Chung tay ngăn ngừa hồ tiêu bẩn!

Cập nhật, 16:15, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

Sẽ có rất nhiều người dân bị “sốc” về kết luận của cơ quan chức năng trong vụ dùng pin, tạp chất nhuộm để làm tăng trọng lượng hồ tiêu, và ai cũng giật mình tự hỏi: liệu mình, gia đình mình đã ăn phải tiêu bẩn như vậy.

Với riêng tôi, dẫu có hơi bất ngờ về việc người ta có thể dùng pin, tạp chất trộn lẫn với tiêu, song thực trạng tiêu bẩn tràn ngập trên thị trường tôi không có gì lạ, bởi chính bản thân tôi đã từng biết, từng gặp khi mua phải hồ tiêu bẩn.

Một người bạn quê Bình Phước tiết lộ trào lưu làm tiêu bẩn, cũng như cách phân biệt tiêu thật và tiêu trộn bùn đất nên tôi mới phát hiện ra... Sau lần bị nhầm khi mua phải hồ tiêu bẩn trộn bùn đất, tôi đã có kinh nghiệm và không thể bị mắc lừa một lần nữa.

Người bạn tôi kể rằng, từ nhiều năm nay đã có một bộ phận người thiếu lương tâm chuyên làm tiêu bẩn, khi họ thu mua các loại hồ tiêu xanh non hạt lép với giá rẻ mạt để mang về sơ chế.

Cách họ chế biến hồ tiêu là dùng bùn đất màu đen, nghiền nhỏ mịn, phơi khô, rồi tạo độ ẩm ướt cho tiêu, sau đó đổ số hồ tiêu non, lép đã phơi khô vào hỗn hợp bùn đất để “lăn” cho từng hạt hồ tiêu có một lớp áo đất bao quanh.

Khi hồ tiêu bị bao lớp áo là đất bùn đen, chúng sẽ nặng hơn. Bạn tôi còn tiết lộ, thời hồ tiêu đắt đỏ như cách đây vài ba năm, giá lên tới cả hơn 200.000 đ/kg thì trào lưu phù phép làm tiêu bùn đất càng tăng, bởi chỉ cần làm cho trọng lượng tiêu lên thêm vài chục ký là người ta có thể kiếm mấy triệu đồng...

Vài năm nay, tiêu rớt giá nhưng tình trạng này vẫn còn, khi mà lợi nhuận vẫn có nên nhiều người vẫn nhắm mắt làm liều, làm những điều giả dối thất đức!

Sau lần mua phải 2kg tiêu bẩn trộn bùn đất, cách đây 2 năm tại một sạp hàng ngoài chợ và được sự chỉ bảo cách phân biệt, cách lựa chọn, cũng như cách thử tiêu để biết thật- giả của bạn, tôi đã “khôn” lên.

Giờ đi mua tiêu, ngoài việc quan sát xem hồ tiêu có to, tròn, mẩy, chắc hạt hay không, thì cách thử đầu tiên là tôi bỏ một vài hạt hồ tiêu vào miệng để nhai nếm xem nó có giòn và cay không.

Sau đó, muốn chắc ăn là không dính tiêu bùn đất, tôi cho một nhúm tiêu vào một cốc nước, dùng tay bóp rửa số hồ tiêu đó, nếu thấy cốc nước vẫn trong sạch, không gợn bẩn thì đích thị đó là hồ tiêu xịn, còn nếu khi bóp rửa hồ tiêu, cốc nước bị đục, gợn những vết đen bẩn thì đó chắc chắn là tiêu trộn bùn đất.

Ngoài ra, nếu muốn biết tiêu có bị lép không, mọi người cũng có thể dùng nước để thử, bởi nếu tiêu to mẩy, chắc hạt thì khi bỏ vào nước nó sẽ bị chìm xuống dưới, trong khi tiêu non, lép sẽ nổi lềnh bềnh lên trên...

Qua cách phân biệt, lựa chọn tiêu thật, tiêu bẩn bị làm dỏm, tôi cũng muốn chia sẻ để những ai chưa biết nên lưu ý, rút kinh nghiệm để không bị mua nhầm phải tiêu trộn bùn đất có chất lượng kém, thậm chí còn độc hại và hơn thế, đây còn là cách để loại trừ kiểu làm ăn gian dối, xem thường sức khỏe người khác.

Thực trạng hồ tiêu bẩn được trộn bùn đất, hóa chất đã, đang được bán tràn lan trên thị trường là có thật. Và loại hồ tiêu này cực kỳ nguy hiểm.

Bởi như chúng ta biết, nếu ăn phải tiêu trộn chỉ bùn đất còn đỡ, chứ gặp phải tiêu trộn thêm cả hóa chất, ví dụ như pin của vụ án mới khám phá ở Đăk Nông mà dư luận đang rất bức xúc..., thì quả là cực kỳ nguy hiểm, đáng báo động cho sức khỏe về lâu dài.

Từ thực trạng trên, rất mong các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát quản lý việc sản xuất cung ứng hồ tiêu từ gốc, cũng như đường đi nước bước của loại gia vị này, trước khi nó đến tay người tiêu dùng.

Khi phát hiện những tổ chức, cá nhân nào sơ chế, sản xuất, cũng như kinh doanh buôn bán tiêu bẩn thì phải xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng để răn đe những kẻ khác...

NGUYỄN THỊ LOAN