Kinh doanh với thị trường Trung Quốc, sao cho hiệu quả?

Cập nhật, 08:21, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

Trung Quốc (TQ) hiện được đánh giá là thị trường lớn của Việt Nam, không chỉ về giao thương hàng hóa mà gần đây còn có cả du lịch. Tuy nhiên, làm gì để kinh doanh hiệu quả với thị trường này, giảm thiểu những rủi ro là vấn đề rất đáng quan tâm.

Thời gian qua, khoai lang Bình Tân chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch nên rủi ro rất cao.
Thời gian qua, khoai lang Bình Tân chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch nên rủi ro rất cao.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề này, với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp đang kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường TQ.

TQ là thị trường lớn

Tại buổi tọa đàm, TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ- nhận định TQ là thị trường lớn đối với Việt Nam, trong đó ĐBSCL là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản có quan hệ thương mại thị phần lớn với TQ.

“3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu trái cây nước ta đạt trên 500 triệu USD thì có hơn 310 triệu USD xuất khẩu vào thị trường TQ. Các nông sản khác xuất vào thị trường nước này là: gạo chiếm 36%, tôm chiếm 11- 15%, riêng cá tra tăng mạnh trở thành dẫn đầu so với các thị trường khác”- TS. Võ Hùng Dũng cho biết. 

Chia sẻ thông tin về thực trạng xuất nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết, năm 2016 TQ là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 12,4% và nhập khẩu là 28,7%, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Trên lĩnh vực du lịch, theo ông Phan Đình Huê- Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, Việt Nam nằm trong tốp 10 điểm đến được ưa chuộng của khách TQ. Năm 2016, đón 2,7 triệu lượt, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng ĐBSCL chỉ có 2 địa phương có khách TQ là Tiền Giang và Phú Quốc (Kiên Giang).

“Đặc điểm khách TQ là thích du lịch giá rẻ, đi biển và sông, thích môi trường sạch, bởi du khách TQ cho biết các thành phố lớn của họ rất ô nhiễm.

Tất cả những điều này, các tỉnh- thành ĐBSCL hoàn toàn đáp ứng được. Và tôi cho rằng tương lai du khách TQ sẽ đến khu vực này nhiều hơn nên cần chuẩn bị để thích ứng phù hợp”- ông Phan Đình Huê cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ nhu cầu, thói quen của du khách TQ và xúc tiến du lịch với những tour bài bản, không làm méo mó thị trường và để lại nhiều hệ lụy cho những điểm du lịch.

Yêu cầu “đặt cọc” khi mua hàng

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên khi nhắc đến thị trường TQ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mang tâm lý e dè, thậm chí không có định hướng phát triển thị phần này, bởi những lý do chủ yếu là: dễ bị hủy hợp đồng, tính thanh khoản thấp hoặc bị lừa tiền,…

TS. Võ Hùng Dũng thừa nhận, thị trường này cũng có những rủi ro. Khi phía TQ không mua, lập tức các mặt hàng này dư thừa, ứ đọng.

“Gần đây khi Trung Quốc ngưng mua heo khiến giá giảm khủng khiếp. Trước đó một số mặt hàng như khoai lang, dưa hấu… cũng chịu tác động rất mạnh từ biến động thị trường này”- TS. Võ Hùng Dũng còn cho rằng:

“Việt Nam quá thiếu thông tin về thị trường TQ như thời vụ sản xuất, khả năng cung cấp ra thị trường... Chẳng hạn như đối với thịt heo, nếu có nhiều thông tin hơn thì giá heo đã không rớt thê thảm như hiện nay”.

ĐBSCL có thế mạnh nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
ĐBSCL có thế mạnh nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, kinh doanh mua bán nông sản Việt Nam và TQ rủi ro nhiều thời gian qua, nếu “để ý” sẽ thấy chủ yếu là thương lái TQ buôn bán nhỏ sang Việt Nam tìm hàng giá rẻ và không yêu cầu bất cứ kiểm định chất lượng nào.

Đến khi thu mua, nếu giá bán tại thị trường TQ cao thì họ hối giao hàng, nếu rớt giá họ sẽ bỏ mặc nhà cung cấp phía Việt Nam.

Đây chính là mặt trái của sự “dễ tính” từ thị trường TQ khi chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp, chiều theo bạn hàng mà không có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Để khai thác thị trường này một cách hiệu quả và bền vững, tránh những rủi ro trong giao dịch thương mại, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về luật pháp quốc tế, tìm hiểu văn hóa của đối tác.

Đặc biệt, khi xuất khẩu hàng hóa cần thông tin rõ về chất lượng, đề nghị một đơn vị trung gian kiểm soát, đánh giá chất lượng hàng hóa; hình thức thanh toán phải theo thông lệ quốc tế; cần có bộ phận nghiên cứu thị trường, nhằm nắm bắt những đặc tính, yêu cầu tiêu dùng của thị trường để khai thác có hiệu quả.

“Nhà nước cần ủng hộ và dành những chính sách ưu tiên cho các hiệp hội đầu tư và nghiên cứu thông tin, từ đó cung cấp thông tin đại trà cho các doanh nghiệp. Khi nắm bắt được thông tin, doanh nghiệp mới có cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm”- chuyên gia nêu giải pháp.

“Chưa bao giờ gặp trục trặc” trong suốt thời gian qua làm ăn với thị trường này, anh Phan Hoài Phong- đại diện Công ty Hương Miền Tây (Bến Tre) cho biết, là bởi công ty luôn yêu cầu phía đối tác thanh toán trước từ 20- 50% giá trị hợp đồng, hoặc chọn phương thức tín dụng chứng từ không hủy ngang;

cho phép bạn hàng cử người theo dõi, kiểm tra quy trình sản xuất của công ty; và phía công ty cũng phải cam kết đảm bảo hàng xuất đi đạt đúng chất lượng công bố với đối tác.

Do đó, việc yêu cầu “đặt cọc” là giải pháp nhằm giảm nguy cơ đối tác hủy ngang hợp đồng.

 

Năm 2017 ước có 10% khách du lịch TQ đến ĐBSCL, từ năm 2018 kỳ vọng từ 20% trở lên. Tuy nhiên, cần xúc tiến du lịch, tiếp thị sản phẩm đến hội chợ du lịch tại TQ và mời các hãng lữ hành TQ đến khảo sát.

 

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH