Sức lan tỏa mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

Cập nhật, 09:48, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đã được tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn nhiều.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đã được tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn nhiều.

Tuần trước (17/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng DN”, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Với tinh thần hành động của Thủ tướng “nói phải đi đôi với làm” và chỉ thị của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN được ký ngay sau đó, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng DN.

DN chờ đợi Chính phủ hành động quyết liệt hơn

Hội nghị năm nay được ví von như “Hội nghị Diên Hồng” Chính phủ với DN lần 2, bởi từ hội nghị này năm ngoái, cộng đồng DN chờ đợi những hành động, thông điệp mạnh mẽ hơn nữa của Thủ tướng để DN có nhiều năng lượng hơn, có nhiều cảm hứng hơn nhằm vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay và đồng hành cùng Chính phủ.

Ông Lê Minh Hoan- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- nói: “Tôi nghĩ là trong một năm qua, mặc dù còn nhiều việc chúng ta chưa hài lòng nhưng thấy được sự cố gắng của các bộ, ngành trung ương trong cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh- chúng ta đã có một khối lượng lớn hay nói một cách khác là khổng lồ”.

Trong báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh những kết quả đã đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể là, vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho DN. Điển hình có DN ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có DN ở địa phương khác bị thanh tra… 12 lần/năm.

Việc tiếp cận các nguồn lực của DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế, trong đó thủ tục cho vay phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà…

Nói về “Các chi phí của DN”, ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, hiệp hội hiểu rõ khó khăn của DN và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ rào cản cho DN.

Tuy nhiên, DN còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí. Chẳng hạn, trong các lĩnh vực mà DN thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… còn phải chi các khoản không chính thức.

Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. “Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN. Do đó, rất cần sự chung tay và thật tâm từ 2 phía là cơ quan nhà nước và DN”- ông Nguyễn Văn Thân nói.

 

 

Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến

 

Theo tôi thời gian gần đây, Nhà nước và Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đồng thời chia sẻ gút mắt, khó khăn của DN.

 

Thực tế, hoạt động của DN vẫn còn nhiều rào cản, còn nhiều chi phí “bôi trơn”, DN đụng đến đâu đều phải có chi phí không chính thức.

 

Vì thế, động thái mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và địa phương quyết liệt để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, để chấn chỉnh tình trạng thanh- kiểm tra chồng chéo gây phiền hà cho DN thể hiện sự quan tâm rất lớn đến cộng đồng DN.

“Món quà” của Thủ tướng

Từ góc độ DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng DN. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp “đến Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam”;

tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến”; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của DN... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc bảo rằng Chính phủ đã khởi động thành công “làn sóng cải cách lần thứ 2”. Nhắc lại món quà của Thủ tướng đối với DN ngay trước thềm hội nghị, đại diện DN Việt Nam cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các DN và hiệp hội, cùng với đề xuất từ phía VCCI, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chỉ thị 20/2017/CT-TTg về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như công an, thuế, thanh tra…

Đây là chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ và trình Thủ tướng Chính phủ, hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; trên tinh thần triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN tới năm 2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc ban hành Chỉ thị 20 nhằm khắc phục tình trạng thanh kiểm tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, mà theo phản ánh từ thực tiễn của nhiều DN. Điều này gây nhiều bức xúc cho DN, tăng gánh nặng chi phí và tốn kém thời gian, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

 

Ông Nguyễn Văn Thành- Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV

 

Theo dõi hội nghị Thủ tướng với DN từ năm 2016 và năm nay tôi thấy ý kiến phát biểu của DN không còn gay gắt, mà trên tinh thần cởi mở, xây dựng.

 

Việc Thủ tướng ký ngay Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm và những chủ trương hành động của Chính phủ rất được DN đồng tình.

 

Bởi nếu nay ông này mai ông kia tới thanh- kiểm tra, thì DN không còn sức đâu mà sản xuất kinh doanh.

 

Bài, ảnh: LÝ AN