Ấp Phú Thới- Phước Thạnh (xã Quới Thiện): Người dân nơm nớp lo sạt lở đê bao

Cập nhật, 14:32, Thứ Ba, 19/12/2017 (GMT+7)

 

Bà Phượng cho rằng dòng chảy từ mặt bộng gây xói mòn, sạt lở có nguy cơ ăn sâu vào phần đất của mình.
Bà Phượng cho rằng dòng chảy từ mặt bộng gây xói mòn, sạt lở có nguy cơ ăn sâu vào phần đất của mình.

Tuy đoạn đê bao này đã được chính quyền địa phương gia cố. Song, người dân vẫn đứng ngồi không yên bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập, đe dọa đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.

Lo sợ đoạn đê bao sụp xuống sông, ảnh hưởng đến việc đi lại lẫn thiệt hại vườn cây ăn trái là tâm trạng chung của một số hộ dân ngụ 2 ấp Phú Thới và Phước Thạnh (xã Quới Thiện- Vũng Liêm).

Trong đơn thư gửi Báo Vĩnh Long, các hộ dân cho biết: Năm 2011, UBND xã Quới Thiện và Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm tiến hành thi công mặt đập tại địa phương để bảo vệ vườn cây ăn trái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lưu thông.

Khi đó, hộ bà Nguyễn Thị Bích Phượng (ngụ ấp Phú Thới) không đồng ý vì cho rằng ống bộng đặt hướng về phía đê bao sẽ gây xói mòn, sạt lở. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương vận động, bà Phượng thống nhất vị trí đặt bộng mà ngành chức năng định vị.

Đến năm 2015, đoạn đê bao thuộc phần đất của bà Phượng bị sạt lở, chính quyền địa phương tiến hành gia cố bằng cừ dừa rồi đắp đất. Nhưng hiện nay đoạn đê bao này lại tiếp tục sạt lở và có nguy cơ ăn sâu vào phần đất của bà Phượng.

Khẳng định điều này, bà Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết thêm: “Khi đặt bộng, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ sạt lở nhưng địa phương thỏa thuận sẽ chịu trách nhiệm gia cố với điều kiện không lấn vào đất tui nếu xảy ra sạt lở.

Giờ đoạn gia cố sắp sạt lở nữa, gia đình tui đứng ngồi không yên vì chỉ có 1 công đất, nếu sụp xuống sông coi như mất trắng”.

Lo lắng của bà Phượng cũng là bức xúc của các hộ dân xung quanh khu vực sạt lở. “Nếu vỡ đê bao, chẳng những vườn cây ăn trái bị thiệt hại mà lối đi chung hàng ngày của bà con cũng bị đứt khúc”- ông Phạm Văn Muôn (ấp Phú Thới) chỉ tay xuống vết nứt dưới chân lộ phía trước nhà, tiếp lời.

Vừa là đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đồng thời phục vụ việc đi lại của bà con 2 ấp Phú Thới và Phước Thạnh, nên khi xảy ra sạt lở chính quyền địa phương đã tiến hành gia cố.

Tuy nhiên, “đường sắp sụp xuống sông mà sửa chữa tạm bợ bằng dừa, tràm thì cũng chỉ trụ được một thời gian. Sạt lở làm lộ xuống cấp, bà con qua lại rất khó khăn, nên chúng tôi mong ngành chức năng làm sao gia cố cho chắc chắn, mới yên tâm được”- ông Bùi Văn Bon (Tổ 9, ấp Phước Thạnh) bức xúc.

Mang những bức xúc của người dân đến UBND xã Quới Thiện, chúng tôi được ông Huỳnh Văn Mười Anh- cán bộ nông nghiệp xã này cho hay: Năm 2011- thời điểm xây dựng mặt đập, chính quyền địa phương có tiến hành họp dân và được sự thống nhất của các hộ mới đặt bộng.

Không may một thời gian bộng bị sụp xuống đáy sông nên dòng chảy từ bộng làm xói mòn, lâu ngày dẫn đến sạt lở. Hiện nay, mặt đập này đã được nâng cấp thành cống kiên cố nhưng thi công chưa hoàn chỉnh.

“Việc kiên cố hóa cống, đập là để bảo vệ vườn cây ăn trái và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Sự cố sạt lở là ngoài mong muốn, địa phương đã cố gắng khắc phục nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ gia cố bằng cừ dừa, cừ tràm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở để phòng chống, không để thiệt hại đến lợi ích của bà con”- ông Huỳnh Văn Mười Anh nói.

Trước lo lắng của người dân, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành chức năng cần chủ động, tăng cường gia cố những đoạn sạt lở, tránh tình trạng người dân bức xúc kéo dài

Thông tin thêm về công trình cống kiên cố tại khu vực sạt lở, UBND xã Quới Thiện cho biết công trình này mới được tỉnh đầu tư thi công trong năm nay (kiên cố hóa mặt đập đã xây dựng hồi năm 2011), hiện đã thực hiện khoảng 70% khối lượng. Khi hoàn thành, cống kiên cố sẽ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các ấp: Phú Thới, Rạch Vọp, Phước Lý, Phước Lý Nhứt, kết hợp giao thông nông thôn.

 

Bài, ảnh: PHẠM TẤN