Ý thức giao thông

Cập nhật, 14:46, Thứ Sáu, 09/12/2016 (GMT+7)

Con người vì lợi ích bản thân có thể làm những điều tiêu cực, gây ảnh hưởng đến xã hội, dân tộc.

Nói không phải vơ đũa cả nắm, nhưng điều đó đang hiện hữu trong chính xã hội chúng ta đang sống. Trong khi nhiều người ra sức đẩy lùi tiêu cực thì lại có không ít kẻ đi ngược lại. Không riêng gì lĩnh vực y tế, giáo dục... mà ngay cả giao thông cũng thế.

Bất chấp việc nhiều công dân chung tay xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh, một số người lại “đạp đổ” khiến cho tình hình giao thông ngày càng lộn xộn.

Hầu như ai cũng hiểu tương đối Luật Giao thông đường bộ, kể cả học sinh, dù lứa tuổi này chưa được phép điều khiển xe gắn máy, môtô, ôtô. Bởi ngoài những kiến thức học ở trường, ở ba mẹ lúc tham gia giao thông, học sinh còn học được nhiều từ các phương tiện truyền thông đại chúng.

Vậy mà người ta dù hiểu luật vẫn cố tình phạm luật. Không khó để bắt gặp nhiều người băng qua đường không đúng vạch dành cho người đi bộ. Bất chấp xe cộ đông đúc, vì muốn nhanh, họ cứ việc leo “con lươn” qua bên kia đường trong sự lo lắng của các tài xế.

Họ đâu biết rằng, có thể chỉ vì một lỗi của mình đã khiến cho xe cộ hỗn loạn, dẫn đến ùn tắc giao thông. Thậm chí, có thể trong lúc xử lý tình huống né người đi bộ không đúng vạch quy định mà tài xế gây ra tai nạn.

Nhiều xe máy cứ vô tư leo lề khiến cho vỉa hè hư hỏng, xấu xí. Lại có kẻ làm biếng, nghĩ rằng nếu chạy đúng đường thì đánh một vòng quá xa nên cho xe chạy ngược chiều.

Chạy đường gần, nghĩ chẳng xa xôi gì nên không chịu úp “nồi cơm điện” lên đầu để bảo vệ. Nhất là những bạn trẻ có máu phiêu lưu mạo hiểm, khi lái xe thường nẹt pô, đánh võng, buông tay... để tự khẳng định mình giỏi mà không nghĩ rằng điều đó là hết sức điên rồ.

Có nhiều clip trên Youtube khi công chúng xem không khỏi hết hồn bởi những quái xế lái xe bằng chân, trong tư thế nằm... có phụ huynh còn dám đưa ôtô cho con mình lái thử trên đường dù đứa bé chưa học hết cấp II.

Lại nói về xe tải. Đây là phương tiện giao thông ám ảnh nhất vì mức độ gây ra tai nạn giao thông. Hầu như phần lớn tai nạn giao thông, kinh hoàng đều do xe tải gây ra.

Tài xế lái xe, nhất là tài xế trẻ hay có máu hiếu thắng, thích thể hiện mình nên chạy bạt mạng không nhường đường mà cố lấn len, cúp đầu xe để xe đối phương không vượt lên trước được. Đó là chưa nói hiện nay có tình trạng không ít người chạy giấy phép lái xe, thi “bao đậu”, chứ không qua trường lớp học hành hẳn hoi.

Từ việc kém ý thức nói trên dẫn đến thói quen xấu tính, tiêu cực và càng lún sâu vào tư tưởng tư lợi, vụ lợi, sống chết mặc ai.

Một mớ hỗn độn dây chuyền đó đã kéo sự tụt hậu về văn hóa giao thông. Hàng năm, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vô cùng thương tâm bởi từ việc kém ý thức này mà ra.

Một khi ý thức đã kém thì cơ quan chức năng không thể xử lý nhẹ hoặc ở mức độ nhắc nhở mà cần phải phạt mạnh tay, nghiêm khắc, không bao che. Nhiều quốc gia, nhờ luật pháp nghiêm minh trong việc xử phạt người vi phạm giao thông nên đã đẩy lùi tai nạn giao thông, củng cố lại sự an toàn, khuôn phép.

NGUYỄN THANH VŨ