Đề phòng té ngã ở người cao tuổi

Cập nhật, 18:20, Thứ Sáu, 05/11/2021 (GMT+7)

Những vấn đề như: sự suy yếu của hệ thống miễn dịch cũng như sức khỏe của độ tuổi, thị lực kém, hệ thống gân cơ yếu dần, phản xạ cơ thể chậm hơn, là nguyên nhân khiến người cao tuổi (NCT) dễ đối mặt với nguy cơ bị té ngã trong sinh hoạt. Những sự cố té ngã tưởng chừng rất đơn giản đối với người trẻ có khi lại là tai họa đối với người già, do sức chịu đựng của NCT ngày càng yếu.

Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều trường hợp người cao tuổi té, ngã.
Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều trường hợp người cao tuổi té, ngã.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Cô Hồng Thi (62 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) bị trợt té do có vũng nước nhỏ trong nhà. “Mưa lớn quá, nước tràn vô nhà, cô lau bị sót. Đôi dép mang trong nhà bị mòn gót, thêm nữa cô không đeo kính nên không thấy rõ, bước trúng nước bị trợt té đập vô đầu gối. Cũng may, lúc té có cháu ở nhà đỡ lên. Cô rờ đầu gối thấy xương nó lục cục, nghĩ bể xương chắc rồi. Thật vậy, sau khi chụp XQ, bác sĩ chẩn đoán vỡ mâm bánh chè và cô được phẫu thuật ngay hôm sau”- cô Thi kể lại.

Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho bà H.T.N. (76 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long), nhập viện trong tình trạng đau ngực trái nhiều và khó thở.

Theo người nhà kể lại, lúc đang đi trong nhà, bà N. vấp phải đồ chơi của cháu bé nên ngã nhào, ngực và gối trái bị đập xuống sàn nhà. Bà thấy đau, không thể tự đứng dậy được. Sau đó bà đau nhiều ở vùng ngực trái. Người nhà cho bà uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ, đau hông sườn trái ngày càng tăng, thở mệt.

Thời điểm nhập viện cấp cứu, bà N. đau nhiều, không thể xoay trở hay tự ngồi dậy được. Bác sĩ cho biết bà N. bị gãy xương sườn, gãy lún đốt sống ngực, thắt lưng kèm bệnh phổi hạn chế do béo phì, viêm gan C. Bà được điều trị bằng kháng sinh kiểm soát nhiễm trùng viêm phổi, kiểm soát đau và tập phục hồi chức năng để có thể xoay trở, ngừa biến chứng do nằm lâu.

Theo các chuyên gia y tế, trong các chấn thương do té ngã thì gãy xương chiếm tỷ lệ cao nhất với 87%, trong đó hơn 95% trường hợp bị gãy xương hông. Té ngã cũng nằm trong 5 nguyên nhân gây tử vong ở người trên 65 tuổi với tỷ lệ tử vong tăng theo tuổi.

NCT bị té ngã thường do nhiều yếu tố kết hợp như: lão hóa, tiền căn té ngã, có vấn đề bàn chân, yếu cơ, hạ huyết áp tư thế, giảm thị lực, giảm thính lực, đột quỵ, giảm nhận thức, thoái hóa khớp; hay từ môi trường sống: cầu thang không có tay vịn, nhà tắm không có thanh nắm, không gian sống không đủ ánh sáng hoặc quá chói, bề mặt sàn nhà có nhiều chướng ngại vật, nhà tắm trơn trượt hoặc không bằng phẳng...

Ngoài ra tác dụng phụ của một số thuốc chống trầm cảm, loạn thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị sa sút trí tuệ, bệnh parkinson cũng là nguy cơ gây ra té ngã ở NCT.

Phòng ngừa té ngã

Thời gian qua, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều trường hợp NCT té, ngã.

Bà Đ.T.Đ. (92 tuổi, xã Tân Hạnh- Long Hồ) bị tai nạn sinh hoạt được người thân đưa vào nhập viện trong tình trạng gãy cổ xương đùi bên. Bệnh nhân lớn tuổi, kèm theo nhiều bệnh lý nền nên các bác sĩ phải hội chẩn nhiều chuyên khoa trước khi quyết định thay khớp háng bán phần cho bà. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ thành công ngoài mong đợi và 10 ngày sau mổ, bà tự ngồi dậy, đi chạm chân bên mổ xuống sàn nhà.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trầm Quốc Tuấn- Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, cho biết, gãy cổ xương đùi thường gặp ở người già trên 60 tuổi, do NCT có tỷ lệ khá cao mắc bệnh loãng xương.

Tỷ lệ nữ nhiều hơn nam, gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt của người bệnh. Trước đây, những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, các bác sĩ chỉ điều trị bảo tồn. Tuổi thọ trung bình của khớp háng nhân tạo là 15 năm nên sau phẫu thuật, bệnh nhân cần hạn chế các vận động mạnh, tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ đồng thời tái khám định kỳ để kiểm tra và xử trí những hao mòn của khớp háng.

Theo bác sĩ Trầm Quốc Tuấn, NCT cần đặc biệt chú ý phòng tránh nguy cơ bị gãy xương trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, hạn chế leo cầu thang, ghế cao, tránh đi vào nơi dễ trơn trượt, đảm bảo đủ ánh sáng khi đi trong đêm để tránh nguy cơ té ngã; nền nhà không lót gạch láng.

Ở nông thôn con cháu nên chú ý vệ sinh nền rong rêu, sàn nước kỹ. Khi bị chấn thương dù nhẹ, người bệnh cần đi kiểm tra ngay bằng chụp X-quang và đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa định rõ bệnh, không nên tự ý uống thuốc, sửa trật, bó thuốc vì có thể làm bệnh nặng hơn, chú ý nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng.

Để ngăn ngừa té ngã ở NCT, các bác sĩ khuyến cáo: cần tập thể dục đều đặn nhằm làm tăng sức cơ, giữ cho khớp dẻo dai và kích hoạt các hệ thống kiểm soát cân bằng và vận động trong cơ thể. Để phòng tránh loãng xương ở NCT cần tăng cường bổ sung canxi, vitamin D từ thực phẩm như sữa, cá hồi, rau củ, hải sản... Đo loãng xương để biết mức độ loãng xương, tập các môn thể dục phù hợp với tuổi già như: dưỡng sinh, khí công, thiền...

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Các tin khác: