Hiệu quả tích cực trong điều trị F0 tại nhà

Cập nhật, 10:27, Thứ Bảy, 29/01/2022 (GMT+7)

 

Chị Cam Ngọc T. (xã Phú Đức- Long Hồ) vừa khỏi bệnh sau thời gian điều trị tại nhà.
Chị Cam Ngọc T. (xã Phú Đức- Long Hồ) vừa khỏi bệnh sau thời gian điều trị tại nhà.

Vĩnh Long chính thức áp dụng phương án điều trị F0 tại nhà kể từ đầu tháng 12/2021. Đây là giai đoạn số ca mắc COVID-19 tại tỉnh liên tục tăng cao với trên 500 ca/ngày, gây áp lực cho các cơ sở điều trị tập trung.

Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà cùng với sự theo dõi, hỗ trợ từ ngành y tế được đánh giá là phù hợp trong trạng thái “bình thường mới”, không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái cho người bệnh.

Bình tĩnh, giữ tinh thần  lạc quan

Không còn bị tâm lý hoang mang khi mắc COVID-19, như những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, nhiều F0 chủ động liên hệ với cán bộ y tế, bác sĩ để điều trị và tâm lý lạc quan hơn.

Chị Cam Ngọc T. (xã Phú Đức- Long Hồ) chia sẻ: “Lúc đầu mới bệnh cũng sợ lắm, lo ở nhà nếu chuyển nặng thì không biết xử lý sao. Cũng nhờ có nhân viên y tế điện thoại hỏi thăm sức khỏe thường xuyên, tư vấn thêm nên tôi cũng yên tâm. Sau thời gian điều trị tại nhà, hiện nay tôi đã đủ sức khỏe để đi làm lại bình thường. Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của y tế tại địa phương nên tâm lý tôi vững vàng hơn trong quá trình điều trị”.

Giữa tháng 1/2022, gia đình anh Nguyễn Minh D. (Phường 3- TP Vĩnh Long) cả 4 người đều dương tính SARS-CoV-2. Anh cho biết vợ anh xuất hiện triệu chứng sốt, ho nên tự test nhanh thì kết quả dương tính.

“Anh và 2 con âm tính. Vợ cách ly phòng riêng nhưng hôm sau tiếp tục test thì 3 cha con lên 2 vạch. Vợ chồng tôi cũng lo lắm, nhất là 2 con nhỏ nên liên hệ y tế địa phương và bác sĩ nhi tư vấn qua điện thoại. Con gái 8 tuổi sốt 2 ngày, cao nhất 38,5 độ. Anh được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc, kê đơn… và nhờ hàng xóm mua dùm. Đến ngày thứ 3, bé giảm sốt, vui chơi như bình thường.

Còn vợ chồng thì cũng bị mất vị nhưng cả nhà cố gắng động viên nhau ăn uống cho đủ chất, cùng tập thể dục, nghe nhạc, xem phim để giữ tinh thần lạc quan”. Anh tiếp lời: “Qua việc cả nhà cùng bệnh, cùng chăm nhau tại nhà thêm gắn kết. Vợ chồng anh có thời gian gần con, dạy con học online, đọc sách cùng con, cùng nhau lau dọn vệ sinh nhà sạch đón Tết. Nhờ bệnh mà cả nhà anh quen thức sớm, hít hà không khí trong lành buổi sớm để cùng tập thể dục đó”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim V. (xã Thành Trung- Bình Tân) có đến 4 người mắc COVID-19 và đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà. Khi mắc bệnh, các thành viên trong gia đình vững tâm lý, an tâm khi được nhân viên y tế xã hướng dẫn điều trị.

“Đến giờ tôi thấy việc trở thành F0 cũng không có gì quá khủng khiếp. 2 vợ chồng được tiêm 2 mũi vắc xin nên không có mệt. Nhà có bé 13 tháng bị lây bệnh, có khó chịu, ăn bú ít, 2,3 bữa đầu nhưng sau đó khỏe, chơi giỡn bình thường. Ai cũng đeo khẩu trang, súc miệng nước muối, uống thuốc C trạm cho và làm theo hướng dẫn điều trị của y tế”- chị V. cho biết.

Tăng cường năng lực điều trị F0 tại nhà

Theo BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 Vĩnh Long, đến ngày 25/1, toàn tỉnh có hơn 26.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, qua điều trị có hơn 21.000 trường hợp khỏi bệnh.

Nhờ thực hiện hiệu quả công tác phân tầng và điều trị, nhận định đúng tình hình sức khỏe người bệnh nên đa số các trường hợp chuyển nặng được chuyển tuyến kịp thời, các trường hợp có bệnh nền đều được vận động đến cơ sở điều trị tập trung để đảm bảo an toàn, hạn chế tử vong.

Với mục tiêu giảm tình trạng chuyển nặng, giảm tử vong và hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ngành y tế tỉnh đang tăng cường giám sát và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để y tế cơ sở làm nhiệm vụ, yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác phân tầng bệnh nhân, nhận định đúng tình trạng sức khỏe để thực hiện biện pháp điều trị phù hợp,...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng cho biết, Vĩnh Long cũng huy động các lực lượng ban ngành, đoàn thể cùng tích cực tham gia hỗ trợ y tế trong việc truyền thông, hướng dẫn người dân biết về tình trạng sức khỏe của mình, thực hiện nghiêm các quy định về điều trị tại nhà.

Tỉnh đã thành lập “Đội chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà” trên địa bàn TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ thông qua kết nối ứng dụng phần mềm hỗ trợ khám bệnh từ xa, từ đó hỗ trợ các trạm y tế lưu động trong công tác điều trị F0 tại nhà, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn và cấp thuốc điều trị.

Song song đó, ngành y tế tỉnh kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các trạm y tế lưu động trên địa bàn, qua đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở để phục vụ lâu dài cho công tác phòng, chống dịch.

Nhân viên Trạm Y tế xã Phú Đức đến thăm 2 mẹ con F0 điều trị bệnh tại nhà.
Nhân viên Trạm Y tế xã Phú Đức đến thăm 2 mẹ con F0 điều trị bệnh tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định, điều trị F0 tại nhà là một mô hình hiệu quả. Việc điều trị tại nhà góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị tập trung, đồng thời người bệnh thoải mái hơn khi ở tại nhà và được hỗ trợ từ y tế, qua đó nhanh chóng bình phục. Hiện nay, trong bối cảnh địa phương đã nâng độ bao phủ vắc xin đạt khá cao, các ca mắc đa số là trường hợp không triệu chứng, việc triển khai phương án này là phù hợp, vừa đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế rà soát lại tất cả các điều kiện để đảm bảo hoạt động của trạm y tế lưu động như: trang thiết bị bảo hộ, bình oxy,… Về lâu dài, tỉnh Vĩnh Long đang yêu cầu các ngành tham mưu để tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách động viên cho lực lượng y tế ở tuyến cơ sở, rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh cho người dân ở tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, trước tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp trong khi nguồn nhân lực y tế có hạn chế, để công tác điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận và ý thức từ người dân. Mỗi người dân chung tay theo dõi tình hình sức khỏe, hiểu được bản thân phải làm gì trong thời gian điều trị bệnh tại nhà, qua đó có thể chủ động liên hệ với lực lượng y tế để được hỗ trợ khi thật sự cần thiết, hạn chế tình trạng bệnh chuyển nặng hoặc tử vong.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN