Hiểm họa vật nuôi thả rông!

Cập nhật, 13:43, Thứ Tư, 13/12/2017 (GMT+7)

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, tình trạng người dân thả rông gia súc, vật nuôi, cụ thể là bò, chó… diễn ra khá phổ biến. Dù pháp luật đã quy định chế tài xử phạt cụ thể đối với hành vi này nhưng hiện nay tình trạng thả rông vật nuôi đang có xu hướng gia tăng, kéo theo đó là những hiểm họa khôn lường.

Đàn bò nhởn nhơ tìm cỏ trong Khu Hành chính mới của tỉnh.
Đàn bò nhởn nhơ tìm cỏ trong Khu Hành chính mới của tỉnh.

Chó thả rông, bò không người chăn dắt

Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường nông thôn, thậm chí dọc quốc lộ (QL) và các tuyến đường tỉnh- nơi có mật độ phương tiện qua lại đông đúc, vật nuôi thả rông hoặc không ai chăn dắt vẫn còn diễn ra. Đây là hình ảnh không còn xa lạ, phần đông người nuôi vì mục đích kinh tế, hoặc đơn giản chỉ nuôi cho vui nhà vui cửa.

Vật nuôi phổ biến nhất trong mỗi gia đình chủ yếu là chó. Việc nuôi chó để giữ nhà đã trở nên quen thuộc ở phần lớn gia đình nhưng chỉ có một số ít hộ chịu xích cổ, nhốt lại hay rọ mõm thú cưng của mình mỗi khi dắt ra đường. Phần lớn đều thả rông, nhất là ở khu vực nông thôn.

Nếu nói về mục đích kinh tế thì chăn nuôi bò mang lại lợi nhuận khá cao vì chủ yếu lấy công làm lời. Việc phát triển loài vật nuôi này được cho là đáng khuyến khích vì ngoài nhu cầu cung ứng thực phẩm cho thị trường còn giúp người dân có thêm thu nhập.

Song, bên cạnh các hộ nuôi nhốt bò trong chuồng trại thì vẫn còn một bộ phận người dân chăn nuôi theo kiểu thả rông để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.

Dễ thấy nhất là ở Khu Hành chính mới của tỉnh Vĩnh Long, những bãi cỏ mênh mông trong khu vực này được người dân tận dụng để thả rông hàng chục con bò. Tất nhiên, phần đông trong số này không được cột dây, mặc cho chúng thoải mái đi tìm thức ăn và thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài người trông chừng.

Ở những nơi có mật độ phương tiện qua lại nhiều như QL1A hay QL53 cũng không khó bắt gặp hình ảnh những con bò nhởn nhơ gặm cỏ bên lề đường. Điều đáng nói là có những con ung dung lấn chiếm cả lòng đường vì không có ai chăn dắt.

Nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra do người điều khiển phương tiện tránh né hoặc không kịp phản ứng khi vật nuôi bất ngờ cùng “tham gia giao thông”. Không những thế, chất thải mà chúng để lại trên đường còn làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan nơi công cộng.

Hiểm họa khôn lường

Thời gian qua, dư luận ở nhiều nơi rất bức xúc trước tình trạng người dân thả rông vật nuôi trên các tuyến đường, khu dân cư nối liền QL, đường tỉnh bởi những hiểm họa có thể ập đến với người đi đường.

Tuy chăn, nuôi theo hình thức thả rông có thể tiết kiệm thời gian lẫn công sức nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cả xã hội, nhất là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường.

Bạn đọc Hồ Ngọc Hạnh (ngụ ở Long Hồ) cho biết, một lần lưu thông trên QL1A (đoạn xã Lộc Hòa) vào buổi tối đã suýt bị xe tải chạy phía sau tông trúng khi lấn làn để tránh một con bò nằm dưới lòng đường.

“Giờ đi ngoài đường gặp các con vật thả rông là tôi phải giảm tốc độ. Chúng không khác gì vật cản di động, lỡ bất thình lình chạy ra đường thì làm sao tránh kịp”- cô gái trẻ khuyến cáo sau lần suýt gặp tai nạn.

Trên địa bàn tỉnh, nhất là dọc các tuyến đường nông thôn, nhà cửa thường xây dựng sát lề đường, người dân thường thả rông vật nuôi (chủ yếu là chó).

Người đi xe máy trên tuyến đường này sợ nhất là những con chó bất ngờ xuất hiện, bởi cho dù có tránh né hay tông thẳng vào chúng thì cũng khó tránh khỏi thương tích, chưa kể có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Không ít người tham gia giao thông cũng từng bị té xe do thắng gấp để tránh hoặc tông phải chó thả rông trên đường.

Tuy nhiên, họ cũng đành bấm bụng chịu đựng và chỉ biết trách bản thân không gặp may, bởi khi xảy ra tai nạn thì hầu hết nạn nhân đều phải tự bỏ ra chi phí khắc phục vì không biết ai là chủ vật nuôi để yêu cầu bồi thường.

Như trường hợp mà anh Trần Thái Minh- một người bạn của tôi gặp phải mới đây. Số là trên đường đi công tác, khi đến tuyến Hương lộ 26 Tháng 3 (đoạn xã Ngãi Tứ- Tam Bình) thì một con chó từ trong nhà dân bất ngờ lao ra ngay đầu xe làm anh giật mình thắng gấp và té xuống đường. Rất may anh chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng phương tiện lại bị hư hỏng nặng phải tốn khá nhiều chi phí sửa chữa.

Hiện nay, pháp luật đã quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với hành vi thả rông vật nuôi, gia súc. Để hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi và mạnh dạn xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Hơn hết, ý thức của người dân là điều quan trọng góp phần kéo giảm tình trạng thả rông vật nuôi nhằm tránh những hiểm họa ập đến với người đi đường.

Căn cứ Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi chăn dắt, thả rông gia súc trên đường bị xử phạt từ 60.000- 80.000đ. Còn theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về trật tự công cộng, mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000đ đối với hành vi thả rông vật nuôi tại nơi công cộng.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000- 800.000đ.


  • Bài, ảnh: PHẠM TẤN