Văn hóa bán hàng

Cập nhật, 05:51, Thứ Năm, 27/04/2017 (GMT+7)

Vào thời buổi hệ thống siêu thị phát triển rầm rộ như hiện nay, thì việc mua bán ở các chợ cũng có phần ảnh hưởng.

Siêu thị là hệ thống bán lẻ quy mô nên có nhiều lợi thế: giá cả được niêm yết rõ ràng; hàng hóa đầy đủ, đa dạng; nơi mua bán sạch sẽ, thoáng mát và khá an ninh… Với những lợi thế như vậy, siêu thị đã ít nhiều ở thế thượng phong.

Còn với chợ truyền thống thì sao? Thật ra, chợ cũng có những lợi thế căn bản của nó: dễ tiếp cận, không mất thời gian để mua, thích nghi với một số khá đông khách hàng truyền thống.

Thế nhưng, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay và với tôn chỉ “Khách hàng là thượng đế” thì người buôn bán ở chợ phải thay đổi cách phục vụ, cách ứng xử của mình để hiệu quả việc mua bán tốt hơn.

Chúng tôi thường đi chợ (so với cả tháng hoặc vài tháng mới đi siêu thị một lần) sau giờ tan sở. Việc mua bán quen thuộc nhưng vài ba nhược điểm của người bán cũng làm chúng tôi khó chịu.

Nào là nói thách. Nào là cân thiếu. Thái độ tiếp đãi không tích cực. Nói năng cộc cằn với khách hàng. Không phủ nhận một điều- Người bán đã nhiều năm trong nghề, cứ lặp đi lặp lại bao nhiêu động tác, bao nhiêu lời nói, cộng thêm việc mua bán gặp ít nhiều khó khăn… giống như cái cân lâu ngày, sức bật cũng kém.

Và vậy là người mua không vừa ý. Nếu người bán hàng ở chợ vui vẻ một chút, đối xử tốt với khách hàng một chút thì chẳng phải mình đã tạo lợi thế cho mình hay sao? Nói thách, bán mắc, cân thiếu… nên người mua chỉ mua một lần rồi… đi tuốt.

Mình cứ bán đúng giá, cân đầy đủ, ăn nói dễ nghe, thì chắc chắn người mua sẽ trở lại và sẽ là khách hàng ruột của mình.

Có một điều chúng ta nên biết: Mua bán cũng là một nghệ thuật và người bán cũng nên là người có văn hóa.

TRANG NGHI DUNG (Trà Vinh)