Thêm những việc làm thiết thực cho chiến sĩ ở Trường Sa?

Cập nhật, 06:24, Thứ Ba, 22/05/2018 (GMT+7)

Theo các nguồn tin của các phương tiện thông tin đại chúng, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2018” vào tháng 4 vừa qua, đoàn đại biểu tuổi trẻ cả nước đã đến một số đảo thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa.

Tại đảo Phan Vinh A đoàn đã tặng các chiến sĩ đang đóng quân trên đảo một máy lọc nước biển thành nước ngọt có công suất 200 lít/giờ, nếu bảo quản tốt máy có tuổi thọ 4- 5 năm.

Ngoài máy lọc nước, còn có các bọc đất, nhiều hạt và cây giống là những món quà của đoàn công tác thay mặt Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thanh niên cả nước thể hiện tình cảm của hậu phương đất liền đối với các chiến sĩ đang ngày đêm giữ vững các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đoàn cũng mong muốn có những món quà thiết thực với từng đảo khác như Tốc Tan, Đá Lớn C,...

Chỉ cần xem bản đồ quần đảo Trường Sa trên các trang mạng điện tử, chúng ta dễ dàng cảm nhận được các chiến sĩ của chúng ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc giữa biển trời bao la cần đến tình cảm của đất liền hậu phương đến dường nào!

Bởi ở đó đâu chỉ có các chiến sĩ của ta, một số đảo lớn trong quần đảo đang bị nước ngoài chiếm đóng như Ba Bình (lớn nhất trong quần đảo), Bình Nguyên, Vĩnh Viễn, Bến Lạc (lớn thứ 3), Loại Ta, Thị Tứ (lớn thứ 2)…

Đặc biệt là điểm nóng ở 8 đơn vị đảo chìm, bãi đá ở phía Bắc quần đảo do Trung Quốc chiếm đóng, mà ngày đêm họ không ngừng bồi đắp và quân sự hóa các đảo lộ rõ tham vọng bành trướng trên biển Đông…

Cũng trên bản đồ, thấy lực lượng ta hiện đang đứng vững trên các đá Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông sát bên cạnh các đá Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập,… đang bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã được bồi đắp có cả sân bay, âu tàu hiện đại và gần đây- theo các nguồn tin báo chí trong và ngoài nước- họ còn lén lút trang bị ở đây các máy gây nhiễu sóng liên lạc, ra đa quân sự và một số khí tài quân sự khác… càng thấy các chiến sĩ của ta ở đó thật dũng cảm, xứng đáng với sự tin tưởng của hậu phương đất liền!

Là người Việt Nam, ai mà không bồi hồi khi được đọc những dòng ghi chép câu chuyện kể của một người thợ lặn qua bài “Người thợ lặn ở Gạc Ma năm ấy…” của nhà báo Lê Đức Dục (báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30/4/2018).

Người thợ lặn ấy cho biết là chỉ 3 ngày sau sự kiện quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (14/3/1988), tàu cứu hộ Đại Lãnh của ta đã ra tới đảo Cô Lin: “Chúng tôi ra tới vùng biển thuộc cụm đảo Sinh Tồn (gồm các đảo đá gần nhau là Sinh Tồn, Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao- người viết chú thích) tầm 9 giờ sáng, trời đẹp.

Trên tàu HQ 505 ủi bãi (đá Cô Lin- người viết chú thích) có 9 anh em đang bám trụ. Khi ấy, nhiều anh em trên tàu HQ 505 không còn quần áo để mặc. Nhiệm vụ lúc này là lặn tìm dấu vết tàu HQ 605”…

Các chiến sĩ ta ngày ấy ở Cô Lin đã chiến đấu quả cảm như thế, không thẹn với các đồng đội hy sinh trong cuộc chiến đấu trước đó mấy ngày, nêu cao truyền thống anh hùng của anh bộ đội Cụ Hồ!

Chính vì thế cuộc vận động “Góp đá cho Trường Sa” được phát động thời gian qua theo tôi nghĩ sẽ không có thời hạn.

Bên cạnh trách nhiệm chăm sóc các chiến sĩ ta ở các vùng biển đảo của Đảng và Nhà nước, các hội, đoàn thể và tổ chức xã hội- nhất là các hội đoàn của tuổi trẻ- cần có thêm những đóng góp thiết thực như kể ở phần trên giúp các chiến sĩ ta ở đó ấm lòng và đỡ vất vả để yên tâm làm nhiệm vụ.

NGUYỄN THỊ MỸ LỆ