Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại nhà

Cập nhật, 15:23, Thứ Ba, 16/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Nhiều tháng nay, trẻ mầm non không thể đến trường vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngành giáo dục đã hướng dẫn để cùng phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Khi học tại trường trẻ mầm non được chăm sóc giáo dục thể chất, kỹ năng.
Khi học tại trường trẻ mầm non được chăm sóc giáo dục thể chất, kỹ năng.

Đồng hành chăm sóc, giáo dục trẻ

Do tình hình dịch bệnh, thời gian trẻ mầm non ở nhà dài, ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ. Sở GD- ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, liên hệ, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà.

Song song đó, thành lập các nhóm qua Zalo, Viber... giữa giáo viên và các phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; phân công giáo viên phụ trách nhóm, lớp nắm bắt cụ thể về tình hình sức khỏe của trẻ em trong thời gian trẻ em chuẩn bị tới trường.

Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non nhưng duy trì hoạt động kết nối với gia đình và trẻ bằng kênh liên lạc phù hợp để chia sẻ, hỗ trợ phụ huynh kiến thức kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục khi trẻ ở nhà.

Yêu cầu giáo viên lựa chọn và hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để hướng tới đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo Chương trình giáo dục mầm non; các nội dung, hình thức hoạt động cho trẻ em luôn đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu về giáo dục.

Bà Lê Thanh Vân- Phó Phòng Giáo dục Tiểu học- Giáo dục mầm non, Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho biết: “Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, nhất là các nội dung, hoạt động trò chơi làm quen với chữ cái phù hợp cho trẻ 5 tuổi”.

Ví dụ như tiếp xúc với chữ, sách truyện; nhận dạng các chữ cái; tập tô, tập đồ các nét chữ; làm quen với hướng đọc và hướng viết; thống nhất vở tập tô các nét chữ dành cho trẻ mầm non để hướng dẫn phụ huynh cho trẻ thực hiện tại nhà theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Bên cạnh đó, tổ chức dạy học qua truyền hình để cung cấp nguồn tài liệu, học liệu trực tuyến hỗ trợ phụ huynh chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhà theo chương trình giáo dục mầm non.

Cho con khôn lớn

Giáo viên phối hợp cùng phụ huynh cho bé học tại nhà.
Giáo viên phối hợp cùng phụ huynh cho bé học tại nhà.

Cô Trịnh Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Mầm non 3- TP Vĩnh Long, cho biết: “Giáo viên các lớp thành lập nhóm Zalo với phụ huynh của trẻ, thông tin phòng chống dịch bệnh, phòng chống béo phì đưa lên câu chuyện, bài thơ, bài hát cho phụ huynh dạy trẻ nắm kiến thức.

Tuyên truyền vận động phụ huynh tham gia sữa học đường, bảo hiểm thân thể cho trẻ, giáo viên- phụ huynh gắn kết với nhau, sẵn sàng hỗ trợ thông tin cho phụ huynh”. Đến nay, trẻ đăng ký ra lớp ở trường là 296 trẻ, đạt mục tiêu đề ra.

Tham gia nhóm lớp khi con chưa được đến trường, được giáo viên hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà qua các clip video, dạy qua truyền hình.

Chị Lê Thị Tuyết Mai (ở Phường 8- TP Vĩnh Long) tự tổ chức nhiều trò chơi cho con như rót nước bằng hai tay, dạy bé trồng hành tây, trồng khoai lang, dạy con cách yêu quý các con vật, rửa tay đúng cách phòng dịch.

Chị Mai cho biết: “Tôi cũng nói cho con hiểu về tình hình dịch bệnh cho bé hiểu lý do bé chưa thể đến trường được và cho bé biết phải giữ gìn sức khỏe”.

Tại Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân) giáo viên và phụ huynh cũng đã có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong chăm sóc giáo dục trẻ.

Hiệu trưởng Trương Thị Kim Thoa cho biết: “Zalo nhóm được tạo và gửi hướng dẫn theo chủ đề cho phụ huynh. Hiện tại thì trường chúng tôi đã huy động hơn 70% trẻ đăng ký nhập học. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để đón trẻ”.

Với sự nỗ lực của ngành giáo dục, mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh tin rằng việc chăm sóc giáo dục trẻ mầm non trong thời gian trẻ chưa thể đến trường sẽ đạt được hiệu quả tốt, để bé phát triển toàn diện.

Bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long

Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa phương có cấp độ dịch ở mức 1 (nguy cơ thấp) trẻ mầm non mới được đi học bình thường tại trường dạy học trực tiếp 100%, nhưng phải thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa phương có cấp độ dịch ở mức 2, 3 (nguy cơ trung bình và nguy cơ cao) không đảm bảo an toàn để đi học, trẻ mầm non được nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: