Người dân cần thỏa thuận với nhau để mở lối đi

Cập nhật, 12:32, Thứ Ba, 14/06/2016 (GMT+7)

Qua thư bạn đọc, Báo Vĩnh Long ghi nhận phản ánh của tập thể các hộ dân ngụ Tổ 6, ấp Đông Thạnh C, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh về việc không có lối đi ra đường công cộng. Dù chính quyền địa phương đã hòa giải nhiều lần nhưng đến nay các hộ vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết.

Lối đi dẫn ra đường công cộng bị người dân rào chắn ngang.
Lối đi dẫn ra đường công cộng bị người dân rào chắn ngang.

Trong đơn gửi Báo Vĩnh Long, ông Trần Văn Huệ- đại diện tập thể các hộ dân cho biết: Trước đây, từ con đường công cộng vào nhà tôi và các hộ dân (dài khoảng 400m) là lối đi dân sinh đã có từ lâu đời.

Năm 2011, khi chính quyền địa phương tiến hành khai thông đường kinh, đắp đập Cống Miễu có cam kết sẽ đảm bảo lối đi cho chúng tôi. Nhưng hiện nay, hộ ông Trương Văn Ê (nhà ở đầu đường) lại rào ngang không cho đi, khiến việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

“Đường đi này đã có từ rất lâu- từ khi tôi mua đất định cư ở đây. Nay muốn ra đường chính phải đi nhờ trên đất người hàng xóm nên nhờ Nhà nước giải quyết cho chúng tôi lối đi, vì ngoài con đường này, chúng tôi không còn lối đi công cộng nào khác”- ông Trần Văn Huệ cho biết.

Một đoạn trên lối đi tạm thời hiện nay của các hộ dân.
Một đoạn trên lối đi tạm thời hiện nay của các hộ dân.

Qua xác minh, để đến được nhà ông Huệ, từ con đường công cộng, chúng tôi phải len lỏi trong vườn rồi đi qua nhà của một hộ dân. Ông Huệ cho biết đây chỉ là lối đi tạm thời, vừa khó đi lại xa.

Cùng đi với chúng tôi, anh Châu Văn Hồng bức xúc: “Nhà tôi cũng ở phía trong này, trời mưa, đường trơn trợt, con tôi đi học rất vất vả, chưa kể vận chuyển vật tư nông nghiệp, hoa màu cũng khó khăn”.

Mang những bức xúc của các hộ dân đến UBND xã Đông Thạnh, chúng tôi được ông Nguyễn Minh Giang- Phó Chủ tịch UBND xã- cho biết thực tế chỉ có một vài hộ dân sinh sống phía trong, còn lại chủ yếu chỉ có đất canh tác.

Phần đất là lối đi dân sinh trước đây đã bị sạt lở, còn phần đất người dân yêu cầu mở lối đi hiện nay thuộc quyền sử dụng của ông Trương Văn Ê nên chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân mua lại lối đi. “Vụ việc này địa phương đã nhiều lần vận động các hộ dân thỏa thuận mua lối đi.

Trước đây, ông Ê cũng đồng ý bán phần đất này nhưng các hộ không thống nhất được giá nên không mua. Đến nay, khi tất cả các hộ đồng ý mua thì ông Ê không muốn bán nữa”- ông Nguyễn Minh Giang cho biết.

Ông Nguyễn Minh Giang còn khẳng định trước đây địa phương khai thông đường kinh với mục đích đắp đập, xây cống để chủ động nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân chứ không cam kết đảm bảo lối đi. Vì thế, người dân cần thỏa thuận với nhau tìm giải pháp có lợi cho cả đôi bên trong việc mở lối đi.

Qua sự việc trên, thiết nghĩ việc người dân mong muốn có một lối đi công cộng là chính đáng. Trước nhu cầu cấp thiết này, các hộ dân cần sớm thỏa thuận để có được lối đi sao cho thuận tiện, hợp lý, tránh xảy ra những bất hòa không đáng có.

Điều 275 Bộ luật Dân sự quy định quyền về lối đi qua bất động sản (BĐS) liền kề như sau:

1. Chủ sở hữu BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu BĐS liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.

Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp BĐS được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 điều này mà không có đền bù.

 

 

Bài, ảnh: PHẠM PHONG