Truyện ngắn: Bé Ốc tiêu

Cập nhật, 07:28, Chủ Nhật, 02/08/2020 (GMT+7)

VĂN HIẾN VĨNH

 (Phần tiếp theo và hết)

Sau bao vất vả, rồi cũng về đến nhà. Lúc này mưa nặng hạt hơn, lại tới giờ đưa hai đứa lớn đi học. Tôi nhìn trời, ngán ngẫm nói với vợ:

- Trời mưa, cho tụi nó nghỉ học tối nay đi.

Nhưng vợ không chịu, bắt phải đi học. Bé Ốc tiêu hỏi:

- Hai đứa đi có thuận đường không?

- Chung đường được một đoạn, sau đó phải chạy ngược lại đường khác để đưa đứa thứ hai.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Bé Ốc tiêu nói: “Vậy thì để em chở cho một đứa.”

Tôi vội từ chối: “Nhờ vả em từ chiều tới giờ nhiều rồi. Em về đi, cô Ba đang trông”.

Rồi tôi vội chở hai đứa con lao ra màn mưa. Một ngày, một đêm đầy sóng gió rồi cũng qua. Sáng hôm sau, thằng con tương đối khỏe lại, húp được miếng cháo rồi đi học. Trưa về, tôi ghé tiệm thuốc tây trả tiền thuốc, không quên nói lời cám ơn và mua tặng bé Ốc tiêu bịch kẹo. Bé vui vẻ nhận quà, cười chúm chím lúm đồng tiền.

Chỉ quen biết nhau qua mua thuốc, vậy mà nhỏ giúp tôi chăm sóc con cái chu đáo. Hôm vợ bệnh, con bệnh, không có nhỏ chắc tôi mệt lắm. Vài hôm sau bỗng dưng nhỏ mời tôi về quê dự đám giỗ ông nội, nhà ở tận huyện Trà Ôn. Từ đây đến đó đâu có gần, đi về mất đứt một ngày. Tôi đang do dự thì vợ động viên:

- Nhỏ đó thấy coi bộ được, hôm rồi em với con bị bệnh cũng nhờ nó giúp. Nó có lòng mời thì đi cho nó vui. Anh đừng món mén, đừng trổ mòi là được.

Tôi cười thầm trong bụng, anh là thằng đàng hoàng nhất trong đám lộn xộn, có gì sợ mà dặn dò. Tôi nhận lời mời, nhỏ liền phân công: “Em đi trước một ngày. Sáng chủ nhật anh chở cô Ba đi nghen.” Tôi gật đầu cái rụp. Trưa thứ bảy, nhỏ gọi điện thoại nói: “Kế hoạch thay đổi rồi. Cô Ba đi về trước. Sáng chủ nhật anh chở em nghen, sáng đi chiều về. Đừng từ chối à nghen”. Tôi ờ ờ nhận lệnh mới của nàng Út.

Sáng chủ nhật, mặt trời vừa mở mắt, tôi chạy xe đến hiệu thuốc tây rước Ốc tiêu đi. Trên đường, trời nắng dịu, thật thuận tiện cho một chuyến đi về quê của… người ta.

Ốc tiêu có vẻ rất vui khi được tôi chở. Em huyên thuyên kể chuyện dưới quê. Đến mấy chỗ đường dằn xốc, em ôm tôi. Một cảm giác êm dịu nhẹ nhàng làm tôi lâng lâng, rung cảm. Nhưng rồi tôi lại giật mình, lỡ ai nhìn thấy cảnh này rồi nói với vợ thì phiền phức lắm.

Tôi định kêu em đừng ôm nữa, nhưng kịp kềm lại. Không lẽ mình vô duyên vậy sao, Vân coi mình như anh, như chú nên mới tự nhiên như vậy, còn mình lại sợ. Thôi, không nói gì hết, đoạn đường này không dễ gì gặp người quen đâu mà sợ, mà lo.

Nhà nội của Ốc tiêu ở bên cồn, tới chợ Trà Ôn phải chịu khó qua một chuyến phà. Lâu ngày không có dịp lênh đênh giữa trời mây sông nước, tôi bồi hồi rung cảm. Tôi chợt nhớ đến mấy đứa con ở nhà.

May là hôm nay mấy đứa nhỏ đều khỏe, nếu bệnh như thằng nhí hôm rồi thì chắc là bể kế hoạch, Ốc tiêu phải về quê một mình, buồn lắm. Nhà nội của Vân ở ven sông, đến nơi tôi nhanh chóng hòa vào gia đình như đã từng sống ở đây. Vân thay bộ đồ bà ba, nhìn vừa lạ vừa đẹp, ra dáng một cô thôn nữ, lại càng giống nàng Út ống tre.

Tôi buộc miệng kêu: “Nàng Út ơi nàng Út! ” Tôi với Ốc tiêu được phân công ôm củi từ sau hè vô nhà bếp, nổi lửa bếp thứ hai. Nghe cô bé nói chuyện với tôi cứ xưng anh anh, em em, có người trố mắt nhìn lạ lẫm. Tôi tinh ý, khều Ốc tiêu ra ngoài nói nhỏ: “Về đây cứ kêu anh bằng chú, khi nào không có ai thì y như cũ”. Ốc tiêu cười gật gật đầu: “Con biết rồi chú anh ơi”.

Cô Ba nhờ người nạo dừa, thấy ai có việc nấy nên tôi xung phong làm. Ốc tiêu ngạc nhiên nhìn tôi:

- Anh cũng biết… Ủa… chú cũng biết nạo dừa nữa sao?

- Sao không biết, hồi nhỏ chú sống ở xứ dừa Bến Tre chứ bộ.

Tốc độ nạo dừa của tôi làm ai có mặt cũng kinh ngạc, bốn trái dừa, tức là tám miếng, tôi chỉ nạo trong khoảng mười hai phút là xong. Hai tay tôi nhanh thoăn thoắt, nạo chính xác từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, miếng dừa cứ cạn dần đều.

Cô Ba hỏi có nghề hồi nào mà nạo nhanh vậy. Tôi nói hồi nhỏ có thời gian ở nhà bà ngoại, ngoại bán xôi hấp với nước cốt dừa, giúp ngoại nạo dừa riết rồi quen. Còn Bé Ốc tiêu thì phục lăn tài nạo dừa của tôi. Nạo dừa xong, cô bé kéo tôi ra bờ vườn hái rau. Vườn cây tạp ven sông cái, có nhiều loại rau mọc tự nhiên như rau om, nhãn lồng, diếp cá, càng cua, rau má, cải trời… Rau nào cũng ngon, cũng bổ. Ốc tiêu nói:

- Mấy loại rau này đều có tác dụng trị bệnh đó.

Một mảnh vườn trồng toàn cây thuốc Nam, có cây trồng dưới đất, cây trong chậu, sắp xếp khá đẹp mắt và tươm tất, chứng tỏ chủ nhân của nó chắc mê cây thuốc lắm. Ốc tiêu vừa chỉ vừa nói:

- Đây là cây kim ngân, mỏ quạ, cà gai leo; đây là cam thảo đất, cỏ nhọ nồi, cỏ tranh…

- Còn đây là tía tô, gừng, hẹ, rẽ quạt, đinh lăng, đinh hương, rau cần… (nhỏ nói một hơi). Mấy loại cây này trị được cảm, viêm họng, thanh nhiệt, đau nhức cơ, xương khớp... đó. Trong điều trị bệnh, mình phải biết kết hợp giữa Đông y với Tây y. Anh biết không?

- Em biết rồi chị. Chị mở miệng ra thì nói toàn là thuốc.

- Chị của em làm ở Trạm Y tế xã, vườn thuốc nam này chỉ trồng và chăm bón để hỗ trợ vườn thuốc của Trạm Y tế. Ai cần cứ đến xin. Lá xông hơi khi bị cảm, cúm, sổ mũi… thì đủ cả, không ở đâu thơm ngon bằng ở đây.

Tôi cười cười:

- Anh có thấy lá gì đâu?

- Anh nhìn kìa. Lá bưởi, lá chanh, lá khuynh diệp; gần chỗ anh là mấy bụi sả, bụi gừng, bên trái là ngải cứu, bạc hà... Xông hơi chỉ cần vài loại thôi là đã thơm nức mũi, nói gì cả một vườn.

Ốc tiêu có vẻ hồ hởi khi nói đến vườn thuốc. Nghề thuốc dường như đã thấm vào máu của nàng. Ốc tiêu rủ rê:

- Bây giờ mình ra bờ sông ngồi hóng mát chút đi, chuyện bếp núc có mấy cô mấy dì lo hết rồi, chỉ còn dọn lên cúng nữa là xong.

Tôi nghe theo như cái máy. Lâu lắm rồi mới tận hưởng được cảnh đồng quê thôn dã, sông nước hữu tình, không hưởng ứng sao được. Sướng nhất là được ngồi bên cạnh một “nhân vật” trong truyện cổ tích.

Ốc tiêu ngồi tựa sát bên tôi trên bãi cỏ mịn. Gió sông mát rượi, cứ kéo đùa tóc Ốc tiêu ôm qua người; tôi lâng lâng, bồi hồi một cảm giác lạ. Bây giờ thì Ốc tiêu không nói về cây thuốc nữa, em kể chuyện những ngày thơ ấu sống ở quê. Con sông này nhìn qua bên kia là Hậu Giang, gắn bó với cô từ nhỏ, biết bao kỷ niệm vui buồn gắn với dòng sông, bờ đất…

- Hồi nhỏ, anh cũng có một thời gian sống ở quê ngoại, cạnh dòng sông như quê nội của em. Em làm anh nhớ về quê ngoại.

Tôi với Ốc tiêu quên mất chuyện đám giỗ, nhắc chuyện xưa rồi chuyện nay; đến khi có người chạy ra kêu mới giật mình, lật đật hái đầy rổ rau rồi đi nhanh về nhà. Việc cúng kiếng đã xong, tôi phụ dọn thức ăn ra bàn.

Một ngày theo Ốc tiêu về quê qua nhanh, đến chiều tôi chở em về. Đêm đó, dòng sông, vóc dáng và suối tóc của Ốc tiêu theo tôi vào giấc ngủ.

***

Sau ngày về quê Ốc tiêu khoảng một tháng, hôm đó tôi ghé hiệu thuốc mua vài loại thông dụng. Người bán là cô Ba, cô đưa cho tôi một bao thơ:

- Con Vân về quê rồi, nó gởi cho cậu
lá thơ.

Tôi giật mình, mà cũng vô cùng hồi hộp. Không biết chuyện gì mà Vân lại gởi thơ, sao không hẹn ra quán nước hoặc miếng vườn nhỏ phía sau nhà cô Ba tiện hơn. Mang thơ về nhà, tôi không dám đọc liền, nén lòng chờ đến tối cho vợ con đi ngủ rồi mới đọc. Chữ viết nắn nót của Vân hiện ra trước mắt:

“Anh thân yêu, chuyện gấp quá nên em không gặp riêng anh được, thức đêm viết vội lá thơ gửi anh. Khoảng mấy năm nay, em có quen một bạn trai tên Dũng, quê cũng ở Trà Ôn. Anh ấy rất thương em và có đôi lần ngỏ lời cưới em.

Nhưng em chỉ xem Dũng là người anh, người bạn; vả lại em cũng chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Mấy năm trước, gia đình em có khó khăn, anh ấy là người giúp đỡ rất nhiều. Cha mẹ em ai cũng thích anh Dũng và đốc em nhận lời.

Em đã suy nghĩ đắn đo gần hai năm nay. Tính tình của ảnh em không rõ. Anh có thể góp ý cho em được không. Vài hôm nữa em tạo điều kiện để anh gặp Dũng, như tình cờ hai người gặp nhau trong tiệc nhậu, qua đó nói chuyện tìm hiểu.

Thường thì khi nhậu vô, tính tình tốt xấu lộ ra hết. Em thấy mấy đứa bạn, có đứa lập gia đình, gặp thằng chồng khó khăn, hung dữ, nó sống không hạnh phúc nên em rất sợ. Chẳng thà em ở vậy, lo cho mẹ cho cha còn hơn.

Từ ngày quen anh tới giờ, em phát hiện trong cách nói năng, trong cách làm việc và tính tình của anh với Dũng có nhiều điểm na ná nhau. Điều này làm cho em an tâm phần nào. Qua hình bóng của anh, em tìm ra tính cách của Dũng, như một bản sao.

Anh giúp em bằng cách đó để em an tâm trước khi quyết định vì cha mẹ kêu em về cũng để bàn chuyện này. Em không dám từ chối nên sẽ tìm cách hoãn binh.”

Tôi bật ngật, ngỡ ngàng khi đọc lá thơ. Bé Ốc tiêu nhờ mình một chuyện quan trọng như vậy sao. Tôi sẽ làm theo ý em với niềm mong mỏi là em được hạnh phúc. Hạnh phúc của Ốc tiêu cũng là hạnh phúc của tôi, vì tôi rất thương Vân.

Y như kế hoạch trong thơ, chỉ trong một tháng, tôi có ba lần đối ẩm với Dũng. Một lần qua trung gian của một người bạn vừa biết Ốc tiêu, vừa biết Dũng, buổi tiệc có bốn người; hai lần tại quán cóc chỉ có tôi với Dũng.

Ốc tiêu giới thiệu tôi là anh bà con nên Dũng rất nể trọng. Những câu chuyện thân tình, những câu hỏi dường như bâng quơ nhưng để dò xét và tìm hiểu, tôi đã biết phần nào về Dũng. Dũng hiện là bác sĩ chuyên khoa 1 ở bệnh viện huyện và có phòng khám bệnh riêng. Hai người đều trong ngành y thì cũng rất thuận lợi trong công việc. Tính tình của Dũng cũng không khác gì tôi.

Dũng cực khổ từ nhỏ, phấn đấu lắm mới học xong bác sĩ. Dũng tính tình hiền lành, chịu siêng chịu khó, hay mủi lòng trước những cảnh đời ngặt nghèo. Dũng có nhiều ưu điểm hơn tôi, thí dụ như trong sắp xếp, tính toán công việc, trong giao lưu, giao tiếp,… Ốc tiêu đã có nhận xét khá đúng.

Một buổi tối, tôi hẹn Ốc tiêu ra mảnh vườn nhỏ phía sau nhà cô Ba. Ánh sáng từ trong nhà hắt ra sáng lung linh qua những tàng cây đẹp huyền dịu. Hai người ngồi trên băng đá rù rì tâm sự. Tôi chậm rãi nói hết những suy nghĩ, những nhận xét của mình về Dũng, rồi kết lại:

- Anh nhận xét sơ bộ như vậy, còn tính tình của Dũng như thế nào thì có khi sống chung một thời gian mới biết hết. Dũng có nhiều điểm vượt hơn anh. Anh nói chung như vậy, quyết định là việc của em.

Nghe tôi nói, Ốc tiêu mừng rỡ rồi đột nhiên ôm chầm lấy tôi:

- Cám ơn anh nhiều. Anh nhận xét cũng giống như em. Em sẽ nhận lời của Dũng để Dũng vui mà cha mẹ em cũng vui.

Tôi bối rối, nhưng đầy rung cảm, ngồi yên không biết phản ứng sao, vòng tay của Ốc tiêu càng lúc càng xiết chặt. Đây là lần thứ hai Ốc tiêu ôm tôi, ôm một cách tự nhiên như ôm người thân thiết trong cuộc đời. Lát sau, em hôn vào mặt tôi một cái rồi mới chịu buông ra. Chờ cho sự rung cảm lắng xuống, tôi nói:

- Anh hy vọng mà cũng tin rằng em sẽ hạnh phúc khi lấy Dũng.

- Nhưng mà, khi em có chồng rồi thì anh cũng đừng quên em à nghen. Anh là người anh tinh thần của em nghen!

Tôi cười:

- Vậy thì anh với em ngoéo tay để hứa không ai quên ai.

Cái ngoéo tay đơn giản, nhưng được giữ chặt cho đến lúc tôi về.

Sau đêm “hẹn hò” đó, không đầy một năm sau thì đám cưới Ốc tiêu và Dũng được tổ chức. Ngày đầu tôi dự bên nhà Ốc tiêu, ngày sau tôi đi đưa dâu sang nhà Dũng. Trong ngày cưới, nhìn em hạnh phúc, tôi tràn ngập niềm vui; nhưng cũng bồi hồi, hụt hẫng như mất đi cái gì quý giá.

Thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt của Ốc tiêu nhìn mình; tôi đọc được niềm vui trong mắt em, nhưng cũng thấy dường như ẩn chứa bên trong một cái gì đó na ná như tâm trạng của tôi. Dù gì đi nữa, tôi cũng sẽ giúp em như giúp một người em gái bé bỏng đến trọn đời mỗi khi có việc cần. Chúc bé Ốc tiêu trăm năm hạnh phúc.