Truyện ngắn: Ông Già Hoa

Cập nhật, 20:40, Thứ Bảy, 20/01/2018 (GMT+7)

NHẬT HỒNG

Người đàn ông cặm cụi xới đất trồng hoa, bất chấp trời mưa hay nắng. Khi mệt ông vô căn chòi nghỉ ngơi hoặc ăn cái gì đó, chẳng hạn như khoai mì, khoai lang hay có khi là ổ bánh mì khô cứng.

Ông nuốt vội kèm theo ngụm trà là xong rồi tiếp tục công việc của mình một cách say mê. Cuộc sống ông ta khép kín, chỉ quanh quẩn trên miếng đất rẫy. Tối, ông ngủ sớm, không la cà quán xá, dù quán cà phê chỉ cách vài chục bước.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Ông rất ít đi chợ. Mỗi lần đi chợ cứ như dân miền núi, ông mua số vật dụng cần thiết để dùng cả tuần, như: gạo, muối, cá, khô…

Khi ông đến đây, khu đất ngoại ô thành phố này còn hoang địa không có nhà ai. Ông khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa hồng, cúc, vạn thọ.

Sản phẩm làm ra ông đem bán, lâu ngày có mối người ta đến mua, nhất là những ngày rằm, ba mươi người ta đến hốt hàng. Hoa của ông trồng rất đẹp, màu sắc tươi hơn của người khác nên rất đắt hàng. Người ta thấy ông chuyên trồng nhiều loại hoa nên gắn cho cái tên “Ông Già Hoa”.

Chẳng bao lâu khu đất hoang biến thành xóm hoa đông đúc. Xóm hoa nhanh chóng ồn ào vì cách thành phố vài cây số có địa thế rất thuận lợi cho việc mua bán. Những buổi chiều, trai gái kéo đến đây xem hoa và chụp hình lưu niệm. Xóm hoa thêm khởi sắc.

Xóm hoa dần được khoa học kỹ thuật thâm nhập và sản xuất nhiều loại hoa, có loại từ nước ngoài du nhập. Hoa tươi có bốn mùa được chăm bón theo lối thủ công. Ông Già Hoa vẫn đầu trần chân đất ngày ngày với nắng, với mưa. Thấy ông có vẻ bí ẩn, một vài người thăm hỏi chia sẻ. Nhưng ông ít nói về quá khứ đời mình, luôn miệng câu: “Nợ với hoa”.

- Trồng hoa để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, ai bắt buộc ông trồng mà gọi là nợ?- người lối xóm đặt câu hỏi như vậy với ông.

Ông Già Hoa cười:

- Ai mà bắt buộc ai, tại tôi tự nguyện thôi. Tôi trồng cũng vừa vì miếng cơm manh áo mà cũng vừa là để trả nợ. Món nợ với một người mà suốt đời này tôi khó mà trả cho dứt.

Nghe như nỗi niềm tâm sự gì đó sâu kín nên người ta không hỏi thêm. Nhưng bất chợt những buổi chiều hoặc tối, người lân cận thấy ông Già Hoa buồn suy tư, như bị điều gì đó ám ảnh làm ray rứt trong lòng mà không thể giãi bày.

Ông buồn cho quá khứ hay buồn thân phận không ai biết, nhưng hiện tại thấy ông nâng niu những nụ hoa cúc vàng vừa hàm tiếu như gửi gắm điều gì.

Ông săm soi, ngắm nghía, thưởng thức một cách đắc ý. Sự vui mừng ánh lên trong đôi mắt một cách thỏa mãn, chừng như ông đồng cảm với hoa. Đôi lúc ông tâm sự với dân trong nghề:

- Cái thế giới thực vật, cho dù là cây cỏ cũng có linh hồn, nhất là loài hoa rất nhạy cảm, biết cảm nhận được từng tia nắng nhỏ xíu của mặt trời, biết lay động khi có cơn gió mơn man trên nhánh lá, biết giữ những giọt sương mong manh dính trên thân cho đến khi mặt trời nhô lên cao.

Những buổi tối, hoa tỏa hương thơm thoang thoảng, hồn hoa nương theo đó mà đến với người. Hồn hoa tinh khiết làm cho con người trân trọng.

Ông Già Hoa giãi bày một cách say mê, người nghe cũng thấy hay hay. Cũng nhận thấy hoa có hồn, và bắt đầu cảm nhận về thế giới của hoa một cách ưu ái hơn chớ không như trước xem hoa là loài cỏ vô tri.

Gió đông về se lạnh, khu vườn hoa rộn rịp chuẩn bị cho mùa hoa đón tết. Riêng vườn hoa của ông Già Hoa năm nay có thêm các loài hoa hồng mới giống từ Đà Lạt và cúc đại đóa- loại cúc vàng khi nở bung to và có màu sắc vàng rực rỡ.

Ông nói với dân trong nghề: “Mỗi loại hoa có màu sắc, hương thơm và sự quyến rũ khác nhau. Riêng tôi, vẫn thủy chung với loài hoa cúc vàng. Từ khi khởi nghiệp trồng hoa cho tới giờ, năm nào tôi cũng có cúc vàng trong vườn”. Đặc biệt, người ta thấy trên bàn khách thường có lọ hoa cúc vàng. Cúc vàng đối với ông là một kỷ niệm. Ông nói:

- Ngày xưa, mối tình đầu tiên của tôi với cô sinh viên cùng khóa tên Hoa. Chúng tôi yêu nhau tha thiết (một thời… “áo nàng vàng. Anh về thương hoa cúc”), nguyện với nhau sẽ nên chồng vợ.

Nhưng sự đời trớ trêu, gia đình buộc tôi phải cưới cô gái khác. Hoa nghe tôi có vợ và cứ chờ cứ đợi. Tôi nghe được rất khổ sở, cảm thấy đời này tôi nợ cô ấy một món nợ, không có cách nào trả được.

Nhiều người nói: Nợ gì trả cũng được nhưng nợ tình khó mà trả được! Tôi cố quên lại càng nhớ, quá khứ hiện về, ngày một mãnh liệt hơn, và luôn thấy mình có lỗi với em. Hối hận cho sự sai lầm của tôi là không mạnh dạn cương quyết bày tỏ với gia đình.

Nếu như tôi cương quyết sẽ khác hơn thì bây giờ không cứ đau thầm lặng. Ký ức cứ luôn hiện về giày vò ngày thêm khổ sở. Quá khứ đã làm thực tại cuộc sống của tôi với vợ là một nghĩa vụ.

Ông nói với vợ:

- Ở nhà tù túng, anh ra ngoại ô cất căn chòi nhỏ trồng hoa vui với tuổi già.

Vợ ông biết và cảm thông, nói:

- Thôi thì cho ông được thanh thản với ý nghĩ của mình.

Người lân cận chia sẻ:

- Tôi thấy trong sự việc này đâu có tội lỗi gì lớn lao mà ông anh phải ray rứt đến như vậy! Ông chưa phụ tình bỏ rơi Hoa, đây coi như là tại số phận, có duyên mà không nợ thôi. Tại sao ông phải giày vò tự làm khổ mình đến vậy!

Tôi thấy, ở đời đôi lúc con người đối mặt với những điều lỗi lầm nghiêm trọng gấp chục lần như thế mà người ta vẫn sống ung dung coi như không có gì xảy ra.

Ông hãy nghe lời tôi, sau cơn say này ông bình tĩnh lại, sống thực với hiện tại của ông là với vợ và đứa con ngoan trong mái nhà yên ấm. Ông đang ở trong sự hạnh phúc nhứt mà ông không cảm nhận được, ôm chi cái quá khứ đau buồn không đáng ấy!

Ông Già Hoa chia sẻ:

- Ừ, giờ tôi đã cho qua rồi! Từ khi tôi ra đây trồng hoa, tôi đã thay đổi ý niệm của cuộc đời. Buổi đầu tôi ra đây với ý định trồng hoa cho thanh thản tâm hồn với Hoa, nhưng về sau hoa đã quyến rũ lấy tôi.

Hồn hoa đã quấn lấy tôi, không dứt ra được! Không riêng tôi, mà hầu hết những người trồng hoa kiểng, ngoài việc tăng thu nhập gia đình bên cạnh đó còn có sự yêu thích hoa.

Cái nghề có sự đam mê dứt ra không được! Thời gian cực nhọc với nắng với sương, để hy vọng, để chờ đợi những búp xanh nhu nhú của hoa, rồi theo nắng sương hoa nở. Những sáng sớm mùi hoa thơm dịu dàng lan tỏa, mỗi loại hoa mỗi mùi hương làm cho lòng người ngây ngất, quên đi cực nhọc.

Chưa hết đâu, mỗi lần chợ tết, người bán trao cho khách một chậu hoa là muôn chút tình gửi gắm theo.

Thấy hoa được trưng bày trong phòng khách, trong bàn thờ ông bà của ai đó, thấy lòng vui vui. Niềm vui như chính mình được góp phần đem niềm vui với tết, với người. Mỗi năm mỗi một mùa hoa, cho mùa xuân nhân gian mãi mãi tươi đẹp!

Giờ với tôi, hoa đã thoát ra cái ý nghĩa thương nhớ hoài niệm vu vơ, mà nó đã thành một ý niệm tích cực có ý nghĩa với sự sum vầy, sự hạnh phúc với nhân gian.

Cuộc sống con người luôn biến động với áo cơm với sự nghiệp, vậy cho nên ngày qua ngày rất bận rộn, tất bật chạy đua, đeo đuổi ước mơ của mình, chợt thấy hoa tết, giật mình đã qua hết một năm.

Ở đời, có người may mắn được thành công, không ít người thất bại, do vậy nên nghèo, giàu, sang hèn lẫn lộn, chỉ có hoa mới chia sẻ, đem lại được niềm vui chung với mọi người.

Câu nói của ông Già Hoa, nghe hay hay, nên xóm trồng hoa cảm thấy rất mến thương ông.

Ngày cuối năm, sau việc mua bán xong xuôi mùa hoa tết, lời ít hay nhiều thì ông Già Hoa cũng không để ý tới. Ông dành ít thời gian đi ra chợ hoa, nhìn những chậu hoa rực rỡ trên tay người, trên xe, trên ghe xuồng được người mang đi khắp muôn nơi. Lòng vui, ông nheo đôi mắt, thầm nghĩ: “hoa đã hòa nhập với mùa xuân”.

Ông Già Hoa cảm thấy mình hạnh phúc, trẻ lại tuổi đôi mươi.