Chuyện điện thoại di động

Cập nhật, 07:01, Thứ Sáu, 06/11/2015 (GMT+7)

Khi khoa học phát minh ra điện thoại di động thì điện thoại bàn lép vế. Điện thoại di động càng ngày càng phát triển theo chiều hướng đa năng, hiện đại thì điện thoại bàn trở thành lạc hậu. 

Có thể nói, hiện nay tất cả mọi thành phần trong xã hội người nào cũng đều có tối thiểu một chiếc điện thoại để dùng riêng cho mình.

Giới bình dân hay những người không ưa cầu kỳ, có bản chất sống đơn giản chỉ cần loại điện thoại rẻ tiền để gọi đi, nghe hoặc nhận và gửi tin nhắn là đủ.

Những người giàu có hay người có bản chất đua đòi, chạy theo mode thì lại dùng các loại điện thoại đắt tiền, càng hiện đại càng có vẻ tự đắc hơn người, vừa gọi vừa nghe, vừa lại có thể sử dụng đa năng thỏa thích.

Một điện thoại có thể dùng hai sim khác nhau, một người có thể dùng nhiều loại điện thoại với nhiều số khác nhau để tùy nghi ứng dụng.

Tiện ích của điện thoại di động ai cũng biết có thể liên lạc với nhau ở bất cứ nơi nào, nhưng đằng sau sự tiện ích ấy còn có rất nhiều điều để nói.

Không như điện thoại bàn, điện thoại di động có thể là gã đồng hành với người dối trá bất cứ ở nơi nào. Làm sao có thể khẳng định được người đối chuyện đang ở đâu khi họ đã không thật tình với mình?

Có khi họ đứng trước cửa nhà mình lại nói đang ở xa đâu đó cách đến mấy trăm cây số. Có khi đang đi với người tình lại bảo rằng ngồi ở công sở. Có khi bù khú với bạn bè lại nói đang bận bịu công việc nhà.

Người không chân tình thì sẽ dễ dàng “di chuyển” địa điểm khi nói chuyện với đối tượng. Nhưng người chân tình nhiều khi lại quá ư sốt sắng lúc nghe có tín hiệu gọi đến.

Đang đi trên đường giữa dập dìu xe cộ họ vẫn vô tư dừng lại bất thần để lấy điện thoại ra nghe, không chịu lách tránh vào lề đường làm cho những người đi sau phải bất ngờ khựng lại. Nếu không dừng lại, họ vẫn vừa tiếp tục chạy xe, vừa lấy điện thoại ra nghe không cần để ý đến xung quanh.

Thậm chí, còn tự nhiên bấm số gọi đi, bấm chữ nhắn tin và mắt như dán vào màn hình trong khi xe vẫn bon bon chạy tới.

Một số kẻ xấu đã lợi dụng “tiện ích” của điện thoại di động, mua sim rác để gọi đến một số máy mà chúng biết được hoặc nhắn tin bẩn thỉu quấy rối, hoặc gọi bất cứ giờ giấc phá bỉnh sự yên bình của người khác.

Những kẻ lừa đảo mượn danh cơ quan, xí nghiệp hoặc gọi trực tiếp, hoặc nhắn tin trúng thưởng, móc túi một số chủ nhân số máy đã nhẹ dạ cả tin để phải “tiền mất tật mang”. Đó là chưa kể những dịch vụ tự nhiên nhắn đến để thông báo những tin mà người ta không cần biết, nhưng cứ thản nhiên tính tiền để trừ một cách vô tư.

Đó là chưa kể những tin bán nhà đất, bán số sim, bán máy móc, vật dụng đủ thứ, mỗi ngày cứ phải liên tục xóa đi mà không sao chấm dứt được…

Bảo nhà mạng không biết được những loại rác rưởi ấy thì thật vô lý. Nhưng nếu biết được mà cứ để cho khách hàng cứ phải chịu thiệt phía sau sự biết được ấy là gì?

Xã hội càng ngày càng văn minh, khoa học mỗi ngày mỗi phát triển, vô lẽ mình lại làm kẻ tụt hậu để trở về với điện thoại bàn? Điện thoại di động! Tiện ích đương nhiên không thể phủ nhận, nhưng bực bội vẫn cứ bám theo dai dẳng, biết đến khi nào mới rời bỏ được?

TRÀ KIM LONG