Sức khỏe và thuốc lá

Khói thuốc lá ảnh hưởng sức khỏe trẻ em

Cập nhật, 17:18, Thứ Năm, 04/11/2021 (GMT+7)

Việc hít khói thuốc thụ động rất gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa rất khó chịu mỗi khi thấy chồng mình hút thuốc lá. Dù đã khuyên nhiều năm, nhưng chồng chị chỉ giảm hút chứ không bỏ hẳn. “Về nhà là ảnh không hút thuốc vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ, nhưng khói thuốc mà ảnh hút khi đi làm hay ra ngoài vẫn còn bám trên hơi thở, quần áo. Về nhà, con gái mừng, ôm ba cũng hít khói thụ động, lâu ngày dài tháng cũng sẽ không tốt cho con”- chị Hoa thở dài.

Hầu hết các bà vợ thường rất khó chịu khi các ông chồng hút thuốc trong nhà hay không gian công cộng. Phần là chị em thường ghét mùi thuốc, phần vì trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về cả sức khỏe và trí tuệ.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam có tới 40% trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá.

Trong nhiều mối nguy đến với trẻ em do hít phải khói thuốc, đáng ngại nhất là tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ sẽ cao gấp 1,6- 8 lần so với người lớn. Chức năng giải độc ở cơ thể trẻ thấp hơn người trưởng thành nên trẻ em càng dễ nhiễm độc từ khói thuốc lá. Trẻ sống chung với người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh đường hô hấp. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho con em mình là nói không với thuốc lá.

Cotinine là loại vật chất được sản sinh khi Nicotine phân giải, một khi hàm lượng Cotinine trong huyết dịch của trẻ tăng lên, năng lực đọc hiểu, số học và suy lý của trẻ sẽ giảm xuống. Việc người hút thuốc tránh đi chỗ khác hút thuốc hay không hút thuốc trong nhà gần như không có tác dụng, bởi khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí, trong hơi thở ít nhất 5 giờ, kể cả khi không còn nhìn thấy và ngửi thấy. Thậm chí về lâu dài, các chất gây ung thư trong khói thuốc sẽ bám vào các đồ vật trong nhà kể cả khi chúng ta không còn hút thuốc.

MAI ANH

Các tin khác: