Truyện ngắn: Người nông dân già

Cập nhật, 22:08, Thứ Bảy, 13/01/2018 (GMT+7)

MINH ĐIỀN

Mặt trời đã lên cao, vậy mà, sân nhà ông Tư vẫn mát rượi. Bóng cây nhãn bao trùm xuống cả không gian rộng lớn.

Khác với mọi hôm, vào giờ này, ông Tư cùng với những người bạn già hàng xóm ngồi dưới bóng nhãn khề khà bên ấm trà kể chuyện làng chuyện xóm, chuyện ngày xưa ông đào hầm để nuôi chứa cách mạng như thế nào, những chuyện cũ rích như vậy ngày nào cũng kể đi kể lại mà ông không thấy chán.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Hôm nay, đã xế trưa rồi mà ông Tư mình trần đầu đội chiếc khăn rằn hì hục hết cưa đẽo, rồi lại đóng. Thấy vậy, bà Tư ra đứng trước cửa gọi ông Tư vô ăn cơm. Bà càm ràm:

- Từ sáng sớm ông đi đâu rồi, về không vào ăn cơm mà làm cái gì không biết?

Ông Tư trả lời:

- Thì tôi đi họp tổ tự quản chứ có đi chơi đâu! Cuộc họp hôm nay có chỉ thị ngoài Ủy ban xã là mọi nhà phải treo ảnh Hồ Chủ tịch nơi trang trọng nhất trong nhà. Rồi còn phải học tập theo tấm gương đạo đức của Cụ. Bây giờ, tôi phải tranh thủ thực hiện trước để nêu gương cho bà con trong tổ làm theo chớ!

Ông Tư chẳng thèm để ý bà Tư nói gì nữa, mà tiếp tục thực hiện công việc của mình. Dường như chờ đợi hơi lâu, bà Tư lại hối:

- Thôi nghỉ tay ăn cơm rồi hãy làm tiếp. Người ta phát động làm việc gì cũng cho có thời gian thực hiện chớ!

Ông Tư vẫn chưa ngơi tay, trả lời bà Tư:

- Đành là vậy, nhưng gia đình mình là gia đình cách mạng. Trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, phải gương mẫu thực hiện việc cách mạng trước.

Nghe ông Tư nói vậy, bà Tư không nói gì thêm, vào nhà bưng dĩa khoai lang nấu vẫn còn nóng hôi hổi, rồi bà châm luôn bình nước trà đem để trên cái bàn đá quen thuộc dưới bóng cây nhãn cho ông Tư. Còn mình thì bắc cái ghế ngồi xem ông Tư đóng cái khuông ảnh Cụ Hồ.

Nhìn mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng còng của ông, bà nhớ lại cách đây mấy mươi năm, ông Tư cũng nhiều lần suốt đêm không ngủ để đào hầm nuôi chứa cách mạng. Đồn giặc thì đóng sát một bên, cứ chừng ba mươi phút lại có lính tuần tra đi ngang.

Bà Tư cũng thức cùng ông canh đường. Hễ có động tịnh gì thì ra hiệu cho ông Tư. Mỗi lần như vậy, bà lo sợ đến phát sốt, người xanh xao vàng vọt. Vậy mà, ông còn nhận thêm công việc giao liên giữa những nơi trong xóm này nữa chớ.

Việc gì của cách mạng ông đều hăng hái như vậy. Nghĩ đến đây bà Tư nhìn vết sẹo vẫn còn sâu hóm bên hông của ông. Nhớ hồi năm ấy, tên Việt gian phản bội tổ chức cách mạng ra đầu hàng giặc.

Hắn dẫn lính đi bắt tất cả những người nuôi chứa cán bộ cách mạng trong xóm. Lúc ông Tư còn làm giao liên có mấy lần gặp hắn, nên ông cũng bị bắt.

Chúng đã đánh ông đến gãy mấy cái be sườn nhưng ông nhất quyết không khai lời nào. Cuối cùng không khai thác ở ông được điều gì, chúng liền thả ông Tư về. Vậy mà, mấy mươi năm sau, lòng nhiệt tình cách mạng trong ông Tư vẫn không hề suy giảm.

Cái khuông ảnh vừa đóng xong, ông Tư lồng bức ảnh vào khuông giơ lên cao ngắm nghía cẩn thận, mới treo chính giữa căn nhà. Rồi ông ra ngoài sân sắp xếp mấy chậu kiểng, treo lại mấy giò phong lan. Vừa lúc ấy, mấy người bạn già cũng tới. Thấy ông Tư đang lúi húi ngoài sân, có người hỏi:

- Làm gì giữa trời trưa nắng chang chang lại ra ngoài sân ngắm kiểng?

Ông Tư trả lời:

- Mình đang thực hiện chỉ thị làm theo tấm gương của ông Cụ đó chớ! Hồi sáng họp tổ tự quản các cháu ngoài Ủy ban vô dự họp triển khai chuyện học tập và làm theo đạo đức của Cụ Hồ.

Các cháu ấy bảo rằng, phải học tập Cụ Hồ từ việc nhỏ nhất, dễ nhất. Tôi thiết nghĩ Cụ Hồ rất yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên.

Việc này thì dễ làm theo Cụ rồi. Trước nhất để tâm hồn mình thư thái thoải mái, chan hòa với thiên nhiên, không cáu gắt với con cháu, với hàng xóm láng giềng, sau đó là để làm cho nhà cửa mình xanh- sạch- đẹp.

Một người trong số họ buột miệng thốt:

- Trời! Việc như vậy mà ông cũng nghĩ ra. Hồi sáng dự họp về đến bây giờ, nằm suy nghĩ hoài, tôi không biết bắt đầu làm theo Cụ Hồ từ việc gì trước đây!

Rồi ông Tư mời họ vào trong ghế giữa nhà, cất tiếng gọi bà Tư mang giùm ông dĩa khoai lang và bình trà vào. Một người phàn nàn:

- Trời nắng như thế này, sao không ở dưới bóng cây cho nó mát mẻ, mà vào trong ấy, lại còn uống nước trà nóng nữa, chịu sao nổi?

Ông Tư chưa trả lời vội, chờ khi họ ngồi đâu vào đấy, ông chỉ lên khuông ảnh Cụ Hồ vừa mới treo rồi hỏi:

- Mấy ông thấy tôi treo tấm ảnh của ông Cụ như thế này có được trang trọng chưa?

Một người bình phẩm:

- Không phải là thợ mộc mà cũng làm khéo dữ ta! Mai mốt có ở không, đóng tặng tụi này mỗi người một khung coi. Nhớ hồi mới giải phóng, không ai phát động nhưng mình đã từng treo như thế này rồi phải không anh Tư?

Ông Tư vui vẻ nhận lời và tỏ vẻ đồng tình:

- Ừ! Lúc đó chúng ta treo ảnh của Cụ vì lòng yêu mến và kính phục Cụ thật sự đó chớ.

Từ hồi họp tổ nghe triển khai các chỉ thị, ngày nào ông Tư cũng kiếm việc làm để thực hiện làm theo lời Cụ Hồ. Có hôm, ông kiểm tra lại các cây cầu trong xóm ấp xem có miếng ván nào long đinh thì đóng lại cẩn thận. Có hôm ông buộc lại tay vịn cầu, lấp lại cái ổ gà trên đường đan.

Ông Tư còn biết những bài thuốc gia truyền về sơ cấp cứu bị rắn cắn hay gãy tay, gãy giò… Có khi nửa đêm đang ngủ, có người bệnh gọi ông dậy nhờ giúp, ông tất tả đi ngay. Thấy thế, bà Tư càm ràm thì ông trả lời:

- Phải thực hiện lời Cụ Hồ dạy “Lương y như từ mẫu” chớ! Vả lại người ta cần đến mình mới tìm, vậy sao ta không sẵn lòng giúp họ?

Một năm trôi qua, những việc làm của ông Tư, tuy âm thầm nhưng được mọi người ghi nhận và khen ngợi rất nhiều.

Sáng nay, trong hội nghị tổng kết của Hội Người cao tuổi ở ấp, ông Tư được biểu dương “Sống có ích, nhiệt tình cách mạng cao, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho con cháu noi theo”.

Ông Tư vui mừng ra mặt, thử coi mấy người nhiều chuyện ở xóm này có còn chê ông là “người lo chuyện bao đồng” nữa không! Lúc ông Tư cầm tấm bằng khen ra về với vẻ mặt vô cùng hớn hở thì thấy mọi người tụ tập rất đông. Ông chen chân bước vào. Gặp người quen ông hỏi:

- Mọi người xem cái gì mà đông thế?

Một người trong số họ trả lời:

- Hồi hôm, bọn trộm đã cắt mất đường dây điện của xóm mình rồi ông Tư ơi!

Ông Tư lấy bàn tay che lên trán, ngước lên nhìn đường dây điện bị cắt một đoạn khá dài. Ông chửi phỏng:

- Mấy đứa trẻ bây giờ không chịu ăn học, cứ tụ tập rượu chè, rồi phá làng phá xóm đây chớ gì! Vậy, có người nào đi báo công an chưa?

Họ trả lời:

- Báo rồi!

Ông Tư mới dự định ra về thì thấy một người hớt hải chạy tới báo:

- Ông Tư ơi! Thằng Tèo- cháu nội ông- bị công an bắt rồi!

Ông Tư xám mặt hỏi:

- Tại sao lại… bị… bị bắt?

Người ấy vẫn còn thở hổn hển nói:

- Nghe nói công an nghi nó ăn cắp dây điện.

Ông Tư không hỏi thêm câu nào nữa cứ đi thẳng về nhà. Vừa về đến nhà, ông hỏi bà Tư:

- Thằng Hai đâu rồi?

Bà Tư trả lời:

- Nó đang ăn cơm sau nhà bếp!

Ông Tư quát:

- Không cơm, không nước gì nữa hết. Kêu nó ra ngoài công an xã coi tình hình như thế nào về báo cho tôi biết.

Bà Tư hỏi:

- Có chuyện gì hả ông?

Ông Tư trả lời:

- Nghe nói thằng Tèo ăn cắp dây điện bị công an bắt rồi. Bảo với nó nếu thật sự thằng Tèo ăn cắp thì đăng ký cho nó đi trại giáo dưỡng luôn nghe chưa! Phải “Chí công vô tư” như lời Cụ Hồ dạy, không được xin cho nó.

Nghe nói, con trai của ông Tư hớt hải chạy ra ngoài công an xã. Ở nhà, ông Tư nằm vật ra giường. Mặc cho bà Tư hỏi han, ông cũng không trả lời.

Trong đầu ông, biết bao suy nghĩ: “Chẳng lẽ thằng Tèo lại dám làm như vậy? Thường ngày ông vẫn thấy nó ngoan lắm mà! Nếu thật sự nó ăn cắp, ông còn dám đi đâu nữa. Trời ơi! Lại còn cái bằng khen kia nữa chứ.

Thôi cứ giữ ở đây, đợi đến tối lén đến nhà trưởng ấp nhờ ông ấy gửi trả lại cho hội người già…” Thường ngày, ông dạy nó phải sống chân thật, không tham lam. Lúc nó còn học cấp một, đêm nào nó cũng nằm bên chiếc võng cùng ông.

Ông hỏi nó “Năm điều Bác Hồ dạy” như thế nào. Nó đọc thuộc vanh vách . Rồi ông Tư giảng dạy cho đứa cháu ông hiểu từng đức tính một. Vậy mà hôm nay, nó lại làm chuyện tày trời như thế. Người ta bảo “Con dại cái mang”.

Thằng Hai không dạy con tốt, không quản lý con tốt. Chiều nay, phải bắt nó viết tờ kiểm điểm đọc trước gia đình mới được. Đang thổn thức trong lòng thì những người bạn già của ông Tư sang.

Ông bảo với bà Tư “nói với họ là ông không có ở nhà”. Khi mấy người kia vừa về, ông Tư lấy cái khăn rằn quấn choàng hầu như người bị bệnh, tiện tay lấy cái nón lá đi ra ngoài. Vốn là ở nhà chờ tin tức riết cũng nóng ruột, nên ông muốn ra ngoài nghe ngóng tình hình như thế nào.

Mới vừa ra đầu làng, ông đã thấy mấy bà ở xóm túm tụm nhau lại nói chuyện thằng cháu của ông. Ông Tư nói thầm trong bụng. Tình hình như thế này có nước dời nhà đi chỗ khác sinh sống, chứ còn mặt mũi nào còn nhìn ai được nữa.

Đi được một đoạn, ông Tư gặp thằng con trai và thằng cháu nội của ông về. Không nói không rằng, ông Tư chộp lấy đầu của đứa cháu nội định cho một cái tát tay thì thằng con trai của ông ngăn lại:

- Chờ đã tía! Công an đã làm việc rồi. Thằng Tèo vô tội tía ơi!

Ông Tư vẫn trừng mắt hỏi:

- Vô tội là như thế nào?

Thằng Hai trả lời:

- Hồi sáng, thằng Tèo đi cắt cỏ ở bờ đê, nó gặp cuộn dây điện của ai giấu dưới bãi cỏ. Thấy vậy, nó định nhặt về để dành có làm gì thì làm. Nó đặt cuộn dây điện trên bó cỏ chưa kịp mang về thì các anh công an đi ngang thấy nên bắt thằng nhỏ về làm việc. Sau khi điều tra, họ bảo thằng Tèo vô tội.

Nghe nói như vậy, ông Tư thở phào một cái, lột cái nón lá cởi luôn chiếc khăn rằn cầm trên tay. Ông Tư vừa nói vừa đưa tay giá giá thằng Tèo:

- Nhớ nghe con, dại quá là ở tù như chơi nghe con!

Rồi ba người cùng nhau về. Vừa về đến nhà, ông bảo bà Tư nấu nồi khoai lang, còn ông vào châm bình trà.

Ông sai thằng Tèo chạy đi mời những người bạn già sang uống nước trà cùng ông. Ông cười hí hửng, treo cái bằng khen của Hội Người cao tuổi tặng ông ở một nơi trang trọng.

Lúc này, ở ngoài cổng, có người đang gọi ông. Thì ra, đó là tổ trưởng tổ tự quản, cậu ấy đến để cho đưa ông thư mời và nói : “Thứ hai tuần tới, ông Tư đại diện cho ấp đi dự hội nghị báo công dâng Bác tại hội trường ủy ban xã”. Ông Tư cầm thư mời trên tay lòng tràn đầy niềm vui.