nhiều cố gắng nhưng sự chuyển biến chưa cao. Một vấn đề bức xúc hiện nay là làm sao chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất lớn để nâng cao thu nhập, muốn làm được như thế cần phải cho tích tụ ruộng đất, nghĩa là phải sửa điều 129 của Luật Đất đai.

Hiện nay, một hộ có 4 người với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 4.000 m2, nếu sản xuất được mưa thuận gió hòa, trúng mùa thì thu nhập cao lắm khoảng 8 triệu đồng, khó mà nâng cao đời sống.

Ngoài ra, cử tri đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ các dự án chống biến đổi khí hậu cho ĐBSCL, hiện các dự án này thực hiện rất chậm trong khi người nông dân trông chờ hàng ngày, hàng giờ để thực hiện chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu. Một vấn đề mà cử tri rất quan tâm là đề nghị Chính phủ phải có giải pháp, kịch bản giúp người dân tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản.

Nghĩa là nếu mặt hàng đó không xuất khẩu được thì phải có giải pháp xử lý ngay chứ không phải như hiện nay Chính phủ phải đứng ra kêu gọi trợ giúp để giải cứu từ gạo, chuối, thanh long, thịt heo…”

TÂM- THI (ghi)