Xin tri ân những chiến sĩ áo trắng!

Cập nhật, 06:42, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Vĩnh Long từ ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 21/6/2021, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đặc biệt, các chiến sĩ áo trắng đã tận sức cho xã hội. Ngày đêm xông pha truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc và điều trị, tiêm chủng để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng, góp phần quan trọng cùng tỉnh Vĩnh Long chiến đấu để sớm đẩy lùi đại dịch.

Tận sức vì bệnh nhân COVID-19

Đợt dịch thứ 4 bùng phát với số ca mắc COVID-19 tăng cao, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Long trở nên căng thẳng, những cơ sở y tế chuyên biệt nhanh chóng được thiết lập, để điều trị bệnh nhân thể nặng.

Đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
Đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Tỉnh huy động hơn 400 nhân viên y tế từ các phòng, khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến các trung tâm y tế tuyến huyện và các cơ sở y tế tư nhân. Khó nói hết được những gian khổ, sự hy sinh của các y bác sĩ tuyến đầu. Nhưng trong trận chiến ấy, họ không đơn độc, bởi ở mỗi vị trí, mỗi phòng tuyến, ai cũng đang nỗ lực nhiều nhất có thể.

Làm công tác truy vết dịch tễ chính là “người gác cổng”, giữ vai trò cực kỳ quan trọng, chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh, bác sĩ Trần Cẩm Linh- Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, chia sẻ: “Chúng tôi xác định tâm thế vào cuộc rất quyết liệt, quên hết thời gian, hành động nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch và các yếu tố nguy cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Những nhân viên y tế chạy đua với thời gian, chạy đua với tốc độ lây lan của vi rút để lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

Họ cũng là những người có nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu có sơ suất. Hàng ngày, hàng ngàn mẫu dịch hầu họng được chuyển đến các đơn vị để xét nghiệm khẳng định RT-PCR, tương đương với tối thiểu hàng ngàn người trông ngóng.

Những người “chạy đua tại chỗ” (đội ngũ nhân viên xét nghiệm) phải ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi để cho ra kết quả chính xác nhất, nhanh nhất đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Cử nhân Phan Thị Ngọc Thấm (Khoa Sinh hóa- Vi sinh miễn dịch thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Kỹ thuật viên khi xử lý mẫu sẽ phải ngồi liên tục 8 tiếng, trong bộ bảo hộ bí kín từ đầu đến ngón chân, tập trung cao độ và không được phép xảy ra bất kỳ sai sót nào, bởi thao tác sai dù chỉ một bước nhỏ thì quy trình xét nghiệm cả trăm mẫu sẽ cho kết quả sai.

Hơn 9 tháng qua, đèn của khoa chưa bao giờ tắt, nhân viên chưa có một ngày nghỉ. Điều chúng tôi sợ nhất không phải mình kiệt sức, mà sợ các máy quá tải”- chị Ngọc Thấm chia sẻ.

Những y bác sĩ tuyến đầu - “họ đã làm việc bằng ý chí chứ không còn là sức lực thông thường”. Họ luôn động viên bệnh nhân giữ tâm trạng thoải mái, cố gắng chiến thắng bệnh tật.
Những y bác sĩ tuyến đầu - “họ đã làm việc bằng ý chí chứ không còn là sức lực thông thường”. Họ luôn động viên bệnh nhân giữ tâm trạng thoải mái, cố gắng chiến thắng bệnh tật.

Những khuôn mặt hằn vết đỏ do đeo khẩu trang liên tục. Những bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay suốt ngày. Những bộ đồ bảo hộ bên ngoài những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi.

Trên những tuyến đầu chống dịch gian nan, căng thẳng và vất vả là những cống hiến thầm lặng, sự tận tụy hết lòng để giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe, san sẻ những vất vả cho nhau với chung một mục tiêu là sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Mỗi thành viên tuyến đầu, dù ở tầng y tế nào, đều đảm trách những phần việc đòi hỏi không được một phút lơ là, bất cẩn. Việc hàng ngày đi động viên, thăm hỏi từng bệnh nhân và cảm nhận được cố gắng của người bệnh trong từng nhịp thở, chính là động lực vượt qua không chỉ với các y bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (ICU) Vĩnh Long, mà với toàn bộ đội ngũ y tế.

“Bệnh nhân bị mắc COVID-19 diễn biến bệnh nguy kịch quá nhanh, nhiều bệnh viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền và ở bệnh trẻ tuổi không bệnh lý nền cũng có diễn tiến nặng nên đã vào ca thì mọi người phải căng sức để theo dõi 24/24, điều trị”- bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm ICU) chia sẻ.

Xin tri ân những “chiến sĩ áo trắng”

Trong cuộc chiến khốc liệt với COVID-19, chính những ai từng là F0 mới có thể hiểu hết áp lực của các y bác sĩ tuyến đầu. Họ phải có một tinh thần thép để ngày ngày đối diện với tiếng gọi đàm cấp cứu của những trung tâm hồi sức, tiếng còi hú, tiếng bệnh nhân kêu vì đau đớn…

Những âm thanh 24/24 lặp đi lặp lại trong hành trình giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Đã có những mất mát, đã có những y bác sĩ bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng bằng tình yêu thương trách nhiệm với cộng đồng- những “chiến sĩ áo trắng” vẫn luôn nỗ lực từng ngày.

Như cử nhân L.T.T.A (Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long) vừa hoàn thành điều trị COVID-19 đã trở lại công việc vì sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho mọi người trước “kẻ thù vô hình COVID-19” với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (ICU) Trung ương tại Vĩnh Long cho biết: “Khi các ca mắc tăng nhanh, các y bác sĩ ở đây không còn tính ngày thứ bảy hay chủ nhật nữa, mà cùng lao vào điều trị bệnh nhân.

Lúc bệnh nặng tăng, anh em chăm sóc bệnh rất cực và xin được ở ICU để làm, có điều dưỡng còn xin cho vợ vô làm cùng để làm sao cứu sống bệnh nhân. Tất cả anh em cùng nhau hết sức với mục đích cứu sống bệnh nhân”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng- Trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 tỉnh chia sẻ: Hơn 9 tháng qua, đội ngũ y bác sĩ thực hiện công tác điều trị tại khu vực bệnh nặng có những ê kíp chỉ được chợp mắt 1 giờ/1 ngày, có những giây phút mà y bác sĩ không dám ngồi, luôn đứng trực để canh từng nhịp tim, từng chỉ số SpO2 của bệnh nhân thay đổi. Có bác sĩ, điều dưỡng sụt 3-4 kg.

Niềm vui của y bác sĩ khi bệnh nhân nặng được xuất viện. Ảnh: TL
Niềm vui của y bác sĩ khi bệnh nhân nặng được xuất viện. Ảnh: TL

Song, tất cả đều đang nỗ lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Tính đến 1/1/2022 Vĩnh Long có gần 20.000 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh.

Đây là niềm động viên lớn nhất để y bác sĩ chúng tôi tiếp tục chiến đấu tiếp với dịch bệnh, sớm mang lại sức khỏe và nụ cười cho bệnh nhân và đó là niềm hy vọng, là niềm tin mãnh liệt Vĩnh Long sẽ chiến thắng COVID-19.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang còn ở phía trước. Các “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang ngày đêm làm việc, họ luôn cơ động, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ được phân công, ngày đêm truy vết, cách ly, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, xét nghiệm sàng lọc F0 trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch, tích cực điều trị bệnh nhân nặng,…

Xin hãy tri ân các “chiến sĩ áo trắng”, lực lượng tuyến đầu bằng trái tim và bằng hành động tích cực của mình. Sự tri ân này thể hiện bằng việc hãy xem chính mình là một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch.

Chỉ có nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ quy định “5K”, bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, đẩy lùi được đại dịch, cũng là lúc các “chiến sĩ áo trắng” được trở về bên gia đình của mình!

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh Vĩnh Long: Tỉnh ghi nhận sự cống hiến hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y bác sĩ ngày đêm chiến đấu để giữ lấy sự sống cho bệnh nhân.

Tình hình dịch căng thẳng, có những lúc các y bác sĩ làm việc trong điều kiện quá tải, một người phải làm việc gấp đôi gấp ba. Gác lại việc nhà, mỗi y bác sĩ đều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”.

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN