Ngộ độc cần được sơ cứu và có nhân viên y tế theo dõi

Cập nhật, 08:20, Thứ Sáu, 05/11/2021 (GMT+7)

Xin bác sĩ cho biết ngộ độc thực phẩm thường có những triệu chứng gì và cách xử lý như thế nào?

Trần Thị Như Loan

(Ngãi Tứ- Tam Bình)

Trả lời:

Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân nên các triệu chứng cũng khác nhau. Cụ thể, nếu do vi khuẩn, vi rút hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra) thì người bệnh chỉ có biểu hiện ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, tiêu chảy. Có thể kèm các biểu hiện mất nước như khát, khô môi, sốt, vã mồ hôi.

Nếu ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất thì bệnh nhân có biểu hiện phức tạp hơn, không chỉ ở đường tiêu hóa mà còn ở cả các cơ quan khác như hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt hoặc tim mạch gây nhịp tim nhanh, trụy mạch. Trường hợp ngộ độc do các loại thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên thì sẽ xuất hiện triệu chứng ngay sau khi ăn các loại thực phẩm đó như sắn, măng, cá nóc, cóc…

Khi thấy bản thân hoặc người xung quanh có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, cần bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu sau: Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn) để người ngộ độc nôn ra những thực phẩm trong dạ dày, hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn ra càng tốt. Trong lúc gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi. Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không gây nôn.

Cho người bệnh uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi do sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục, cơ thể sẽ mất nhiều nước nên cần bù nước. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang bù lượng nước đã mất. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất vì dù đã tiến hành sơ cứu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào nên người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi của nhân viên y tế.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

 

 

Các tin khác: