Tăng cường tương tác với người dân để chống tham nhũng

Cập nhật, 05:51, Thứ Ba, 05/06/2018 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, tệ nạn tham nhũng đã có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Chính vì thế, Đảng ta cũng đã xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Tham nhũng không chỉ là vấn nạn của nước ta mà là một vấn nạn của mọi quốc gia. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, phải xác định cho được cái gốc vấn đề của nó nằm ở đâu?

Đó chính là cơ chế quản lý lỏng lẻo; không minh bạch; tạo nhiều kẽ hở; bổ nhiệm những người có chức có quyền không đủ phẩm chất đạo đức và không đúng quy trình…

Ngoài ra, ý thức chống tham nhũng của người dân và cán bộ trong xã hội chưa cao. Những vụ việc tham nhũng bị phát hiện đa số do sự mâu thuẫn nội bộ, đấu đá nhau hoặc được báo chí phanh phui mới lộ ra,…

Trong xã hội phong kiến của nước ta, các quy định của pháp luật đều thể hiện sự đề cao chế định tố cáo tham nhũng. Các triều đại đều có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng hiệu quả và coi đây là việc làm cần làm.

Để phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, các triều đại khác nhau đều có các hình thức thích hợp để khuyến khích họ.

Vua Lê Thánh Tông cho đặt hòm thư tại sân đình để người dân có thể viết thư phản ảnh và bỏ vào đó; người dân được phép yết bảng nêu việc làm tốt, xấu của quan lại địa phương.

Dưới triều Nguyễn, Vua Gia Định đã mở hòm thư “dân ý” để thông suốt ý dân; nhà vua cũng ban chiếu “cầu ngôn” để được nghe lời nói thẳng, quy tụ nhân tâm, chiêu mộ hiền tài,…

Hiện nay, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành công việc nhằm dần dần hạn chế những tiêu cực xảy ra, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng,…

Mặt khác, cũng cần kêu gọi người dân phát huy mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc giám sát, phản ánh những hành vi tham nhũng bằng việc thực hiện ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ gửi đến các địa chỉ email của những cơ quan có chức năng chống tham nhũng hoặc báo chí,…

Vai trò của người dân trong phòng chống tham nhũng là hết sức quan trọng do đó để cuộc chiến chống tham nhũng đạt được những thành công đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường tương tác với người dân để tiếp nhận kịp thời các thông tin có liên quan đến cán bộ của mình từ đó có biện pháp xử lý những sai phạm trong quá trình công tác có biểu hiện trục lợi, tham nhũng.

VĂN THI HOÀNG