Tiểu phẩm: Bó tay!

Cập nhật, 21:14, Chủ Nhật, 24/12/2017 (GMT+7)

Vợ chồng thằng Đậu đang ngồi nói chuyện nhân tình thế thái thì thằng Mè (cháu nội) chạy đến, hỏi:

Nội ơi, bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh giặc nào vậy?

Vợ thằng Đậu thấy nó cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 3 trên tay nên nói:

Chắc mày đọc lướt, đọc ẩu nên bỏ sót nội dung. Mày đọc kỹ lại thì sẽ thấy sách viết bà Trưng đánh giặc nào.

Thằng Mè nhăn mặt, vò đầu bức tóc ra vẻ bực bội lắm. Nó đem quyển sách Tiếng Việt lớp 3 tập 2, lật ngay bài “Hai Bà Trưng” ở trang 4 và trang 5, đưa cho vợ chồng thằng Đậu xem và nói:

Con đã đọc đi đọc lại bài này cả chục lần rồi mà không thấy viết hai bà Trưng đánh giặc nào nên con mới hỏi. Vậy mà bà nội còn rầy oan cho con!

Vợ chồng thằng Đậu chuyền tay nhau đọc hết bài viết về lịch sử trên, tuyệt nhiên không có từ nào nói đó là giặc nào!

Vợ thằng Đậu bức xúc:

Sao kỳ vậy ta? Sách giáo khoa dạy cho thế hệ trẻ về lịch sử nước nhà mà viết gì kỳ cục vậy? Đánh giặc nào thì phải nói rõ ra, tại sao lại ỡm ờ, giấu giếm? Vậy mà sách này tái bản tới 13 lần, thiệt tui không hiểu nổi!

Thằng Đậu ngồi trầm tư, bóp trán suy nghĩ một lúc rồi chép miệng, nói:

Tui có nghe và thuộc nằm lòng 2 câu thơ của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Không biết mấy ông bà viết sách, người duyệt sách, nhà xuất bản sách có nhớ được 2 câu thơ trên không, chớ đối với sách giáo khoa viết về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ mà viết kiểu này thì thiệt là “bó tay”!

TRUNG NGÔN