Đừng "khủng bố" khi dạy trẻ!

Cập nhật, 15:15, Thứ Năm, 23/06/2016 (GMT+7)

 

Dạy dỗ trẻ không nên dùng bạo lực mà phải dùng tình thương và phương pháp đúng đắn (ảnh mang tính minh họa).
Dạy dỗ trẻ không nên dùng bạo lực mà phải dùng tình thương và phương pháp đúng đắn (ảnh mang tính minh họa).

Trong nuôi dạy con cái hay những lúc dạy trẻ học tập, nhiều lúc người lớn không kiềm được bực tức mà nóng nảy “khủng bố” tinh thần trẻ hoặc dùng đòn roi để dạy dỗ. Đây chính là cách giáo dục rất sai lầm mà các bậc cha mẹ cần xem lại.

Mất bình tĩnh, bạo lực với con

vCứ mỗi lần cậu bé Thịnh (lớp 3) gần nhà tôi học bài là y như rằng cả xóm đều biết và chắc lưỡi hít hà. Cậu bé ở cùng ông bà ngoại và cậu út vì ba mẹ đi làm ăn xa.

Cậu út rất thương cháu, lãnh luôn phần dạy dỗ đưa rước đứa cháu trai đi học, nhưng có cái cậu út này rất nóng tính, hay quát nạt, mỗi khi đến giờ kèm cháu học bài là y như “khủng bố”.

Thằng bé không tập trung, không nhớ bài là bị ông cậu la mắng um sùm, nạt nộ cả xóm đều nghe, tay thì cầm roi hỡ chút là khẻ vào tay liền.

Từng câu chữ, từng bài toán, ông cậu dạy hoài mà thằng nhỏ không nhớ, vậy là cậu điên tiết la mắng liền. Còn thằng bé vẻ mặt vô cùng đau khổ, căng cứng như dây đàn, cặp mắt thì sợ sệt cứ ngó chừng ông cậu và cây roi.

Tôi nhận thấy rõ ràng là nó chẳng tập trung được gì vào bài dạy của ông cậu, chỉ trả lời từng câu để đối phó và luôn né chừng sợ cây roi quất vào mình, chứ chẳng quan tâm gì tới việc phải cố gắng học hành, phải nhớ bài, thuộc bài. Khi hết giờ “tra tấn”, buông ra là cháu lại “đâu vào đấy”.

Bằng chứng là bao nhiêu ngày tháng qua, ngày nào đến giờ học cũng không nhớ bài, cũng bị la mắng.

Anh Quốc Thắng (Phường 3- TP Vĩnh Long) chia sẻ: Trước đây mỗi lần dạy thằng con học là tôi cũng hay bị mất bình tĩnh, nhìn con không tập trung vào bài vở, không nhớ chút gì bài cô giáo dạy là tôi chịu không nổi, phải quát mắng, thậm chí là khẻ vào tay con vài cái.

Nhiều lần như vậy tôi thấy con mình có vẻ sợ và căng thẳng khi học bài, mặt luôn ủ rũ, lấm lét nhìn tôi, không thoải mái chút nào. Ngược lại tình hình cũng không mấy tiến triển mà còn bi đát hơn, ngay cả bảng cửu chương dạy nhiều lần hỏi nó cũng không nhớ. Nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi đổi chiến thuật cố kiềm tức giận, nhẹ nhàng ôn hòa với con hơn.

Tôi chỉ dạy kỹ lưỡng từng chút một, nhỏ nhẹ và kiên nhẫn dạy rất cặn kẽ cho con hiểu. Kết quả là thằng bé cởi mở, thoải mái hơn không còn co cứng khi học nữa và hiển nhiên một điều là nó tiếp thu và nhớ bài tốt hơn rất nhiều.

Nó còn nói với tôi rằng thật ra con thuộc nằm lòng bảng cửu chương rồi nhưng vì ba la quá, con sợ nên quên. Tôi nghe xong, cảm thấy hối hận và tự hứa là sẽ không bao giờ dùng bạo lực với con mình nữa.

Bạo lực không dạy trẻ nên người

Người xưa thường có câu “thương cho roi cho vọt”, muốn dạy trẻ nên người thì đôi khi cần phải sử dụng đến đòn roi. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, cách dạy trẻ bằng roi vọt có nhiều cái nguy hại mà phụ huynh không lường hết được.

Việc sử dụng roi vọt thực chất chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, quan trọng là cha mẹ cần có những nghệ thuật, phương pháp dạy trẻ đúng đắn, không nên lạm dụng roi vọt để dạy dỗ trẻ nhỏ dựa trên những nỗi sợ hãi của chúng.

Tác hại của việc dùng bạo lực để dạy trẻ có nhiều mức độ. Nguy hiểm nhất là những trận đòn quá tay, những hình phạt khiến trẻ đau đớn, có thể đẩy các em đến thái độ lầm lì, sợ hãi hoặc phản kháng. Hậu quả là trẻ có thể không vâng lời, quậy phá, có hành động bạo lực với bạn bè và mang theo tâm lý hằn thù khi lớn lên.

Nhiều người cho rằng sử dụng đòn roi ở mức độ có thể chấp nhận được sẽ có tác dụng uốn nắn, cho trẻ đi vào khuôn khổ, không bị sai lệch. Tuy nhiên, trong trường hợp bị dạy dỗ bằng bạo lực, trẻ cần được can thiệp tâm lý, vì những ký ức xấu đó dễ sinh ra các phản ứng tâm lý tiêu cực khiến trẻ bị lệch lạc khi lớn lên.

Đặc biệt, khi so chỉ số IQ của những trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh với những đứa trẻ khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng có chỉ số IQ thấp hơn nhiều.

Từ đó có thể thấy, phương pháp giáo dục của cha mẹ không chỉ giúp hình thành nhân cách của đứa trẻ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng tư duy của não bộ. Bên cạnh, chúng còn có nguy cơ bị stress, khủng hoảng tâm lý, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ.

Vì thế, cha mẹ không nên lạm dụng đòn roi dạy dỗ trẻ mà hãy luôn lắng nghe, giải thích cho trẻ hiểu rõ những việc nào là đúng, việc nào là sai, để trẻ tự ý thức, chủ động nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ hiểu biết của trẻ.

Một cách rất tuyệt vời để dạy con biết vâng lời chính là sự động viên, khuyến khích và khen ngợi của cha mẹ, các cháu sẽ làm tốt hơn nếu có một chút khích lệ, một phần thưởng nho nhỏ.

Phải biết làm gương tốt cho con, không nên thất hứa và không chỉ luôn nói “không” để cấm đoán trẻ mà phải giải thích một cách thuyết phục, trẻ sẽ vâng lời. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ, sự nghiêm khắc nhưng không bạo lực của cha mẹ cũng giúp trẻ nên người.

Bài, ảnh: HẢI YẾN